Aa

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 25/09/2024 - 15:43

Tại Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 25/9, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đã cùng nhau bàn thảo về những thành tựu, thách thức và giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong bối cảnh mới.

Kinh tế tuần hoàn - chìa khóa cho tăng trưởng xanh

Phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu là những mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn được đánh giá là những nội dung quan trọng, đồng thời là cơ sở để thực hiện các mục tiêu này.

Theo đó, Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới" tập trung đánh giá những thành tựu đã đạt được trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn vào năm 2022. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời cập nhật những xu hướng và chính sách mới nhất về kinh tế tuần hoàn trên thế giới.

Một trong những điểm nhấn của Diễn đàn là việc cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện, bổ sung các giải pháp then chốt, đặc thù, vượt trội cho từng ngành/lĩnh vực; qua đó tạo động lực và huy động nguồn lực tài chính để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam- Ảnh 1.

Kinh tế tuần hoàn đã và đang thay thế kinh tế tuyến tính. (Ảnh: TL)

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua hàng loạt chính sách và luật pháp quan trọng, điển hình là Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn được phê duyệt năm 2022. Sắp tới, Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 cũng sẽ được thông qua.

Ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, hệ thống chính sách này cho thấy Việt Nam đang hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, con đường phía trước không ít chông gai. Việt Nam cần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thiết kế, quy hoạch, phối hợp, thông tin, hạ tầng kỹ thuật, cũng như các khía cạnh xã hội và môi trường.

Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự tham gia của nhiều chủ thể, từ doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, đến các cơ sở giáo dục, người dân và cộng đồng. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế xanh, thịnh vượng và bền vững.

Đến hiện tại, kinh tế tuần hoàn đã được triển khai tại nhiều địa phương ở Việt Nam với nhiều mô hình cụ thể như tại Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, một số địa phương ở Nam Trung Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ... Trong đó, mô hình tại TP. Hải Phòng được tổ chức APEC trao giải thưởng thực tiễn tốt nhất về mô hình thành phố cảng xanh - thành phố sinh thái - kinh tế, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại diễn đàn, Thượng tướng PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay, kinh tế tuần hoàn là khái niệm đã phát triển qua nhiều thập kỷ. Đến nay, kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới yêu cầu phải chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính gây lãng phí hiện tại sang nền kinh tế tuần hoàn.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên. Việt Nam cũng nằm trong xu thế sản xuất xanh, do đó cần tận dụng cơ hội của kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Như vậy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là cơ hội lớn để Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và khôi phục các hệ thống tự nhiên.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam- Ảnh 2.

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn.

Xây dựng giải pháp để đẩy nhanh mô hình kinh tế tuần hoàn

Tại Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, Quyết định 687/QĐ-TTg năm 2022 là bước tiến quan trọng, mở đường cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa lợi ích, cần tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp chuyển đổi và sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong các ngành tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng và vật liệu xây dựng.

Bà Minh cũng đề cao tầm quan trọng của việc sớm xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, cụ thể hóa các cam kết hợp tác quốc tế về kinh tế tuần hoàn. Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm, với đề xuất thí điểm ở 4 nhóm ngành gồm: nông lâm nghiệp, công nghiệp, vật liệu xây dựng và năng lượng, là một bước đi cần thiết. Đặc biệt, bà nhấn mạnh sự cần thiết của tư duy vượt qua khuôn khổ ngành, hướng tới sự kết hợp chặt chẽ trong toàn bộ nền kinh tế. 

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam- Ảnh 3.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

"Thử nghiệm chính sách là bước đi cần thiết để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho kinh tế tuần hoàn. Các chính sách cụ thể như ưu đãi thuế, tín dụng xanh, hỗ trợ công nghệ... sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các giải pháp tuần hoàn. Đây là cơ hội để chúng ta xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới và đầu tư vào các hoạt động xanh, bền vững", TS. Trần Thị Hồng Minh đề xuất. 

Để thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng cần kết hợp hài hòa giữa việc huy động nội lực và triển khai các giải pháp trọng tâm.

Về nội lực, cần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, quản lý và xử lý chất thải hiệu quả, đồng thời thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng 5Rs (từ chối, tái sử dụng, giảm thiểu, tái chế và sửa chữa). Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi xanh gắn liền với chuyển đổi số, đảm bảo các định hướng, chính sách, chiến lược và giải pháp đều "SMART" (cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, liên quan và thời gian).

Các giải pháp trọng tâm bao gồm: Lồng ghép các chiến lược và kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. 

Ban hành kế hoạch hành động và cơ chế thí điểm để triển khai Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Xây dựng và ban hành Danh mục "phân loại xanh", xác định các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và "đơn vị xác nhận xanh".

Đồng bộ các cơ chế, chính sách về tài khóa (thuế, phí, vốn ưu đãi), tín dụng ưu đãi, phát triển thị trường tài chính xanh (tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh). 

Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn, bao gồm thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng, tài chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thông tin - dữ liệu. 

Ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi tiêu dùng và sinh hoạt, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng), khuyến khích và hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng, sở hữu trí tuệ).

"Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ, vốn, thuế đất... từ đó thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam", TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận. 

Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới" đã khép lại, nhưng những ý tưởng, giải pháp và cam kết được đưa ra tại đây sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển xanh và bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top