Sau 2 phiên giảm điểm và có những sự cố nhất định trong hệ thống giao dịch trên HoSE, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ổn định trở lại ở phiên 25/12.
Mở cửa phiên giao dịch, sự giằng co rung lắc tiếp tục diễn ra. Tâm lý nhà đầu tư giao dịch có phần cầm chừng thăm dò trước những lo ngại về việc lỗi (lag) giao dịch ở HoSE. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận thấy tình trạng này không còn, lực cầu nhanh chóng dâng cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lên trên mốc tham chiếu. Hai chỉ số chính VN-Index và HNX-Index vì vậy cũng tăng điểm trở lại.
Tâm điểm của thị trường là nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, trong đó, các mã như SSI, SBS, SHS, HCM, CTS, VND, VDS... đều được kéo lên mức giá trần. SSI khớp lệnh được 16 triệu cổ phiếu. HCM và VND khớp lệnh lần lượt 6,2 triệu cổ phiếu và 5,6 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như GVR, BVH, TCB, VCS, TPB, HDB, VPB hay HVN... cũng đua nhau tăng giá mạnh và góp công lớn trong việc đẩy VN-Index và HNX-Index bứt phá mạnh vào cuối phiên. GVR được kéo lên mức giá trần, BVH tăng đến 6%, TCB tăng 5,7%, VCS tăng 5,1%.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup đều giao dịch tích cực, trong đó, VIC có mức tăng khiêm tốn nhất với 0,2% lên 105.900 đồng/cp. Bên cạnh đó, VHM tăng 1,5% lên 87.600 đồng/cp, còn VRE tăng 1,7% lên 30.450 đồng/cp.
Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ cũng tăng rất mạnh. PPI, EIN, BII, CCL, DRH, ASM, LGL, KBC, TDH hay PVL đều được kéo lên mức giá trần. THD tăng trở lại 5,3% lên 99.000 đồng/cp và là nhân tố quan trọng trong việc giúp HNX-Index đảo chiều đi lên. Bên cạnh đó, SIP tăng 13,9% lên 178.000 đồng/cp, FIT tăng 6% lên 14.100 đồng/cp, IDJ tăng 5,6% lên 17.000 đồng/cp
SCR tăng 5,2% lên 8.420 đồng/cp. Mới đây, VCI thông báo đã bán hơn 19 triệu cổ phiếu, tương đương 5,19% vốn của SCR từ 18/12 đến 23/12. Sau giao dịch, VCI không còn là cổ đông của SCR.
Ngoài ra, các cổ phiếu như ITA, AGG, CRE, LDG, HAR... cũng đồng loạt tăng giá mạnh và giao dịch sôi động.
Chiều ngược lại, không có nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá, cái tên đáng chú ý là PDR giảm 2%, DIG giảm 0,9%, CEO giảm 0,8%...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 16,9 điểm (1,58%) lên 1.084,42 điểm. Toàn sàn có 339 mã tăng, 120 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,83 điểm (2,57%) lên 192,46 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 50 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,18%) xuống 72,94 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 832 triệu cổ phiếu, trị giá 15.000 tỷ đồng. ITA là cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 23,4 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, 2 cổ phiếu bất động sản khác là HQC và LDG cũng nằm trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với lần lượt 17 triệu cổ phiếu và 12 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 260 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, KBC và PDR là 2 mã bất động sản bị bán ròng mạnh với lần lượt 36 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM được mua ròng mạnh nhất với 20 tỷ đồng, đây cũng là mã bất động sản duy nhất nằm trong top mua ròng của khối ngoại.
Chốt tuần, VN-Index tăng 16,96 điểm (3,1%) lên 1.084,42 điểm; HNX-Index tăng 15,44 điểm (11,9%) lên 192,46 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tiếp tục gia tăng và lập kỷ lục mới với khoảng 16.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 17,5% lên 70.976 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 17,5% lên 3,7 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 38,3% lên 9.117 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 36,5% lên 726 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường đang tiến gần đến kỷ lục 9 tuần tăng điểm liên tiếp hồi cuối năm 2017 khi tính đến nay, VN-Index đã tăng đến tuần thứ 8. VN-Index kết tuần ở ngay trên ngưỡng kháng cự 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018) mà nó đã thử thách trong bốn phiên. Tâm lý hứng khởi cao độ của nhà đầu tư khiến cầu bắt đáy luôn gia tăng mỗi khi chỉ số giảm khiến thị trường hồi phục mạnh trở lại sau đó.
Các hợp đồng tương lai VN30 đều cao hơn chỉ số cơ sở VN30 từ 11 đến 20 điểm cũng cho thấy điều này. Tuy nhiên, đà tăng đã có dấu hiệu chậm lại với tần suất các phiên điều chỉnh nhiều hơn, thanh khoản gia tăng cùng với việc nhóm chứng khoán bật tăng mạnh mẽ và các penny tăng trần hàng loạt cũng là những dấu hiệu cảnh báo sóng tăng hiện tại đang gần đến lúc kết thúc.
SHS cho rằng khả năng thị trường có thể tiếp tục đến vùng kháng cự cao hơn trong khoảng 1.120 - 1.130 điểm (đỉnh tháng 1,2/2018) là có thể xảy ra nhưng với xác suất thấp. Xác suất cao hơn là việc thị trường sẽ rung lắc mạnh trước áp lực bán quanh ngưỡng 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra giảm tỷ trọng trong các nhịp tăng. Nhà đầu tư đã bắt đáy một phần trong phiên 24/12 quanh đường MA20 tiếp tục nắm giữ và canh chốt lời khi cổ phiếu về tài khoản./.