Số liệu trên được ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra tại Họp báo thông tin về Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất, dự kiến tổ chức vào ngày 15/11 tới.
"Đó là những con số do các địa phương báo cáo, còn thực tế số lượng người nước ngoài mua được nhà tại Việt Nam có thể cao hơn", ông Hưng nói.
Trước đó, vào cuối tháng 10, tại một hội nghị về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sau 2 năm chính thức cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ có 15 người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Theo ông Hưng, chủ trương và chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, chủ trương này vẫn gặp phải một số vướng mắc nhất định về thủ tục, hồ sơ… do đó, sức mua vẫn chưa được như kỳ vọng.
Cùng với đó là những quy định khá chặt chẽ vì việc này có liên quan đến an ninh, quốc phòng đối với bất kỳ một quốc gia nào chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho hay, việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một xu thế tất yếu đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam. Song thực tế cho thấy, số lượng người nước ngoài mua nhà còn rất ít, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính những người muốn mua nhà cũng như các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản trong nước.
Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm cho người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam, sau đó là Luật về Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Quyền mua và sở hữu nhà cũng được thể hiện trong các luật này, đây là một bước tiến.
“Thông qua đó, có những ý kiến rất ủng hộ nên mở cửa thị trường bất động sản nhưng cũng có quan ngại về tác động của việc cho phép người nước ngoài mua nhà sẽ tạo nên xu hướng không thuận cho thị trường bất động sản Việt Nam”, ông Phúc cho biết.
Cũng theo ông Phúc, khi nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành luật, Bộ Xây dựng, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội có nghiên cứu kinh nghiệm của các nước thì thấy rằng, không phải nước nào cũng mở cửa hoàn toàn thị trường bất động sản trong việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà. Đối với Việt Nam, chúng ta đã có xu hướng mở cửa nhưng mở cửa từng bước, từ Nghị quyết thí điểm đến luật và luật cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Bên cạnh đó, xuất phát từ bối cảnh, điều kiện địa lý, chính trị của chúng ta cũng đặt ra những giới hạn nhất định trong việc cho phép người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam. Ví dụ, quy định trong nhà ở, đối với chung cư, người nước ngoài không được sở hữu vượt quá 30% số căn hộ.
"Hiện nay chúng ta đang chuẩn bị thông qua nghị quyết về thành lập 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Trong đó, những điều khoản về thủ tục, quy định cho người nước ngoài mua nhà tại 3 đặc khu này sẽ được cởi mở, thông thoáng hơn. Với tính chất lựa chọn những chính sách vượt trội, thử nghiệm, việc xây dựng, thông qua nghị quyết thành lập 3 đơn vị này là tín hiệu thông báo với quốc tế, Việt Nam ngày càng mở cửa thị trường bất động sản để thu hút đầu tư nước ngoài, phục vụ kiều bào", ông Phúc cho hay.