Aa

Hồi kết nào cho trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam?

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 18/03/2023 - 13:15

Sau nhiều năm bị lãng quên, hoang tàn, thậm chí trở thành thành nơi cho thuê mặt bằng và nhà hàng ăn uống, trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam sẽ có phương án giải quyết trước ngày 23/3.

Tối 17/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3/2023.

Liên quan đến những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), nhiều năm trước Reatimes đã có hàng loạt bài phản ánh, ghi nhận ý kiến về tình trạng của Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam và những câu chuyện lùm xùm về việc cổ phần hóa hãng phim.

VFS là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Năm 1959, bộ phim "Chung một dòng sông" ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển. Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười...

Tuy nhiên sau hơn 20 năm phát triển, nhiều dự án phim của hãng liên tục thua lỗ. Năm 2014, phim chiến tranh “Sống chung cùng lịch sử” có kinh phí lên đến 21 tỷ đồng nhưng chỉ bán được vài vé.

Hãng phim Vn
Trụ sở của Hãng phim Truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội.

          Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Vào tháng 4/2016, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sau hơn 60 năm hoạt động, trong đó có tới hơn 20 năm hoạt động thua lỗ. Tuy nhiên, kết quả IPO sau đó được HNX công bố cho thấy VFS chỉ bán được 115.000 cổ phần, với giá bình quân 10.200 đồng một cổ phiếu để thu về gần 1,2 tỷ đồng. Dù theo kế hoạch, số cổ phần được chào bán là 525.000 (10,5% vốn điều lệ), tương đương số tiền thu về tối thiểu là 5,25 tỷ. Cũng căn cứ trên cơ cấu vốn, hãng phim được định giá khoảng 52 tỷ đồng.

Quá trình cổ phần hóa của VFS không chỉ dừng lại ở việc cổ phiếu ế ẩm mà còn khiến các nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu bức xúc là bởi, dù đã có tới gần 60 năm tuổi đời và là một trong những tên tuổi quen thuộc với rất nhiều người dân Việt Nam, đã sản xuất ra những bộ phim trở thành niềm tự hào của điện ảnh Việt nhưng thương hiệu của VFS chỉ được định giá bằng 0.

Chưa kể, theo kế hoạch cổ phần hóa VFS được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận, ngoài việc IPO 10,5% vốn, Nhà nước nắm giữ 20% và 4,5% bán cho cán bộ, nhân viên, có tới 65% vốn còn lại của VFS sẽ được bán cho một tên tuổi hoàn toàn lạ lẫm trong giới nghệ thuật và có phần “trái tay” là Công ty Vận tải thuỷ VIVASO.

Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khá “mập mờ” cũng khiến cộng đồng nghệ sỹ đặt nhiều nghi vấn. Theo tờ Tiền Phong, Việc đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chỉ được thực hiện ở một tờ báo địa phương, có lượng phát hành nhỏ; việc lựa chọn chỉ chốt lại sau 10 ngày cũng hạn chế việc tìm ứng viên. Điều đó dẫn tới “bi hài”: Biểu tượng của ngành điện ảnh nằm trong tay một đơn vị chuyên về lái tàu, kinh doanh cảng sông (là Tổng Công ty Vận tải Đường thủy VIVASO).

Bức xúc trước vấn đề này, nhiều nghệ sỹ đã cùng viết đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan Đảng, Chính phủ…

Trao đổi với Reatimes, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Giám đốc VFS và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, việc Chi hội Điện ảnh VFS gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu cứu không phải là lần đầu tiên. Tuy nhiên, mặc dù sự việc đã diễn ra khá lâu nhưng vẫn không được giải quyết.

Bà Ngát cho hay: "Trước khi cổ phần, Tổng công ty Vận tải thủy “vẽ” ra rất nhiều điều tốt lành và hứa tôn trọng anh, em nghệ sỹ nhưng thực tế những gì họ làm sau đó cho thấy họ không muốn làm phim. Hội sẽ triệu tập Hội nghị Ban chấp hành để bảo vệ quyền lợi của hội viên, đồng thời yêu cầu Tổng công ty Vận tải thủy thực hiện các cam kết đã ký”, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết. 

VPS
Hãng phim truyện Việt Nam được cho thuê mặt bằng và nhà hàng ăn uống

Đến tháng 12/2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Câu chuyện cổ phần hóa gây tranh cãi của Hãng phim truyện Việt Nam đã kéo dài nhiều năm liền. Liên quan tới trách nhiệm, sai phạm của các đơn vị, cá nhân có liên quan được nêu tại Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018, Kết luận thanh tra số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 và Kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018 về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Ngày 13/9/2021, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đã có công văn báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Ngày 23/8/2022, Bộ gửi công văn tới Thanh tra Chính phủ, trong đó đề xuất Thanh tra Chính phủ chủ trì xem xét, rà soát, kiểm tra việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược (Tổng Công ty Vận tải Đường thủy VIVASO) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kết luận thanh tra. 

Nhưng đến nay, việc thực hiện kết luận thanh tra này vẫn chưa hoàn tất, nếu không muốn nói là hầu như chưa có kết quả gì, dẫn đến những bức xúc kéo dài trong dư luận, nhất là với các nghệ sĩ điện ảnh.

Dự luận kỳ vọng, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai việc thực hiện các nội dung tại Kết luận thanh tra cũng như những chỉ đạo cụ thể mới nhất của Chính phủ, để từ đó giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng tại số 4 Thuỵ Khuê./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top