Đường Tam Trinh là một con đường dài, bắt đầu từ giao cắt với đường Minh Khai, kéo xuống đến ngã ba Pháp Vân. Một lần, đầu năm mới, đi trên đường Tam Trinh, tôi bắt gặp một đám rước lễ hội với đủ mọi lệ bộ. Nghĩa là có kiệu, cờ quạt, trống và đoàn người mặc lễ phục. Sau hôm đó, tôi tìm hiểu, thì ra đó là hội làng Mai Động rước thành hoàng làng. Hội làng Mai Động từ mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng, trong đó chủ đạo là hội vật. Đình Mai Động thờ đức thánh Nguyễn Tam Trinh. Ngài là một bộ tướng của Hai Bà Trưng, có công đánh giặc Đông Hán và truyền dạy cho dân làng Mai Động cùng các làng phụ cận trong vùng Kẻ Mơ cũ chữ nghĩa và võ, vật cùng nghề làm đậu phụ nổi tiếng. Tôi dám chắc chắn rằng, hơn ngàn số nhà với vài ngàn nhân khẩu của con đường Tam Trinh không nhiều người biết được mình đang ở một con đường mang tên vị tướng anh hùng chống ngoại xâm và dựng nước là thành hoàng của làng Mai Động cổ.
Mai Động hiện nay là một phường của quận Hoàng Mai. Tiếng là phường nhưng những xóm ngõ ken nhau và con đường làng nhỏ bé vẫn rất đặc trưng của một làng cổ. Đình làng Mai Động vẫn giữ được nhiều nét xưa và là một di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia. Tại đây, trong hội làng diễn ra nhiều trò chơi dân gian, trong đó có hội vật đượm màu lịch sử. Thường là sau lễ rước kiệu Thánh, sẽ khai mạc hội vật. Các sới vật được tổ chức trong suốt ba ngày lễ hội. Đô vật được tuyển chọn từ các lò vật khắp nơi tụ về thi đấu rất khí thế. Tôi đã say mê xem đấu vật tại đây. Môn võ vật tương truyền có từ thời danh tướng Nguyễn Tam Trinh. Ông đã mở lò vật để truyền dạy và hội vật được duy trì từ ngày đó, vừa để luyện quân đánh giặc vừa để trui rèn sức khỏe cho dân làng. Có thể nói, hội vật Mai Động là tinh hoa của lễ hội, một nét đẹp không phải hội làng nào cũng có.
Hà Nội có rất nhiều hội làng ngay trong phố. Đình làng Tương Mai và Hoàng Mai thờ vị anh hùng đánh giặc Chiêm Thành với những chiến công hiển hách là danh tướng Trần Khát Chân và em trai là Trần Hãng. Hội làng diễn ra ngày 24/4, đồng thời với cả hai làng vốn là đất Kẻ Mơ cũ, nơi lập trang ấp của Trần Khát Chân xưa. Hội có lễ rước thánh. Vì là thờ anh em Trần Khát Chân, Trần Hãng nên có lễ rước “Thánh anh” và “Thánh em” rất xôm trò. Tiếc là những cụm di tích đình có bề dày lịch sử này đã bị hư hại, triệt phá dạo tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, dù đã được phục dựng nhưng cũng chỉ được phần nào so với trước kia.
Người Hà Nội rất nhiều người biết đến cụm đình, đền nổi tiếng Kim Liên. Hai đứa con tôi dạo còn học phổ thông đều có chung yêu cầu bố đưa đến tham quan một ngôi đền để chúng làm bài tập làm văn ở lớp và tôi đều dẫn chúng đến đây. Đình, đền Kim Liên ở địa phận làng Kim Liên cũ, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa thờ Cao Sơn Đại Vương, một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Lễ hội Kim Liên diễn ra ngày 15 và 16/3 âm. Lễ hội có tế lễ, rước kiệu và các hội thi thả chim, nấu ăn và bày cỗ.
Có hàng trăm hội làng trong phố, cả lớn lẫn nhỏ. Tất cả các làng giờ đều đã thành phường thành phố nhưng may mắn là các chùa, đình, đền còn giữ được. Còn đình đền còn chùa thì hội làng còn tổ chức được, còn giữ được những nét đẹp văn hóa xưa của một Thăng Long kinh thành cổ. Có những lễ hội của làng nghề như hội làng Ngũ Xá. Trong lễ hội ngoài trò chơi dân gian, rước lễ, còn trưng bày đồ đồng đúc.
Hội làng Phú Đô ngoài thờ các nhân vật lịch sử còn thờ tổ nghề bún. Có lễ dâng mâm bún cúng Thành hoàng và thi làm bún. Hội làng Nghi Tàm có thi hoa cây cảnh rất đặc trưng và thiết thực của một làng hoa. Mỗi hội làng một vẻ. Những làng ven sông Hồng thường có thi bơi chải. Với các hội làng thờ nhân vật lịch sử gắn với chống ngoại xâm thì có những trò chơi thượng võ như kéo co, vật, đấu võ... muôn hình muôn vẻ. Hội làng đa phần được tổ chức vào mùa xuân. Có lẽ dịp đó hội làng là để hy vọng và cầu khẩn một năm may mắn cho làng.
Để tổ chức được một hội làng khi làng đã thành phường, thành phố là cả một câu chuyện. Khi không còn là làng, dân cư cũng xáo trộn nhiều. Người ngụ cư không ít. Dù nhiều người không gắn bó ký ức với làng quê nhưng không vì thế mà họ thờ ơ hội làng. Hội làng phải được chuẩn bị rất kỹ và trước đó nhiều thời gian. Tất cả các hội làng đều thành lập một ban tổ chức lễ hội có trưởng ban và các thành viên với những phân công cụ thể. Trưởng ban là một người trong Hội người cao tuổi và phải là người có uy tín. Cũng có thể là một chức sắc chính quyền phường. Cái này tùy thuộc vào từng hội làng. Các thành viên mỗi người mỗi mảng lo lễ tiết, tài chính, hậu cần, tổ chức trò chơi...
Đa phần hội làng còn giữ nếp ăn uống cỗ bàn mừng hội. Khách thập phương đến với hội làng cũng có thể được hưởng lộc. Tôi đã dự nhiều hội làng và quả thật mỗi lần được thụ lộc mặn là một lần ấn tượng và ít nhất có được một cảm giác an lành, may mắn.
Ẩn trong vẻ hiện đại phố phường là mạch chảy của những hồn làng âm ỉ xuyên thời gian. Tôi nghĩ rằng những lễ hội của làng, dù làng đã thành hoài niệm, đã thành quá vãng, chính là nơi cất giữ để những mảnh hồn làng còn tồn tại. Không chỉ những làng cổ ven đô còn nặng dấu tích làng xã trong cấu trúc, mà những phố cổ, phố cũ đã từ lâu là phố phường, nếu vẫn giữ được những hội làng, thì nơi đó còn giữ được những tinh hoa cổ quý giá với những nét đẹp dân gian mãi tồn tại cùng tháng năm và lịch sử.