Aa

Ngày Ông Táo lên trời

Thứ Sáu, 17/01/2020 - 06:30

Dù có thế nào thì ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ngày Ông Táo lên trời là một tập tục mà dù cuộc sống hiện đại đến đâu cũng không làm thay đổi. Và có lẽ cũng không cần thay đổi khi đó là một nét đẹp của đời sống tâm linh.

Cách đây quãng hơn chục năm, nhà đài VTV cho làm chương trình Táo quân đêm 30 Tết. Đây là một chương trình giải trí mang đậm màu sắc hài hước. Dựa vào điển tích của ngày 23 tháng Chạp, chương trình Táo quân cho dựng hình ảnh Thiên đình với Ngọc Hoàng và các vị thần cùng các Táo đại diện cho các ngành, các giới ở trần gian lên Thiên đình báo cáo công việc của năm.

Tuy là chương trình hài giải trí nhưng Táo Quân lại mang đậm tính luận đề và liệt kê những vấn đề nóng, những sự kiện quan trọng của một năm vừa kết thúc. Chương trình đã đi qua được một chặng đường dài hàng chục năm nhưng vẫn luôn nóng hổi tính thời sự cùng những tiếng cười sâu sắc về đủ những hay dở, tốt xấu của nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống. Cho dù năm nay chương trình Táo quân đã kết thúc nhưng dấu ấn của Táo quân vẫn in đậm trong lòng khán giả hâm mộ.

Nói những điều này để thấy, Táo quân dù là nhân vật thần linh nhưng lại luôn hiện diện trong đời sống con người và ngày tiễn Ông Táo lên trời là một ngày lễ quan trọng, bất cứ gia đình nào, dù hoàn cảnh ra sao, cũng không thể bỏ qua. Ngày này cũng thường được gọi là cúng Ông Công, Ông Táo nhằm vào 23 tháng Chạp.

Ông Táo thì rõ rồi, còn Ông Công, theo tôi hiểu, đây là cách gọi thần Thổ Công, Thổ Địa kiểu như chức danh kiêm nhiệm của họ nhà Táo. Đây là thời điểm đã kết thúc năm dương, và thường được coi là mốc của mọi sự lao động sản xuất và gặt hái thành quả. Lễ cúng tiễn Ông Công, Ông Táo được làm trang trọng như một nghi lễ và lễ này gần như là mở đầu cho một loạt các lễ nghi của ngày Tết ta (Tết Nguyên đán). 

Cũng bởi đây là một lễ nghi quan trọng nên hầu như tất cả mọi người trưởng thành đều hiểu, dù chỉ là mang máng, Ông Công, Ông Táo là những vị thần thổ công, thổ địa và bếp núc trong nhà, những vị thần thường trực làm quản gia cho mỗi gia đình người Việt. Nó rất khác với sự sáng tác của chương trình Táo quân nói về những vấn đề xã hội.

Tôi biết được sự tích về những vị thần bếp này khi ngày nhỏ đi sơ tán ở quê được bà ngoại kể chuyện. Ngày đó, những đứa trẻ phố nhút nhát thường bị choáng ngợp với những bãi tha ma, cây gạo, cây đa nhưng lại rất thích nghe những sự rùng rợn hoặc là chuyện ma hay những điển tích. 

Chuyện Ông Công, Ông Táo tôi được nghe dịp ấy. Nó tam sao thất bản so với những gì được coi là sự tích chính thống. Đại để là có hai vợ chồng xa cách nhau, một ngày qua hạn hẹn ước, người vợ đi lấy chồng khác. Rồi sau đó vợ chồng cũ gặp lại nhau, nhưng một sự cố xảy đến khiến bà vợ cùng người chồng cũ và mới chết thảm. Ngọc Hoàng cảm kích trước nghĩa tình của cả 3 người nên phong thần cho họ là Táo Quân. 

