Aa

Sếp Uber từ chức và chuyện cổ đông công khai "trừng phạt" một CEO

Thứ Năm, 22/06/2017 - 07:16

Một nhóm 5 nhà đầu tư lớn cùng sở hữu 1/4 cổ phần của Uber và 40% quyền bỏ phiếu đã đưa ra yêu cầu Travis Kalanick phải từ chức CEO ngay lập tức.

Dịch vụ gọi xe Uber vừa tuyên bố sa thải 20 lãnh đạo cấp cao. Nhà sáng lập kiêm CEO Travis Kalanick (40 tuổi) đã từ chức dưới áp lực từ một nhóm 5 cổ đông lớn của công ty, New York Times dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.

CEO Uber - Travis Kalanick

CEO Uber - Travis Kalanick

Áp lực từ cổ đông lớn

Theo New York Times, ngày 20/6, một nhóm 5 nhà đầu tư lớn đã yêu cầu CEO Uber từ chức ngay lập tức. Nhóm cổ đông này bao gồm các quỹ Benchmark, First Round Capital, Lowercase Capital, Menlo Ventures và Fidelity Investments, hiện cùng nhau sở hữu 1/4 cổ phần của Uber và 40% quyền bỏ phiếu. Các nhà đầu tư này đã yêu cầu Kalanick từ chức trong một lá thư khi ông đang ở Chicago.

Tờ New York Times đã có một bản sao của lá thư này, mang tựa đề “Đưa Uber tiến lên phía trước” (Moving Uber Forward). Nội dung thư yêu cầu Kalanick phải lập tức rời khỏi Uber và đã đến lúc công ty phải có sự thay đổi về lãnh đạo.

Sau khi tham vấn ý kiến của ít nhất một thành viên HĐQT và nhiều giờ trao đổi với các cổ đông, Kalanick đã đồng ý từ bỏ vị trí CEO tại chính công ty mà ông đã sáng lập nên vào năm 2009. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ tiếp tục ở lại trong HĐQT của Uber, hiện đã có trị giá 69 tỷ USD.

Trong bức thư có tiêu đề "Moving Uber Forward" (tạm dịch: "Đưa Uber tiến về phía trước") mà New York Times thu thập được, các nhà đầu tư đã yêu cầu Kalanick phải ngay lập tức rời đi và công ty cần một sự thay đổi trong lãnh đạo. CEO Kalanick sau nhiều cuộc thảo luận kéo dài với một số nhà đầu đã đồng ý từ chức, theo New York Times.

"Tôi yêu Uber hơn bất cứ điều gì trên thế giới và trong thời điểm khó khăn này của cuộc đời tôi, tôi đã chấp nhận yêu cầu từ phía cổ đông và bước sang một bên để Uber có thể trở lại với việc củng cố bộ máy thay vì bị phân tán bởi một cuộc đấu đá khác", Kalanick tuyên bố.

Ủy ban của Uber cho biết ông Kalanick "luôn đặt Uber lên hàng đầu" và rằng việc ông rời khỏi ghế giám đốc điều hành sẽ cho phép công ty "có cơ hội nắm lấy chương mới trong lịch sử của Uber". 

Động thái này của Kalanick được công bố sau nhiều tháng tranh cãi về bộ máy lãnh đạo của Uber, hiện đã trở thành bài học điển hình về khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon.

Nhiều năm nay, Uber đã bị tố cáo là có văn hóa nội bộ làm ngơ trước các vụ quấy rối tình dục và phân biệt đối xử, cùng lúc với việc có nhiều hành vi đáng ngờ về mặt pháp lý cũng như khi làm việc với các đối tác.

Uber cũng đang vướng vào cuộc vụ kiện với công ty con Waymo của Google về việc một cựu nhân sự của Waymo mang nhiều bí mật về công nghệ xe tự lái sang Uber. Nhiều người cho rằng những sự cố này bắt nguồn từ chính Kalanick.

Trong những tháng gần đây, Uber đã sa thải hơn 20 nhân viên sau cuộc điều tra về văn hoá nội bộ, bắt tay vào những thay đổi quan trọng để chuyên nghiệp hóa môi trường làm việc và đang tìm kiếm nhân sự lãnh đạo mới, bao gồm cho cả vị trí CEO.

Tuần trước, Kalanick tuyên bố sẽ tạm vắng vô thời hạn tại Uber, một phần để cải thiện năng lực bản thân và một phần để dành thời gian tưởng nhớ mẹ ông, người vừa qua đời hồi tháng trước trong một tai nạn.

Tuy nhiên, theo New York Times, lá thư từ các cổ đông cho thấy rằng việc Kalanick tạm vắng mặt không đủ để cho họ hài lòng và đã tới lúc ông phải ra đi.

Trước đó, một loạt lãnh đạo chủ chốt của Uber cũng đã ra đi, bao gồm cả giám đốc kinh doanh Emil Michael (cánh tay phải của ông Kalanick) và chủ tịch Jeff Jones.

Nói cách khác, một startup trị giá 68 tỷ USD với hơn 14.000 nhân viên và 1 triệu tài xế đang được điều hành bởi những người đứng đầu bộ phận pháp lý, nhân sự, truyền thông, sản phẩm, hỗ trợ, thay vì giám đốc tài chính, giám đốc kinh doanh, giám đốc marketing hay giám đốc điều hành.

Sự thoái vị của Kalanick đặt ra nhiều câu hỏi về việc ai sẽ thay thế ông, nhất là khi quá trình phát triển của Uber đã mang rất nhiều dấu ấn cá nhân của Kalanick, và bản thân Kalanick vẫn còn giữ rất nhiều quyền bỏ phiếu tại Uber.

Cổ đông 'trừng phạt' CEO: hiếm thấy ở Thung lũng Silicon

Việc các nhà đầu tư công khai trừng phạt một CEO như vậy là điều tương đối hiếm thấy ở Thung lũng Silicon, nơi các CEO thường nhận được lời khen nếu họ thể hiện được thái độ xông xáo và đưa công ty phát triển nhanh.

Chỉ khi nào các startup lâm vào tình trạng khó khăn hay bắt đầu đà đi xuống thì các cổ đông mới can thiệp để bảo vệ khoản đầu tư của mình. Trong trường hợp của Uber, các nhà đầu tư có thể bị mất hàng tỷ USD nếu mức định giá của công ty bị tuột dốc.

Uber, vốn đã huy động hơn 14 tỷ USD từ các nhà đầu tư kể từ khi thành lập vào năm 2009, có một lượng cổ đông lớn ngoài những người ký tên vào bức thư. Các nhà đầu tư của Uber cũng bao gồm TPG Capital, Quỹ đầu tư của chính phủ Arab Saudi, các quỹ tương hỗ khổng lồ tương hỗ như BlackRock và các khách hàng giàu có của các công ty như Morgan Stanley và Goldman Sachs.

Trong bức thư, ngoài việc yêu cầu Kaanick từ chức ngay lập tức,  nhóm 5 cổ đông còn kêu gọi phải tăng cường khả năng giám sát trong HĐQT của Uber với 3 ghế đang trống, thông qua việc bổ nhiệm 2 thành viên “thật sự độc lập”. Họ cũng yêu cầu Kalanick phải hỗ trợ trong việc tìm CEO mới và Uber phải lập tức có ngay một Giám đốc tài chính (CFO) mới nhiều kinh nghiệm, sau khi CFO Gautam Gupta nghỉ việc vào tháng 3 vừa qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top