Đó là câu hỏi mà Lương Duy Hoài - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Giao hàng nhanh (GHN) đã đặt ra trong sự kiện Forbes Talk với chủ đề “Phát triển ngành bán lẻ Việt Nam”.
Hoài cho biết, cách đây 3 năm, khi Uber và Grab xuất hiện tại Việt Nam, anh và các nhân sự ở GHN đã thử nghiệm dịch vụ và ngay lập tức thấy rằng nó là mô hình cực kỳ quan trọng, giúp bổ sung và giải quyết những vấn đề của logistics.
"Số xe của Uber và Grab nhanh chóng vượt xa số xe của các hãng taxi truyền thống. Và trong 3 năm tiếp theo, Uber và Grab sẽ đe dọa taxi truyền thống", Hoài và các cộng sự nhận định.
Với vai trò là CEO của một doanh nghiệp logistics, Hoài cũng nhìn thấy sự đe dọa trực tiếp của Uber và Grab đến thị trường giao nhận hàng hóa - lĩnh vực GHN đang hoạt động.
Chính vì vậy, từ năm 2015, GHN xác định "thay đổi hay là chết" và phải đầu tư vào công nghệ một cách nghiêm túc. "Hoài và một số bạn ở GHN sang Singapore, ăn nằm ở đó 1 tuần để đi theo xe một số anh chở hàng. Một ngày mất 50 USD chỉ để xem anh ấy chạy như thế nào, tiến trình ra sao và có hài lòng với nền tảng đó không", chàng doanh nhân trẻ nhớ lại.
Sau đó Hoài trở về và bắt đầu xây dựng AhaMove tại Việt Nam. Anh cho biết, sau hơn 2 năm phát triển hiện AhaMove có khoảng 7.000 xe máy trong mạng lưới tại TP.HCM và Hà Nội.
Theo Hoài, một điều rất quan trọng là mô hình của AhaMove đã giúp cho GHN giải quyết một bài toán phức tạp trong việc vận hành và giao nhận TMĐT. Đó là bài toán quy mô phát triển từng ngày
"Trong cuộc chơi giao hàng thương mại điện tử có những ngày đơn hàng tăng gấp đôi, gấp 3 so với những ngày khác. Là một doanh nghiệp logistics, GHN không thể tuyển dụng dư ra gấp 2, gấp 3 lần và cũng không thể chờ đến sát ngày cần mới tuyển. Hai phương án đó đều không khả thi. Nhưng với hơn 7.000 người lao động theo nhu cầu ở TP.HCM và Hà Nội đã giúp cho GHN giải quyết trọn vẹn bài toán đó", CEO 8X chia sẻ.
Hoài cho hay, trong năm 2015 và 2016 quy mô đơn hàng của GHN tăng trưởng 300% nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng 1,4 lần. Đó là nhờ sự kết hợp giữa hai mô hình truyền thống và hiện đại như platform (nền tảng) của Ahamove.
"Những công ty như Uber, Grab hay AhaMove có thể chết đi nhưng mô hình tối ưu mà nó tạo ra chắc chắn sẽ sống ở đó. Nó sẽ thay đổi cục diện của bất kỳ ngành công nghiệp nào trong tương lai", Hoài nhận định.
AhaMove cũng chính là câu trả lời của Hoài cho câu trả lời mà anh đặt ra ở trên. "Theo đuổi cái mới để tạo ra mô hình tốt hơn cho tương lai".
Hoài cho biết, AhaMove sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tới. Trong khoảng 3 năm nữa, AhaMove dự kiến tuyển dụng khoảng 30.000-50.000 lao động tự do tại khắp các tỉnh thành.
Tuy nhiên, điều khiến anh trăn trở hiện nay là "Làm thế nào để kiểm soát chất lượng khi số người lao động tự do lớn như vậy?"
"Đây là câu hỏi mà GHN và AhaMove mỗi ngày đang tìm kiếm câu trả lời tốt hơn. Ở thời điểm hiện tại chúng tôi dùng chính cách Uber và Grab đang làm để kiểm soát dịch vụ. Toàn bộ mọi giao dịch sẽ được người giao hàng và người nhận hàng 'rating' ngay lập tức. Dựa trên 'rating' trung bình của một 'driver' sẽ quyết định họ có đạt tiêu chuẩn để tiếp tục làm việc hay không", Hoài chia sẻ.