Tháo gỡ thủ tục hành chính
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung vào những mục tiêu lớn là giải quyết tồn tại, tháo gỡ, "cởi trói" các điểm nghẽn về thể chế, chính sách để đưa nguồn lực đất đai vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai đã cho biết, tính riêng trong năm 2017, Tổng cục đã tiếp nhận tổng cộng 11.007 văn bản đến, đã hướng dẫn, trả lời, tập trung chủ yếu thuộc các lĩnh vực đăng ký, cấp giấy chứng nhận, quy hoạch, giao đất, cho thuê đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Thông qua việc thực hiện Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả mang lại những kết quả ấn tượng, trong đó đã cắt giảm thời gian thực hiện một số thủ tục xuống từ 1/3 đến 1/2 so với trước đây.
Đồng thời, Tổng cục đã đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng việc sơ kết Nghị quyết Trung ương 19 NQ/TW về chính sách đất đai, sơ kết thi hành Luật Đất đai, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác; hoàn thành công tác thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của 63 tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn hỗ trợ bước đầu thực hiện có hiệu quả theo kế hoạch đối với các dự án ODA; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; công tác cải cách hành chính được chú trọng thực hiện, đặc biệt là việc cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về đất đai của các địa phương được xử lý kịp thời, hiệu quả.
Việc nghiên cứu điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản đóng một vai trò quan trọng. Điều này chứng minh rõ ràng nhất là các chính sách về đất đai đang dần hoàn thiện về nội dung để giải quyết các bất cập trên góc độ thị trường như công tác quy hoạch, hình thức giao đất, thuê đất; thời hạn và hạn mức sử dụng đất; hoàn thiện hạ tầng thông tin đất đai. Từ đó, có những rõ ràng trong phân cấp trong thu hồi đất, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Minh bạch thị trường bất động sản
Thời gian qua, chính sách pháp luật về đất đai cũng đã đã được hoàn thiện hơn, phù hợp với cơ chế thị trường. Các quyền của đối tượng sử dụng đất ngày càng được bảo đảm, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư vào đất đai. Trên thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bài phân tích về Luật Đất đai 2013, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã khẳng định: "Chuyển từ khái niệm “quản lý đất đai” sang thể chế “quản trị đất đai”; thay đổi căn bản trong cơ chế Nhà nước thu hồi đất nhằm triệt để loại bỏ nguy cơ tham nhũng trong thu hồi, giao, cho thuê đất; phải lấy ý kiến của dân đối với từng cấp quy hoạch sử dụng đất… Đây là những điểm tiến bộ lớn được ghi nhận trong Luật Đất đai sửa đổi và được thông qua năm 2013".
Trong đó, ông Võ cho rằng, với yêu cầu minh bạch thông tin đất đai, Điều 28 Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng và cung cấp thông tin đất đai trên nguyên tắc minh bạch. Nguyên tắc minh bạch thông tin được hình thành trong hầu hết các công đoạn quản lý đất đai như lập quy hoạch sử dụng đất, quyết định giá đất, thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Quy định về cung cấp thông tin đất đai minh bạch này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh lâu nay thị trường bất động sản luôn được đánh giá rất thiếu chuyên nghiệp vì thông tin bất động sản không công khai và minh bạch.
Cũng theo giới phân tích, minh bạch trong định giá đất không có cách nào ngoài việc thiết lập cơ chế thường xuyên công khai giá đất qua đấu giá hoặc giao dịch mua bán đất đai. Tuy nhiên, cũng cần gắn với những cải cách về ngân sách của địa phương theo hướng khuyến khích áp dụng rộng rãi thuế đất và thuế bất động sản thay cho nguồn thu từ phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất như hiện nay.
Xoay quanh câu chuyện định giá đất đai, tại Kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn đại biểu Quốc hội ủng hộ Bộ trong vấn đề sửa Luật, điều chỉnh chính sách đất đai dựa trên công cụ kinh tế để xác định giá đất đai và làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực đất đai trước và trong khi quy hoạch để tính toán thu đầy đủ thuế Giá trị gia tăng.
“Đấu giá đất đai là tốt nhất nhưng cần dựa trên giá thị trường, làm sao thông tin thị trường là chính xác nhất mà không phải là giá ảo hay bị đẩy lên”, Bộ trưởng nói./.