Aa

Hơn 2 thập kỷ lay lắt của các "đại gia" đất ở Sài Gòn

Thứ Ba, 22/08/2017 - 22:36

Trên nền siêu dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn còn hơn 3.000 hộ dân sống lay lắt theo số phận dự án từ năm 1992 đến nay.

Có đất mà không thể cất nhà, nhà xuống cấp nhưng không được sửa chữa những "đại gia" đất sống trên nền quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn đúng nghĩa là những người tá điền đích thực dù ở giữa TP.HCM. 

Diện tích đất khổng lồ nhưng để tìm kiếm giá trị gia tăng trên đất đều không được vì dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đang khống chế. Trong khi đó, bên kia bờ sông là biệt thự và cao ốc của khu “nhà giàu” Thảo Điền mà họ vẫn thấy hàng ngày.

Sống mòn trong dự án bị bỏ quên hơn hai thập kỷ

Gia đình ông Trần Quế sống ở khu phố 3, đường Bình Quới. Ông Quế được biết tới là gia đình nhiều đất nhất tại đây với 17.000 m2. Với diện tích đất rộng lớn này, ông cùng hai người con trai đang trồng lúa và đào ao thả cá, nuôi gà, vịt sinh sống.

Không biết khi nào ông Quế và gia đình phải giao đất làm dự án. Theo lời ông, thông tin dự án có từ năm 1992. Tuy nhiên, trong suốt 25 năm qua, người dân ở đây đã sống trong cảnh chờ đợi dự án triển khai như vậy.

“Hơn 1/3 đời người chờ đợi, các con giờ đã lớn lập gia đình hết cả nhưng chúng tôi vẫn nhìn số đất khổng lồ này mà không thể làm gì giúp đỡ cho con được. Con trai lấy vợ về cần cơi nới hay xây thêm một căn nhà thoải mái hơn thì lại vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sang đất ở, không tách thửa, cũng không được phép xây dựng”, ông chia sẻ. 

Cư dân TP.HCM vẫn phải trồng lúa kiếm sống tại nền đất của dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: Đ.T.

Cư dân TP.HCM vẫn phải trồng lúa kiếm sống tại nền đất của dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: Đ.T.

Căn nhà ván nguyên bản từ những năm 80 được bà Nguyễn Thị Loan gia cố cột kèo. Mái lợp được chống dột bằng những tấm bạt nhựa. Bà Loan cho hay việc sửa sang hay xây mới vẫn chưa thể làm vì không được cấp phép xây dựng.

Theo lời bà, hồi con trai lấy vợ, bà đã định xây mới một căn nhà nhỏ cho con. Tuy nhiên, chỉ thi công đến phần móng, bà nhận được giấy phạt vì xây dựng trái phép.

Gia đình ông Nguyễn Hoàng Sơn, 75 tuổi, sống tại căn nhà số 480/87 Bình Quới với diện tích đất 15.000 m2. Đến nay, ông chỉ thả sen để thu ngó sen đi bán sống qua ngày. Căn nhà của ông cũng chia năm xẻ bảy để các con sinh hoạt chứ không đủ tiền ra ngoài thuê trọ.

Ông Sơn chia sẻ với số đất đó trong tay ở ngay trung tâm TP.HCM thì ông đã là "đại gia". Nhưng hiện tại, đời sống quá khó khăn, ông muốn kiếm chút vốn làm ăn mà cũng không thể làm gì được với khối đất 15.000 m2 đang sở hữu. 

“Quy hoạch thành khu đô thị bước đầu mang đến cơ hội cho người dân ở đây nhưng sau thời gian dài sống tạm bợ thì chúng tôi nghĩ không có dự án nhiều khi lại tốt hơn", ông Sơn bộc bạch.

Số phận chìm nổi của dự án thế kỷ

Từ năm 1992, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt. Đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.

Bên này là khu biệt thự phường Thảo Điền, bên kia bờ sông là ruộng lúa của dự án Bình Quới - Thanh Đa.

Bên này là khu biệt thự phường Thảo Điền, bên kia bờ sông là ruộng lúa của dự án Bình Quới - Thanh Đa.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Nhưng Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch.

Tổng mức đầu tư trên chỉ bao gồm chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chính của toàn bộ dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong đó, riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến gần 22.800 tỷ đồng.

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoach Đầu tư TP.HCM, việc đối tác ngoại rút lui có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Họ cần đất sạch, đơn giá cụ thể. Trong khi đó, thành phố muốn định giá đất người dân đang ở thì qua nhiều thủ tục. Trong quá trình đàm phán, đối tác đã xin rút khỏi dự án, và dự án này không thể một sớm một chiều làm được.

Hiện chỉ còn lại tập đoàn Bitexco "ôm" dự án này và thành phố có văn bản trình lại để xin ý kiến Thủ tướng. Trước câu hỏi về năng lực của Bitexco liệu có thể “đảm đương” nổi, vì hiện tại đơn vị này được giao nhiều dự án đất vàng nhưng chưa triển khai, ông Sử Ngọc Anh cho biết vấn đề này cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định.

Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng thừa nhận cái khó là trả lời câu hỏi khi nào giao đất cho nhà đầu tư, tổng mức đầu tư, chi phí cụ thể. Theo ông Hoan, bài học kinh nghiệm cho thấy thu hút được đầu tư là phải nhờ vào đất sạch.

“Thanh Đa là dự án lớn, đòi hỏi phương án khả thi, nhà đầu tư có năng lực. Hiện nay mình đang rất khó khăn. Thành phố đã báo cáo Thủ tướng để chọn nhà đầu tư. Quan điểm của thành phố là để nhà đầu tư cũ tiếp tục triển khai dự án. Nếu quay lại thì hết 5 năm nữa để có nhà đầu tư mới, lại đi một vòng thủ tục. Trong khi người dân tại đây đang hết sức khó khăn vì tình trạng trên”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho hay hiện nay, quận Bình Thạnh chưa thể làm gì vì đang chờ thành phố xin ý kiến Thủ tướng cho phép chỉ định lại nhà đầu tư. Có chủ trương của TP.HCM thì mới tiến hành các bước liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Có 3.100 hộ dân đang sống trên khu quy hoạch này, cũng có rất nhiều người đến xin giấy phép xây dựng nhưng theo quy định chúng tôi đều phải chờ chứ chưa thể làm gì khác", ông Huy cho biết.

Nhiều khu vực tại khu đô thị này bị hoang hóa: Ảnh: V.D.

Nhiều khu vực tại khu đô thị này bị hoang hóa: Ảnh: V.D.

Trong khi đó lãnh đạo Bitexco (đơn vị còn lại trong liên doanh) cho rằng doanh nghiệp này vẫn làm những việc mình đã triển khai trong nhiều năm qua, cũng chưa nghĩ đến tìm thêm đối tác. Khó khăn lớn nhất của dự án này là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bởi nó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Bitexco đang phối hợp với các sở ngành để xây dựng phương án đền bù và tái định cư.

Vị lãnh đạo này cho hay Bitexco sẽ không yêu cầu UBND TP.HCM phải hoàn trả bằng tiền mặt đối với lãi suất cho khoản tiền đã ứng trước để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trong trường hợp tại thời điểm đóng tiền sử dụng đất, nếu pháp luật đất đai tại thời điểm đó cho phép thực hiện cấn trừ thì công ty thực hiện cấn trừ theo quy định.

Bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, có sự thay đổi về sự thay đổi về chủ đầu tư khi dối tác nước ngoài rút lui nên chưa thể làm những công tác tiếp theo.

Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top