Aa

Hơn 2,87 tỷ USD vốn ngoại rót vào bất động sản trong 11 tháng

Thứ Sáu, 01/12/2023 - 16:18

FDI rót vào bất động sản đạt hơn 2,87 tỷ USD trong 11 tháng của năm nay, chiếm gần 10% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và ghi nhận mức giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 11 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì mức tăng mạnh, góp phần đưa mức tăng của 11 tháng lên mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay, tương ứng 14,8%.

Mặc dù ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục bám trụ ở vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư rót vào lĩnh vực này, đạt hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư đăng ký nhưng con số này vẫn ghi nhận mức giảm tới 31,4% so với cùng kỳ.

Với 2.865 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,41 tỷ USD, vốn đăng ký cấp mới 11 tháng đã tăng 58,1% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 42,4% về số vốn đăng ký.

Trong số đó, dự án được cấp phép mới đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 858,4 triệu USD, chiếm khoảng 5,2% tổng số.

Hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 30,7% giá trị góp vốn.

Trái ngược với đà tăng của dòng vốn đăng ký mới và góp vốn mua cổ phần, vốn đăng ký điều chỉnh 11 tháng tính chung của cả nước giảm 32,1% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng lĩnh vực bất động sản, nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 1,04 tỷ USD, chiếm 4,6%.

Thêm một điểm đáng ghi nhận là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 11 tháng ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong vòng 5 năm qua. Trong số đó, hoạt động kinh doanh bất động sản xếp ở vị trí thứ ba, đạt 982,6 triệu USD, chiếm 4,9%.

Theo bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư.

Đặc biệt, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Thống kê của Cushman & Wakefield Việt Nam cũng cho thấy hơn 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung ở phân khúc nhà ở cao cấp với một số tên tuổi quen thuộc trên thị trường như Keppel Land, Capitaland.

Cùng đó là hàng loạt dự án bất động sản cao cấp lần lượt ra đời tại Việt Nam như The Estella hoặc The Vista được đưa ra chào bán trên thị trường.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh là một dẫn chứng điển hình.

Thời điểm đó, tổng nguồn cung căn hộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 1.700 căn thì trong đó có khoảng 1.000 căn đến từ các dự án có vốn FDI.

Nhưng với chu kỳ hiện tại, thị trường bắt đầu trở nên quen thuộc với những tên tuổi của những chủ đầu tư FDI khác như Hong Kong Land, Frasers Property hoặc Mapletree.

Ngoài ra, còn nhiều nhà đầu tư ngoại uy tín khác đến từ Nhật Bản như Daiwa House, Nomura và Sumitomo hay các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Lotte Group, GS đầu tư ở Khu Đô thị Mới Thủ Thiêm.

Quý 3 năm 2023, số lượng căn hộ cao cấp của khối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên thành 23.800 căn, lớn hơn rất nhiều lần so với con số chỉ 1.000 căn vào năm 2008.

Các chuyên gia nhận định, nhà đầu tư nước ngoài với kinh nghiệm, tiềm lực tài chính sẽ giúp tạo ra các sản phẩm bất động sản theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trên thực tế, dòng vốn FDI không chỉ giúp cho doanh nghiệp bất động sản trong nước học hỏi và nâng cao tính cạnh tranh, mà còn góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng trong việc rót vốn cho lĩnh vực này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top