Aa

Vũ điệu trên than hồng của người Pà Thẻn

Thứ Hai, 06/02/2023 - 06:03

Lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn (Lâm Bình, Tuyên Quang) là minh chứng cho sức mạnh và quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới.

Tối ngày rằm tháng Giêng hàng năm tại thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang, thường diễn ra lễ hội nhảy lửa, đây là phong tục tập quán truyền thống rất độc đáo và mang đậm nét huyền bí, hoang sơ của người dân tộc Pà Thẻn.

Những người đàn ông lực lưỡng với đôi chân trần lao vào đống than chảy đỏ không chút sợ hãi. Hoa than được những đôi tay trần bốc tung lên giữa nền trời đêm rực rỡ và kỳ bí.

Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn được bắt đầu bằng việc thầy mo làm lễ cầu khấn thần linh. Lễ vật cúng tế gồm một bát hương, một chiếc đàn gõ, một con lợn, một con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa ngồi đối diện với thầy mo để làm phép "nhập đồng" và lễ nhảy lửa chỉ dành cho nam giới. Thời gian làm lễ kéo dài khoảng 2 giờ trước khi nhảy vào đống lửa.

Tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh và quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người, là dịp để tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho mùa màng tốt tươi và cầu bình an cho năm mới. Đây cũng là hoạt động mang tính kết nối cộng đồng cao của người dân tộc Pà Thẻn.

Trong màn đêm, tất cả nín lặng trong không gian tĩnh mịch, linh thiêng, trước giờ lễ, thời gian như ngưng đọng lại để chờ đợi một nghi lễ đặc sắc sắp được diễn xướng. Một đống lửa lớn được chuẩn bị sẵn, chỉ ít phút xong nghi lễ, vũ điệu than hồng của người Pà Thẻn sẽ bùng cháy, xua tan đi cái giá lạnh của miền rừng, cầu mong những điều tốt đẹp nhất của năm mới đến… Từ lâu lễ nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nghi lễ đặc biệt được nhiều người gần xa háo hức thưởng thức.

Thầy cúng trong lễ nhảy lửa cho biết: Trong nhiều người đăng ký tham gia, chỉ có khoảng 3 - 5 người được thần linh chọn. Những người có ông nội hoặc cha từng nhảy lửa sẽ dễ được nhập hơn. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, thần linh, tổ tiên đã ban cho họ sức mạnh siêu nhiên và lòng dũng cảm để đương đầu với lửa nóng. Vì vậy, sau khi bốc than lửa bằng tay không, họ cũng không hề bị bỏng.

Bài cúng trong lễ nhảy lửa thường có nội dung cầu xin may mắn, mùa màng tốt tươi cho cả cộng đồng dân tộc. 

Bài cúng trong lễ nhảy lửa thường có nội dung cầu xin may mắn, mùa màng tốt tươi cho cả cộng đồng dân tộc. Những người tham gia nhảy lửa thường được thần linh lựa chọn và có tính truyền nối từ cha sang con. Màn nhảy lửa bắt đầu khi tất cả cộng đồng người Pà Thẻn vây quanh đống lửa đã cháy đượm, than đã đỏ rực. Thầy cúng lúc này đọc bài cúng với tiết tấu dồn dập hơn, trên chiếc ghế ngang gần đó những người đàn ông trong trang phục truyền thống của người Pà Thẻn được lựa chọn đang lắc lư người theo nhịp điệu tiếng trống và bài cúng.

Cơ thể họ dần thoát khỏi thực tại và chìm vào một cõi riêng kỳ bí càng lúc càng run rẩy và lắc lư mạnh. Rồi khi những tiếng nói thì thầm từ đâu vọng về họ cùng nhau đứng lên, chân nhảy theo nhịp cùng tiến về đống than đỏ rừng rực. Những người đàn ông lực lưỡng với đôi chân trần lao vào đống than chảy đỏ không chút sợ hãi. Hoa than được những đôi tay trần bốc tung lên giữa nền trời đêm rực rỡ và kỳ bí. Giữa những tiếng hò reo của người xem, các tràng trai cứ thế biểu diễn một nghi lễ bí hiểm và không kém phần đẹp mắt.

Cứ thế màn nhảy lửa diễn ra cuốn hút người xem đến nỗi kết thúc lúc nào cũng không hay. Sau khi những chàng trai kết thúc màn nhảy lửa, đống than lửa đã được tung ra khắp nơi, trên mình họ ướt đẫm mồ hôi nhưng không ai tỏ ra đau đớn hay bị bỏng. Những người xem hiếu kỳ đến kiểm tra và xem chân, tay trần vừa dẫm lên than đỏ có bị bỏng không.

Theo tục lệ, trước ngày lễ nhảy lửa 3 ngày, những người được chọn phải ăn kiêng, không đươc gần gũi vợ và tắm rửa sạch sẽ trước khi bước vào lễ. Hồi hộp, háo hức và phấn khích là cảm giác của những người đến xem lễ nhảy lửa. Quây tròn bên đống lửa cháy rực những người dân miền rừng cũng gửi gắm những niềm tin, ước nguyện may mắn của mình vào lễ nhảy lửa thành công. Để khi các tràng trai gan dạ nhảy múa và lăn mình vào đống than đỏ những tiếng hò reo tán thưởng được cất lên vang vọng núi rừng xua đi giá lạnh. Có thể nói với bất kỳ ai được một lần chiêm ngưỡng màn nhảy lửa sẽ có ấn tượng khó có thể quên, hình ảnh than đỏ và những chàng trai dũng cảm trong đêm sẽ gây ấn tượng mãi.

Lễ vật cúng trong đêm hội nhảy lửa.

Những người tham gia nhảy lửa ngồi đối diện với thầy mo để làm phép "nhập đồng".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top