Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, 74 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương.
“Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân”
Thưa ông, hơn 74 năm về trước, Bác Hồ đã gửi thư động viên, cổ vũ giới doanh nhân. Lời động viên, cổ vũ của Bác đã được giới doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện thế nào?
TS. Vũ Tiến Lộc: Ngay sau ngày Quốc khánh, ngày 13/10/1945, khi nghe tin các công thương gia nhóm họp, thành lập Công Thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và nhà nước ta xác định vai trò và sứ mệnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Bác nói: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Bác kêu gọi các nhà công thương nghiệp hãy “mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn cùng đem vốn vào làm công cuộc ích nước lợi dân”.
Tới năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Hơn 7 thập kỷ đã qua, nhưng những khẳng định và lời kêu gọi của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân.
Hành trình 15 năm và xa hơn là hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ doanh nhân đã có những đóng góp xứng đáng. Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.
Hơn 3 thập kỷ qua, lứa doanh nhân đầu tiên của thời kỳ Đổi Mới - lứa doanh nhân dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước thoát nghèo. Giờ đây, trọng trách đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình và trở nên hùng cường thuộc về lứa doanh nhân khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là yêu cầu của các doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu của các doanh nghiệp đã trưởng thành. Mãi mãi khởi nghiệp là tinh thần của các doanh nhân.
Chính phủ, Thủ tướng đã có những nỗ lực rất quyết liệt và cụ thể trong chỉ đạo các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Những nỗ lực và giải pháp này đã đi vào cuộc sống như thế nào và tới mức độ nào, thưa ông?
TS. Vũ Tiến Lộc: Đảng, Nhà nước và Chính phủ những năm gần đây đã có những nỗ lực đồng bộ và toàn diện, tạo hệ sinh thái và môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển. Chúng ta còn nhớ, ngay sau khi trở thành Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với chủ đề, mang theo tuyên ngôn của Chính phủ mới: “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Và sau đó, Chính phủ đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, hướng tới mục tiêu đất nước ta có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Loạt Nghị quyết 19 (và sau này là Nghị quyết 02) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với tư cách một chương trình hành động liên tục của Chính phủ hướng tới mục tiêu Việt Nam phải trở thành 1 trong 3-4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu của ASEAN đã ra đời.
Các văn kiện này đã thực sự trở thành nền tảng để hoàn thiện môi trường kinh doanh cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thúc đẩy. Các chủ trương, chính sách mới về xây dựng chính phủ điện tử và nền kinh tế số, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp được triển khai; Chương trình cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành được thực hiện. Các nỗ lực kết nối, thuận lợi hóa thương mại qua cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN được gia tốc.
Các nỗ lực ngoại giao con thoi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc xúc tiến thương mại đầu tư, mở mang thị trường cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt diễn ra dồn dập. Có thể nói, Chính phủ đã thành công trong việc thúc đẩy công cuộc khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp lần thứ 2 trong nền kinh tế Việt Nam kể từ khi Đổi Mới.
Những nỗ lực của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ thông qua những nỗ lực khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô về tăng trưởng, về xuất khẩu, các chỉ số về phát triển doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp mới là thước đo quan trọng nhất cho sự tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Kết quả điều tra gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, 87,9% doanh nghiệp tin vào nền kinh tế sẽ ổn định và tốt hơn.
Nhưng, những thành quả đó mới chỉ là bước đầu, chặng đường phát triển sắp tới của nền kinh tế và các doanh nghiệp còn rất gian nan. Nhiều vấn đề cơ cấu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc có nguy cơ lan rộng, tăng trưởng của nền kinh tế thế giới chậm lại. Với một nền kinh tế có độ mở cao, dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn.
Nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết
Ông có thể trao đổi cụ thể hơn về những yêu cầu của đất nước, của người dân với đội ngũ doanh nhân ngày nay?
TS. Vũ Tiến Lộc: Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”.
Sau 1/3 thế kỷ đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký). Xét về bản chất kinh tế, đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế - là doanh nghiệp theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường.
Nếu từ góc nhìn như vậy, chúng ta có thể thấy rằng: xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng điều đáng nói là về chất lượng: chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN. Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi. Chúng ta có những doanh nhân riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thiên hạ, đặc biệt các doanh nghiệp Việt khó kết nối với nhau và các chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị của ASEAN của các doanh nghiệp niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế - chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN. Năng lực doanh nghiệp theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới chúng ta cũng mới chỉ được xếp ở hạng ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động chúng ta cũng chưa cao so với các nước trong khu vực.