Câu chuyện thật hay và dù là sự bi thảm về những cái chết nhưng cái kết có hậu đã kích thích đám trẻ chúng tôi. Lúc đó nông thôn hay dùng những ông đầu rau bằng đất nặn. 3 ông đầu rau bằng đất hay là cái kiềng gang 3 chân chính là những vị thần mà chúng tôi được nghe kể. Buồn cười là bây giờ có kể cho trẻ con nghe về sự tích ông đầu rau thì cũng chẳng tìm được đâu ra “hiện vật” để minh họa nữa.

Đồ bếp thay đổi nên những ông đầu rau bằng đất có lẽ đã tuyệt diệt. Kiềng sắt, kiềng gang 3 chân cũng chỉ còn có ở nông thôn. Thành phố dùng bếp ga còn dễ hình dung hơn chút bởi có kiềng liền ở bếp với 3 chấu nhô lên, nhưng với bếp từ thì coi như "bó tay", chẳng thể thực chứng bởi mặt bếp phẳng lỳ.

Nói đến cúng Ông Công, Ông Táo nhất thiết phải đủ mọi lệ bộ lễ vật. Thời bao cấp vàng mã không đầy đủ và kích rích như bây giờ. Lễ vật ngoài mâm cúng mặn, cá thật hoặc cá giấy, nhất thiết phải có 3 bộ quần áo giấy, 2 mũ cánh chuồn cho 2 Táo ông và 1 mũ cho Táo bà - không cánh chuồn. Hia hài phải đủ. Vàng mã thì tất nhiên không thể thiếu cho mọi lễ lạt, cầu cúng.

Tôi nhớ dạo đó đã có lệ phóng sinh cá. Bây giờ thì việc phóng sinh còn cách rách hơn nhiều. Cá phải tìm cho bằng được cá chép. Mà không phải loại cá bé hin hin như trước, nhiều nhà  còn tìm mua bằng được con cá chép rõ to, nằm lừ ngừ trong chậu lớn. Hình như đời sống cao dần lên thì ý thức tâm linh cũng theo tỷ lệ thuận thì phải...

Vào những ngày này, thành phố nghi ngút hương khói. Các hộ trong phố cũ, phố cổ bày biện lễ lạt, thậm chí là cả mâm cúng ra ngoài cửa. Việc cúng cũng không nhất quán. Có nhà quan niệm cúng Ông Công, Ông Táo ở ngay trong bếp nhưng lại có lập luận phản biện là phải cúng ở ban thờ gia tiên. Lại có nhà cúng di động ở chỗ thuận tiện cho nhà mình. 

Ngày 23 tháng Chạp tầm gần trưa là nhà nhà hóa vàng. Khói hương dậy mùi, vàng mã đốt sực cả phố. Còn các hồ ao thì... túi nilon đựng cá phóng sinh lập lờ, nổi kín mặt nước. Và "thảm họa" là những con cá sống bị đánh bắt, nhốt chậu yếu đi nhiều, khi được thả về lại môi trường sống thì chúng đã gần như kiệt sức. Thế mới có chuyện là sau ngày cúng Ông Công, Ông Táo cá chết nổi nhiều ở các ao hồ.

Mỗi tục lệ có những nét hay riêng. Kết quả hóa việc Táo Quân bay lên trời để báo cáo công việc một năm là một việc độc đáo. Nó mang tính tổng kết những gì làm tốt, cả những gì thất bát của năm qua để cầu mong mọi sự tốt lành sẽ đến với năm mới.

Đương nhiên là những gì không hay, xui xẻo sẽ được tránh đi không còn quay về. Thế nên nhà đài VTV đã biết tranh thủ sự độc đáo này để khai thác dài kỳ chương trình hài Táo Quân đêm 30 Tết. Món ăn đó đánh trúng tâm lý và thị hiếu của mọi người nên đã trở thành “đặc sản”. Thế nhưng, cuộc sống luôn vận động và sự kết thúc của Táo Quân cũng là điều hợp lý bởi sẽ có những chương trình khác thay thế hoàn hảo hợp với nhu cầu cuộc sống.

Nhưng dù có thế nào thì ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ngày ông Táo lên trời là một tập tục mà dù cuộc sống hiện đại đến đâu cũng không làm thay đổi. Và có lẽ cũng không cần phải thay đổi khi đó là một nét đẹp của tâm linh cũng như cuộc sống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top