Đó là chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM khi nói về vai trò của việc hoàn thiện thể chế trong phát triển kinh tế. Theo chuyên gia này, Việt Nam đang hội tụ đầy đủ yếu tố "thiên thời" và "nhân hoà", chỉ thiếu duy nhất một tác nhân quan trọng khác là "địa lợi", mà địa lợi ở đây chính là thể chế. Vì vậy, việc đẩy mạnh cải cách thể chế, từ đó làm bàn đạp giúp kinh tế Việt Nam "cất cánh" trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là nhiệm vụ rất quan trọng.
Việt Nam chỉ thiếu mảnh ghép cuối cùng là thể chế
PV: Thưa chuyên gia, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế sau gần 40 năm đổi mới. Thế nhưng, các chỉ số của chúng ta vẫn còn cách xa so với thế giới. Ông nghĩ sao về thực tế này? Điều gì đang cản trở Việt Nam trong nhiều năm qua?
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Sau gần 40 năm đổi mới, mặc dù Việt Nam đã từ quốc gia nghèo nhất thế giới vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, quy mô kinh tế thuộc top 40 của thế giới, và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhìn lại các mô hình phát triển thần kỳ của Đông Á, chúng ta thực sự vẫn còn cách quá xa so với các nước.
Trong khi Trung Quốc mất 40 năm để hóa rồng, Hàn Quốc cũng khoảng 40 năm, Singapore mất khoảng 30 năm và Nhật Bản mất chỉ hai thập kỷ… thì Việt Nam cũng từng ấy thời gian nhưng chỉ mới là nền kinh tế mới nổi.
Cuốn sách "Why Nations fail?" đã lý giải rất cụ thể, một quốc gia nghèo không phải vì vị trí địa lý, thiếu tài nguyên thiên nhiên, hay nguồn nhân lực kém cỏi, mà lý do cốt yếu là thể chế chưa tốt.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có bài phát biểu nhận diện thể chế là một trong những rào cản lớn nhất khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam hội đủ "thiên thời" khi các căng thẳng địa chính trị toàn cầu và chính sách Trung Quốc + 1... đều đang diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam; "nhân hòa" khi nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao và chịu lao động, sáng tạo, học hỏi.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thiếu một tác nhân quan trọng khác là "địa lợi", mà địa lợi ở đây chính là thể chế. Thể chế tốt giống như đất lành thì chim mới đậu, chúng ta mới dung hòa được "thiên thời" - tức là vận nước đang lên cùng với "nhân hòa" - nhân tài cả trong và ngoài nước để cùng nhau giúp sức phát triển đất nước trước vận hội mới. Và để "nhân" toàn tâm toàn ý phát triển thì thể chế cần phải tốt, cần phải giúp cho nhân tài có đất dụng võ. Chính vì thế, đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa, từ đó làm bàn đạp giúp kinh tế Việt Nam "cất cánh" trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực sự là nhiệm vụ quan trọng của cả dân tộc trong giai đoạn tới.
PV: Cụ thể như nào, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: "Nút thắt" thể chế đang là một rào cản lớn đối với việc phát triển nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua. Khi thể chế chưa được tháo gỡ thì kinh tế Việt Nam chưa giải phóng được nguồn năng lượng vốn rất dồi dào.
Thể chế ở đây không chỉ là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các bộ luật mà còn cần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, cởi mở với việc xử lý các thủ tục pháp lý nhanh gọn, hiệu quả; khuyết khích đầu tư tư nhân; khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn tham gia đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước…
Thể chế ở đây còn là tạo ra môi trường "dám làm", "dám chịu" trách nhiệm cho các cơ quan lãnh đạo, ban ngành, thay vì sợ sai, sợ trách nhiệm, mang tính nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, cũng cần phải tập trung tháo gỡ vướng mắt về hạ tầng, mà cụ thể là đầu tàu kinh tế TP.HCM. Chúng ta có những cảng biển vào loại lớn nhất, tốt nhất thế giới như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; chúng ta có sân bay quốc tế lớn nhất khu vực là sân bay Long Thành; chúng ta có trung tâm tài chính quốc tế ở Thủ Thiêm và Quận 1… nhưng việc kết nối 3 khu vực này với nhau thì lại là những tuyến đường kẹt xe kéo dài, và chi phí vận chuyển cao hơn 40% so với khu vực.
Chính vì thế, cần phải đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông để kết nối 3 cứ điểm quan trọng để phát triển kinh tế khu vực phía Nam trong thời gian tới càng sớm càng tốt, kèm theo đó là đẩy mạnh xây dựng các tuyến metro để giảm tải giao thông cho các khu vực này. Đây là mảnh ghép còn thiếu nhưng rất quan trọng để chúng ta có thể đủ điều kiện để bức phá trong thời gian tới.
Ngoài ra, cần phải xây dựng một cứ điểm mới, một "thung lũng silicon" mới cho TP.HCM, bởi đa số các khu công nghiệp ở thành phố đều đã quá tải, nên rất khó để có thể xây dựng một cứ điểm đủ lớn nhằm thu hút các "đại bàng" công nghệ. Do đó, cần xây dựng một thành phố công nghệ mà theo tôi, Bình Chánh sẽ là nơi thích hợp khi quỹ đất còn nhiều và sự kết nối với cảng Cần Giờ cũng rất thuận tiện.
Động lực tăng trưởng kinh tế 2025 gọi tên xuất khẩu
PV: Từ Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII đến nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần đề cập, phân tích sâu sắc về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ông dự báo gì cho năm 2025 - năm đánh dấu khởi đầu của kỷ nguyên vươn mình?
