Aa

Hoàn thiện Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch sân bay Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030

Thứ Ba, 15/12/2020 - 16:30

Vẫn còn nhiều nội dung cần phải chỉnh sửa trong Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Tư vấn rà soát, tính toán cụ thể (kinh tế, xã hội, du lịch,…) để có cơ sở xác định chính xác số liệu dự báo; đồng thời, Tư vấn cần đánh giá cụ thể tiềm năng, lợi thế, cơ hội cạnh tranh, những hạn chế giữa hàng không với các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt để đưa ra số liệu dự báo đảm bảo tin cậy, chính xác.

Về điều chỉnh thời điểm đầu tư một số cảng hàng hàng không, Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Tư vấn cần phân tích cụ thể nhu cầu vận tải, sự phát triển kinh tế - xã hội và so sánh khả năng phục vụ giữa các phương thức vận tải để chứng minh việc điều chỉnh thời điểm đầu tư các cảng hàng không cho phù hợp, đặc biệt là cảng hàng không Nà Sản và cảng hàng hàng không Lai Châu.

Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ phải làm rõ một số vấn đề tại Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trong đó có khái niệm “quốc tế cửa ngõ”; trung tâm Logistics và thành phố sân bay; việc phát triển các phương thức vận tải kết nối với các cảng hàng không có nhu cầu giao thông lớn như: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ xây dựng Nhà ga T3 để nâng công suất toàn cảng lên 50 triệu khách/năm

Trước đó, vào ngày 16/11/2020, Bộ GTVT) đã nghe Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa.

Trong đó, 5 cảng hàng không quốc tế cửa ngõ gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành.

So với mạng cảng hàng không toàn quốc theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không toàn quốc trong quy hoạch lần này giảm từ 28 xuống còn 26, trong đó 2 cảng hàng không gồm Nà Sản, Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.

Trong định hướng đến năm 2050, số lượng các cảng hàng không trong cảng nước sẽ gồm 30 cảng hàng không, bao gồm: 15 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không nội địa, trong đó Cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.

So với giai đoạn đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không toàn quốc được bổ sung thêm 4 cảng hàng không gồm: Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040).

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất 4 dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 gồm: Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm, từng bước triển khai giai đoạn 2 công suất 50 triệu hàng khách/năm; xây dựng Nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để nâng công suất toàn cảng lên 50 triệu khách/năm; mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài xây dựng ga T3 và khu bay phía Nam để đạt công suất 60 triệu hàng không/năm; mở rộng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đạt công suất lên 25 triệu khách/năm.

Ước tính chi phí đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng; uớc tính chi phí đầu tư giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 866.360 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư khác nhau như: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top