Trong kí ức của người dân Việt Nam, những bộ phim do VFS sản xuất đã từng lấy đi rất nhiều nước mắt, đó là những cái tên như Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng 10... Còn đối với những người nghệ sỹ, diễn viên, mỗi tác phẩm họ sáng tạo, mỗi vai diễn họ hóa thân đều là những đứa con tinh thần, là một phần xương máu.
Chia sẻ trong buổi họp báo mới đây tại trụ sở Hội Điện ảnh Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), nhiều nghệ sỹ, diễn viên điện ảnh "cây đa cây đề" đều rơi nước mắt khi nhắc đến địa chỉ ngôi nhà số 4 Thụy Khuê, nơi họ đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật và cũng là nơi cho họ danh hiệu, giải thưởng, tình cảm anh em.
NSND Trà Giang người từng ghi dấu ấn sâu đậm với khán giả trong nhiều bộ phim lịch sử kinh điển của VFS chia sẻ, từ năm 1961 khi bà mới ra trường, xưởng phim đã tiếp nhận ngay những diễn viên trẻ như bà và đồng nghiệp. Hơn 20 năm công tác tại hãng phim là bấy nhiêu tình cảm bà dành cho hãng.
"Còn nhớ có những bộ phim được mang vào chiếu cho Bác Hồ xem, những phim về thời chiến tranh ác liệt, chính thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng qua thăm và động viên tỏ rõ sự quan tâm đến diễn viên và ngành điện ảnh.
Cho đến nay, tôi vẫn tin rằng, điều tồn tại ý nghĩa trong lòng khán giả là hơn 400 bộ phim được thực hiện tại ngôi nhà số 4 Thụy Khuê. Những tác phẩm điện ảnh này chính là xương máu, là tình cảm của nhiều thế hệ nghệ sỹ chung tay với nhau", NSND Trà Giang nghẹn ngào chia sẻ.
Cũng tại buổi họp báo, nhà Văn Chu Lai nhấn mạnh rằng, ngôi nhà số 4 Thụy Khuê chứa đựng những con người, những nhân vật mà lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi. Nơi đây đã chứng kiến thăng trầm của lịch sử dân tộc và là giá trị tinh thần của một nền văn hóa. Đó là hồn vía của một nền văn hóa, là giá trị tinh thần của sức mạnh dân tộc trong lúc nước sôi lửa bỏng. Những bộ phim hình thành từ ngôi nhà này đã ngấm vào mạch máu của mỗi khán giả, mỗi nghệ sỹ và trở thành kỷ niệm của nhiều người dân Việt Nam.
Theo nhà văn Chu Lai: “Có những đạo diễn, biên kịch lang thang dưới mưa, đi suốt đêm lóe lên ý tưởng thì ý tưởng đó là vô giá. Đây là sự lao động âm thầm và cô đơn, không phải lao động sủi bọt trên sông nước. Một lao động cao quý và một lao động cơ bắp, nội tâm và cơ học không đánh đồng được.
Số 4 Thụy Khuê không phải một địa chỉ bình thường mà thay mặt cho đạo lý dân tộc, chuyển hóa tất cả sinh tử sống còn của một thời kỳ ác liệt thành sức mạnh và giá trị tinh thần. Rồi tất cả sẽ qua đi, năm tháng sẽ qua đi, các cuộc cách mạng sẽ im ắng dần, chiến tranh thôi gào thét, chỉ còn lại văn hóa và tình anh em, tình người là trường tồn”.
Cũng chia sẻ cảm xúc của mình, NSND Đoàn Dũng cho biết, nền điện ảnh Việt Nam có được như ngày hôm nay đều xuất phát từ ngôi nhà số 4 Thụy Khuê. Tại đây, nhiều thước phim đã ghi vào lịch sử điện ảnh nước nhà. Biết bao nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam ghi danh trên thế giới, biết bao thước phim quý hơn vàng. Hàng trăm nghệ sỹ đã đổ máu để làm nên những thước phim có giá trị. Nhiều NSƯT, NSND và biết bao người tâm huyết, chìm đắm, lao tâm khổ tứ cho nền nghệ thuật điện ảnh của Việt Nam đều xuất phát từ ngôi nhà này.
Từ nơi này, biết bao thước phim tư liệu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam có bóng dáng của những bà má đồng khởi, chiến đấu và làm nên lịch sử, biết bao thước phim “vàng” được hình thành. Đây là những tư liệu quý giá cho thế hệ sau và sẽ còn tồn tại đến hàng nghìn, hàng trăm năm nên phải được ghi nhận, lưu giữ.
Ông cũng khẳng định: “Nghệ sỹ chúng tôi trưởng thành, có được ngày hôm nay là từ ngôi nhà này. Vật chất rất quý nhưng không thể nào thay thế giá trị tinh thần, nếu không sẽ giết chết nền nghệ thuật đang cần phải củng cố thêm”.