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Như đã chia sẻ, chúng ta hiện nay đang đạt được yếu tố "thiên thời" khi các diễn biến về địa chính trị toàn cầu có lợi cho Việt Nam, tình hình chính trị trong nước cũng đang ổn định hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến đầy thu hút cho các nhà đầu tư và du khách nước ngoài. Kèm theo đó, chúng ta đang bước qua vận 9 về phong thủy (trung vận kéo dài 20 năm), và đây là vận hỏa, đại diện cho sự sáng tạo, công nghệ. Chính vì vậy, ngành công nghệ đang ứng với vận này với hàng loạt các công nghệ đột phá đang thay đổi thế giới từng ngày, đặc biệt là công nghệ AI, và Việt Nam đang nắm giữ những chìa khóa để có thể vươn mình nhờ vào sự phát triển công nghệ AI và bán dẫn. Bởi Việt Nam có đội ngũ nhân sự công nghệ thuộc vào loại tốt của thế giới, và là nơi có trữ lượng đất hiếm phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn lớn thứ 2 thế giới.
Về "nhân hòa", chúng ta đang đạt được độ trưởng thành nhất định về nguồn nhân lực và hệ thống đào tạo để có thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, đặc biệt là nguồn nhân lực về công nghệ.
Yếu tố cuối cùng chính là "địa lợi". Khi chúng ta đẩy mạnh cải cách thể chế sẽ là mảnh ghép cuối cùng giúp cho Việt Nam dễ dàng "cất cánh". Hàng loạt đại bàng sẽ về làm tổ, giúp Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất công nghệ toàn cầu trong tương lai. Bên cạnh đó, trung tâm tài chính quốc tế cũng sẽ là một đòn bẩy cực lớn để giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn về lĩnh vực tài chính, từ đó giúp cho chúng ta phát triển toàn diện cả về kinh tế lẫn tài chính để trở thành một cường quốc trong tương lai.
PV: Năm 2025, Việt Nam mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% để tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Chuyên gia nghĩ sao về khả năng hoàn thành mục tiêu này?
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Kinh tế Việt Nam đã có một bước phục hồi ngoạn mục trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7%, cao nhất trong khu vực và vượt mọi dự báo của các tổ chức kinh tế uy tín trên thế giới. Các chỉ số công nghiệp PMI, IIP cũng có sự phục hồi tốt báo hiệu hoạt động sản xuất của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh
Dựa trên cơ sở này, Việt Nam đã mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025. Điều này cho thấy Việt Nam đang quyết tâm rất cao trong việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Dù vậy, vẫn phải khẳng định mức tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 là điều không đơn giản. Đây là một thách thức lớn đối với toàn bộ hệ thống chính trị và nền kinh tế.
Hiện nay, trước chính sách tiền tệ thận trọng của FED, chúng ta sẽ không có nhiều dư địa để thực thi chính sách tiền tệ mở rộng, bởi nếu bơm tiền nhiều sẽ gây áp lực ngay lên tỷ giá. Tình trạng tỷ giá căng thẳng ngay từ đầu năm là một minh chứng cho điều đó.
Tuy nhiên, không có khó khăn nào là chúng ta chưa vượt qua, và theo tôi, nếu như chúng ta tập trung điều hành tốt chính sách tài khóa mở rộng trong năm nay, kèm với đó là thúc đẩy xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa, cải thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi… chúng ta có thể đạt được mục tiêu trên.
PV: Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng trong năm nay?
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Động lực chính trong năm nay vẫn là xuất khẩu, và hy vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc bởi các chính sách từ chính quyền Trump.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ thời Trump 1.0 đã định hình dòng chảy thương mại toàn cầu. Chiến lược Trung Quốc +1 của Mỹ đã buộc các tập đoàn đa quốc gia phải phân tán sản xuất sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc để né thuế. Trong khi đó, Việt Nam, nhờ vào vị trí địa lý và chi phí lao động cạnh tranh, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh từ năm 2018, mở ra cơ hội thúc đẩy công nghiệp và thương mại.
Tuy nhiên, việc tái đắc cử của ông Trump đã xoay chuyển cục diện. Thị trường kỳ vọng vào chính sách tập trung phát triển nội địa của ông Trump, từ đó làm tăng giá trị đồng USD và hút dòng tiền quay trở lại Mỹ. Điều này có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động lớn, đặc biệt khi Mỹ tiếp tục áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại hoặc đưa Việt Nam diện thao túng tiền tệ hoặc vào thế tương đồng với các quốc gia hiện nay như Mexico, Canada thì sẽ rất rủi ro.
Vì vậy, để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, Việt Nam cần đẩy mạnh đối thoại với Mỹ để duy trì lợi thế xuất khẩu, đồng thời đa dạng hóa thị trường nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào một quốc gia.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chính hiện nay của Việt Nam. Chính vì vậy, việc giữ quan hệ tốt với nước này thông qua những kết nối và đối thoại để làm sao không rơi vào tình trạng như Mexico hay Trung Quốc là một vấn đề "sống còn" vì xuất khẩu đang là động lực chính.
Nếu chúng ta tiếp tục có những đối thoại tốt với Mỹ và tạo thiện cảm với chính quyền của Trump thì xuất khẩu sẽ là mũi nhọn và là cơ hội của Việt Nam trong năm 2025. Theo tôi, đó sẽ là động lực chính để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% và thậm chí là hai con số.
- Trân trọng cảm ơn chia sẻ chuyên gia!