So với doanh nhân thế giới thì doanh nhân Việt Nam vất vả hơn rất nhiều vì trước khi vượt khó trên thương trường, họ còn phải đối phó với tâm lý kỳ thị người giàu vẫn còn ở đâu đó và phải đối mặt với những vướng mắc từ thể chế. Do đó, trước hết, chúng ta cần thay đổi tư duy kỳ thị người giàu, nhất là với những doanh nhân - người bỏ vốn chịu rủi ro, tạo công ăn việc làm cho đất nước.
Một doanh nhân đã nói với tôi, từ khi trở thành doanh nhân, vợ chồng ông ăn không ngon, ngủ không yên… Đó là sự hy sinh lớn. Mỗi doanh nhân là một câu chuyện của đất nước này – câu chuyện của những người khai phá, và sau mỗi thành công của họ đều có vị mặn chát của mồ hôi và nước mắt…
Với rất nhiều doanh nhân, nếu chỉ vì miếng cơm manh áo hay sự giàu có cho riêng mình thì họ sẽ thôi làm doanh nghiệp. Họ đang làm doanh nghiệp với phận sự của một công dân yêu nước, vì đất nước, vì công ăn việc làm cho hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con người, họ làm doanh nghiệp để đóng góp cho ngân sách, để chăm lo cho phát triển cộng đồng… Họ làm giàu để đất nước đứng lên. Tôn trọng, tôn vinh, bảo vệ doanh nhân là bảo vệ sức mạnh kinh tế và chủ quyền đất nước.
Nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Các định hướng và nỗ lực của chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp do vậy không chỉ cần tập trung vào số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Chúng ta hy vọng, dự Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này đang được Chính phủ trình Quốc hội sẽ thúc đẩy trọng tâm ưu tiên này, tăng cường quản trị và thúc đẩy hành trình minh bạch hóa và nâng cấp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh.
Trong định hướng nâng cấp doanh nghiệp, phát triển bền vững và chuyển đổi số là hai đường ray chính. Doanh nghiệp phát triển phải hiệu quả, phải nhân văn, phải vì cộng đồng, phải thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là động lực.
Doanh nhân cần chung tay với Đảng và nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đổi mới thể chế và nâng cấp doanh nghiệp phải là hai nhiệm vụ song hành.
Cộng đồng doanh nghiệp có kiến nghị gì với Đảng, Nhà nước về những chủ trương, chính sách lớn trong thời gian tới?
TS. Vũ Tiến Lộc: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội có nhiệm vụ xác định tầm nhìn năm 2045 kỷ niệm 100 năm lập nước, chiến lược tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và kế hoạch phát triển cho thời kỳ 2021 - 2025.
Từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế (kinh tế) trung bình”. Doanh nghiệp giữ vai trò động lực trong quá trình này.
Chúng ta cũng hiểu sâu sắc rằng thịnh vượng là con đường mang lại hạnh phúc cho nhân dân, và thịnh vượng cũng là cội nguồn của sức mạnh trong thời hội nhập, là vũ khí để bảo vệ vững chắc hòa bình và chủ quyền lãnh thổ của đất nước thân yêu của chúng ta.
Bộ Chính trị đã chỉ đạo và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” làm điểm tựa và hậu thuẫn trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt. Nhưng chúng ta cũng hiểu sâu sắc rằng, cuộc vận động này cần phải được song hành và cộng hưởng với cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục Người Việt Nam và thế giới” do Thủ tướng chỉ đạo và VCCI phát động.
Mới đây, Thủ tướng cũng đã phát động “Phong trào Năng suất Việt Nam” để tiếp lửa cho cuộc vận động này. Chúng tôi mong các doanh nghiệp hãy coi các cuộc vận động này là phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu của các doanh nhân trong thời đại mới.
Cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, và sẽ quyết tâm cố gắng để vượt qua thử thách. Đổi mới sáng tạo, kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững sẽ là hệ giá trị mới cho công cuộc tái cấu trúc và phát triển mà các doanh nghiệp quyết hướng theo.
Chúng ta hy vọng Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ kiên định con đường đổi mới, tiếp tục xây dựng một thể chế kinh tế minh bạch và công bằng, một đội ngũ cán bộ công chức tận tâm, phòng chống tham nhũng có hiệu quả, chú trọng thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc, coi trọng phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để tạo thế “sâu rễ, bền gốc” cho nền kinh tế Việt Nam.