Aa

Tổng Giám đốc HNX: “Hơn 3.000 tỷ đồng được giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ mỗi phiên“

Thứ Tư, 06/12/2023 - 06:15

Theo Tổng Giám đốc HNX, từ khi hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động đã tạo được niềm tin cho NĐT, các hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp đã quay trở lại tích cực.

Khoảng 2/3 các doanh nghiệp cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung

Tại Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững", ông Nguyễn Anh Phong, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có báo cáo sơ bộ về quá trình triển khai cũng như kết quả đạt được về thị trường trái phiếu riêng lẻ khi hệ thống giao dịch tập trung đi vào hoạt động.

Lãnh đạo HNX thông tin, ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và chỉ đạo sát sao của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cùng với Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống giao dịch và thanh toán cho các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. 

“Bước đầu, hệ thống này đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Ngày 19/7 là ngày đầu tiên đi vào giao dịch, chúng tôi có 19 trái phiếu của 3 doanh nghiệp tham gia đăng ký giao dịch và đến nay đã có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký. Như vậy, khoảng 2/3 các doanh nghiệp cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung này”, Tổng Giám đốc HNX cho biết.

Ông Nguyễn Anh Phong, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) (ngoài cùng bên trái). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đánh giá về quy mô giao dịch, theo ông Nguyễn Anh Phong, hiện đã ghi nhận sự tăng trưởng so với ngày giao dịch đầu tiên và trung bình có hơn 3.000 tỷ đồng được giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ mỗi phiên. 

“Tổng 5 tháng kể từ khi đi vào giao dịch đến nay, có khoảng trên 1,2 nghìn tỷ đồng/phiên. Đây là tín hiệu rất tốt đối với thanh khoản trên thị trường. Điều này cũng góp phần quay ngược tác động lại thị trường phát hành sơ cấp”, ông Phong cho biết thêm.

Cũng theo lãnh đạo HNX, hiện nay, tất cả giao dịch thứ cấp, thông tin về giao dịch đều được tổng hợp trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trên hệ thống này có các thông tin thứ cấp và thông tin trên thị trường sơ cấp về kết quả chào bán cũng như các hoạt động giao dịch. Nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý có thể tổng hợp các thông tin này để đưa ra những nhận định, đánh giá cũng như có chính sách phù hợp đối với thị trường theo từng giai đoạn.

“Qua quan sát của chúng tôi, rất đáng mừng khi hệ thống kể từ ngày đi vào hoạt động đến giờ rất suôn sẻ, qua đó tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Và kể từ tháng 7 trở lại đây, cùng với tác động của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì việc đưa hệ thống tra cứu riêng lẻ này vào hoạt động, các hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp đã quay trở lại tích cực hơn”, lãnh đạo HNX đánh giá.

Được biết, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 5 tháng, tính từ tháng 7 đến nay, số lượng trái phiếu phát hành ra thị trường khoảng hơn 180 nghìn tỷ đồng, tức là gấp 5 lần so với 6 tháng đầu năm. Tổng Giám đốc HNX nhìn nhận rằng, chính điều này đã thể hiện rõ được chính sách đã và đang đi vào cuộc sống, thị trường đang dần có niềm tin trở lại.

Cần thúc đẩy tinh thần vượt lên trên sự tuân thủ của các tổ chức phát hành và nhà đầu tư

Có thể nói, bảo đảm an toàn và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu đang là một trong những mục tiêu được đặt lên hàng đầu. Theo ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, muốn đạt được mục tiêu đó cần phải hành động đồng bộ, thống nhất, toàn diện về mặt thể chế.

“Đây không phải nhiệm vụ riêng của cơ quan Nhà nước, của Bộ Tài chính hay các thị trường chứng khoán, trái phiếu của chúng ta”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng, không thể thiếu hành động của tổ chức phát hành và đơn vị trung gian, vì lợi ích của chính các tổ chức phát hành. 

Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông Hiếu, thời gian qua, một số sự việc liên quan đến doanh nghiệp vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là cơ hội để các tổ chức phát hành uy tín, chất lượng có thể vươn lên, bứt phá và tạo ra niềm tin riêng cho mình.

Ngoài ra, không thể thiếu sự tham gia, hành động của chính những trái chủ.

Liên quan tới vai trò của tổ chức phát hành và nhà đầu tư , ông Phan Đức Hiếu cho rằng, đầu tiên, cần phải thúc đẩy tinh thần vượt lên trên sự tuân thủ của chính các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư.

“Tại sao tôi nói trong bối cảnh này, tinh thần vượt lên trên sự tuân thủ của luật pháp rất quan trọng? Chúng ta biết, luật pháp chỉ nên dừng lại ở những quy chuẩn tối thiểu, vì nếu tăng quy chuẩn, tăng điều kiện thì kèm theo đó có thể vô hình trung tạo ra rào cản không cân xứng cho những tổ chức phát hành và các nhà đầu tư khác nhau với kế hoạch sản xuất kinh doanh khác nhau”, ông Hiếu phân tích. 

Vì vậy, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu hy vọng rằng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần thúc đẩy tinh thần vượt lên sự tuân thủ, tức là nếu như không yêu cầu nhưng vì lợi ích của chính mình thì mỗi cá nhân, doanh nghiệp có thể làm tốt hơn luật yêu cầu.

“Chúng ta cần sự hành động của tất cả các bên liên quan tới thị trường này và hành động vì lợi ích của chính chúng ta. Đây cũng là cơ hội để bứt phá và sàng lọc”, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Còn về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, thời gian qua, ở một chừng mực nào đó chúng ta đang đạt được mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng. Gọi là "mục tiêu kép" bởi chúng ta giải quyết được hai vấn đề. 

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ nhất là khi thị trường khó khăn, đóng băng thì chúng ta phá được và nó bắt đầu dần dần quay trở lại. 

Thứ hai, phát triển thị trường đang đi theo hướng chiều sâu, tăng tính minh bạch, công bố thông tin của thị trường và xử lý vi phạm của các tổ chức tham gia thị trường.

Do đó, trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu và trong năm 2023. 

“Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ có ban hành thêm Chỉ thị mới, chúng tôi sẽ căn cứ vào những chỉ đạo trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để triển khai các giải pháp cụ thể. Với tất cả những hành động như vậy, tôi tin tưởng rằng là chúng ta sẽ dần dần lấy lại đà hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong việc phát triển thị trường”, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho hay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top