Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh và bền vững tại Việt Nam là tất yếu
Phát biểu tại "Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích to lớn và lâu dài. Theo bà Ngọc có hai yếu tố quan trọng trong phát triển xanh là nguồn lực tài chính và nguồn lực con người. Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Cùng với Chiến lược tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh, Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế để tạo điều kiện khuyến khích phát triển tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) khẳng định hệ thống năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng nhanh của nền kinh tế. Trong giai đoạn tới, trong bối cảnh quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa và xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng, tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Theo chuyên gia, điều này tạo một áp lực lớn lên phát triển hạ tầng năng lượng và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Việc đảm bảo an ninh năng lượng cũng đối mặt nhiều thách thức khi các nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống suy giảm và tăng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Ngoài ra, những thách thức về bảo vệ môi trường sinh thái và cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, đặc biệt là cam kết của Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cũng tạo ra áp lực lớn trong điều kiện nhiều công nghệ còn ở mức độ thử nghiệm, chưa được thương mại hóa.
Cùng với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, cơ cấu các nguồn năng lượng sơ cấp phản ánh đúng quá trình chuyển dịch mạnh mẽ từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới và tái tạo. Cơ cấu năng lượng sơ cấp phát huy tối đa thế mạnh, tài nguyên sẵn có của nước ta, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, bám sát tiến bộ công nghệ và xu thế giảm giá thành của các loại hình năng lượng tái tạo.
Trong khi, mục tiêu của Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/07/2023) đặt ra yêu cầu về tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp chiếm 15 - 20% năm 2030 và khoảng 80 - 85% năm 2050; tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 8-10% vào năm 2030 và khoảng 15 - 20% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường...
“Chính vì vậy, với việc đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu và các cam kết quốc tế, quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam là một tiến trình tất yếu.
Việc xác định con đường phát triển năng lượng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo cung ứng đầy đủ năng lượng cho nền kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng, duy trì giá năng lượng có khả năng chi trả. Các lộ trình công nghệ cần phải hợp lý về thời điểm áp dụng, đảm bảo tính khả thi kinh tế, kỹ thuật trong điều kiện quốc gia. Chuyển dịch năng lượng cũng cần phải thực hiện công bằng đối với các nhóm trong xã hội”, chuyên gia chia sẻ.
Bàn về một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh hiện nay, TS. Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, cùng với đó là việc tham gia các chương trình của chính phủ, của tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi cũng như sự tự nguyện đổi mới, sáng kiến bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Cần đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt vai trò thúc đẩy kinh tế xanh
ThS. Trần Minh Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, mức độ rủi ro và bất định còn rất cao khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và có khả năng phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia và không đồng đều giữa các ngành kinh tế. Hoạt động thương mại và đầu tư sẽ còn phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi trở lại trạng thái trước dịch. Thâm hụt ngân sách và nợ công nhiều quốc gia đang ở mức rất cao, có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu trong tương lai.
Trong khi đó, các cân đối lớn của Việt Nam về cơ bản vẫn ổn định, lạm phát thấp và vẫn còn dư địa về ngân sách để xây dựng và ban hành chính sách. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn cần phải có những chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi tăng trưởng trong năm 2021 và những năm tiếp theo (Ngân hàng Thế giới, 2020).
Chuyên gia cho rằng việc thiết kế gói chính sách trong giai đoạn phục hồi cần đáp ứng các tiêu chí dài hạn hơn về hiệu quả kinh tế, công bằng và môi trường. Kinh nghiệm quốc tế về thiết kế các chính sách tăng trưởng xanh, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19 cho thấy các gói hỗ trợ cần phải đáp ứng đa mục tiêu về tăng trưởng, lao động, môi trường để bảo đảm tính khả thi về chính trị, xã hội. Với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, trên thực tế, tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ là mục tiêu hàng đầu trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc ban hành một gói hỗ trợ lớn để thực hiện toàn diện các mục tiêu về tăng trưởng xanh như EU đã làm là khó khả thi, nhất là trong điều kiện về ngân sách hạn hẹp, các giới hạn về trần nợ công của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam nên có cách tiếp cận khả thi hơn để giải quyết các thách thức trên.
“Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp còn gặp khó khăn cũng cần được thiết kế theo hướng hỗ trợ có điều kiện, phải bảo đảm không ảnh hưởng tiêu cực hoặc các tiêu chí khác về môi trường. Đây là cách tiếp cận khả thi khi các chính sách giai đoạn này không cần thiết phải đáp ứng tiêu chí “nhanh và kịp thời” như các chính sách của giai đoạn “giải cứu” trước đây”, ThS. Trần Minh Huế nhấn mạnh.
Theo ThS. Trần Minh Huế, cần tập trung vào những khía cạnh sau để đưa ra các gói tăng trưởng xanh và chính sách phục hồi nền kinh tế giai đoạn hậu COVID-19 tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, đối với đầu tư công, cần tập trung xây dựng và áp dụng các công cụ trong khung khổ ngân sách xanh của OECD như thẻ ngân sách xanh, đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, kiểm toán xanh hay báo cáo ngân sách xanh… Những công cụ này sẽ giúp hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường của các dự án đầu tư, đồng thời giúp phân loại, ưu tiên các dự án đầu tư có tính bền vững, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, Việt Nam cần tập trung nguồn vốn đầu tư công vào một số lĩnh vực vừa giúp tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, giải quyết các nhu cầu cấp thiết cho tăng trưởng, vừa thân thiện với môi trường như hạ tầng số, chuyển đổi số, hạ tầng năng lượng xanh, giáo dục và y tế. Đây cũng là những ngành, nghề tương đối hấp dẫn, có khả năng thu hút được nguồn vốn từ khu vực tư nhân do đã có sự tăng trưởng cao trong đại dịch COVID-19.
Thứ hai, các gói chính sách được đề xuất và thực hiện không chỉ có mục tiêu đơn thuần là giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường mà còn kết hợp đa mục tiêu như công bằng và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội (gói tăng trưởng xanh của Mỹ), việc làm và tạo động lực tăng trưởng mới thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi số (Hàn Quốc, EU). Điều này giúp các gói tăng trưởng xanh và hỗ trợ kinh tế trở nên khả thi hơn về mặt chính trị và nhận được sự ủng hộ cao hơn của người dân.
Thứ ba, hầu hết các gói hỗ trợ đều đòi hỏi nguồn lực về tài chính rất lớn, có thể tạo ra áp lực lớn cho ngân sách quốc gia. Do đó, việc huy động nguồn lực từ thị trường tài chính là cần thiết. Như đã trình bày ở trên, EU cam kết sẽ tận dụng lợi thế về mức tín nhiệm cao của khối để vay vốn giá rẻ từ thị trường tài chính thông qua việc phát hành trái phiếu xanh. Đây là cách thức rất khả thi, vừa giúp huy động nguồn lực của xã hội, vừa giúp thúc đẩy thị trường tài chính xanh được hình thành và phát triển.