Theo đó, nhằm thực hiện các văn bản của Chính phủ, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành những kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai nhằm tạo môi trường cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Hòa Bình cũng chủ động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản để người dân, doanh nghiệp được biết, thực hiện; hướng dẫn người dân kê khai đúng với giá chuyển nhượng bất động sản thực tế phát sinh khi xác định nghĩa vụ thuế… Việc kê khai giá giao dịch bất động sản cao hoặc thấp hơn so với bảng giá của UBND tỉnh tỷ lệ rất thấp, phù hợp với nhu cầu và mức thu nhập của người dân trên địa bàn.
Hiện nay, UBND các huyện, thành phố đã công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện và công khai tại trụ sở UBND cấp xã theo quy định. Công khai giá đất, giá bất động sản đưa vào kinh doanh, giao dịch. Các dự án bất động sản đã đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản và dữ liệu về nhà ở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực này được tiếp cận thông tin phục vụ việc quản lý, hoạch định chính sách, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Hiện trên toàn tỉnh có 1.872 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, có 1.091 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực đầu tư xây dựng, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản và 781 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ môi giới, tư vấn, quản lý bất động sản. Ngoài ra, trên địa bàn có 2 doanh nghiệp hoạt động bất động sản, gồm Sàn giao dịch SHB và sàn Dạ Hợp.
Cùng với đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư các dự án bất động sản được tỉnh thực hiện kịp thời ngay sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính về nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đai. Do đó, tính đến nay, tỉnh đã thực hiện cấp 6.287 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư của 51 dự án bất động sản.
Trong đó, có 5 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho 3 dự án khu, cụm công nghiệp; 6.274 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cấp cho 43 dự án nhà ở và 8 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho 5 dự án thương mại, dịch vụ có kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Đáng chú ý, tại các dự án nhà ở, đã thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thực hiện thủ tục đăng ký biến động, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân là 3.828 giấy. Đến nay, không có trường hợp nợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên số lượng hồ sơ nộp đã đủ điều kiện.
Ngoài ra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản luôn được tỉnh Hòa Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước. Do đó, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Đến nay, hệ thống quy phạm pháp luật về nhà ở tại tỉnh đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, từng bước được hoàn thiện, với nhiều sự đổi mới có tính đột phá, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển thị trường bất động sản; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Do đó, để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Đồng thời, thường xuyên rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường.
Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường.
Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường bất động sản đi đôi với kiểm soát rủi ro; coi trọng việc giám sát, điều tiết thị trường; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ cán bộ, những người làm đúng./.