Aa

“Hợp đồng giả cách“ và giới hạn của lòng tham

Thứ Ba, 18/04/2023 - 06:12

Vụ án liên quan đến ông chủ của Tân Hiệp Phát vốn được coi là “đại gia tiền mặt” khiến dư luận lại nhắc lại khái niệm "hợp đồng giả cách", còn tôi thì nhớ đến “chiếc chén bí ẩn” cảnh báo về giới hạn của lòng tham.

1. Dư luận mấy ngày nay râm ran về việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam ông Trần Quí Thanh, thường gọi là Dr. Thanh, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Cùng bị khởi tố với ông Thanh còn có hai con gái là Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Trần Ngọc Bích; trong đó bà Phương cũng bị bắt tạm giam cùng ông Trần Quí Thanh.

Theo báo Tuổi trẻ, từ cuối năm 2020 đã có nhiều cá nhân tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng hai con gái "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "cưỡng đoạt tài sản"… Cơ quan công an đã đề nghị ngăn chặn hàng loạt bất động sản liên quan tới bà Trần Uyên Phương tại TP.HCM, Đồng Nai và đến tháng 3/2021 thì khởi tố vụ án liên quan đơn tố cáo gia đình ông Thanh. Cuối năm 2022, cơ quan công an tạm đình chỉ vụ án vì hết thời hạn điều tra và cần làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác giám định, trong đó có việc cần làm rõ giám định thiệt hại liên quan đến những vấn đề bị tố cáo.

Sau 3 năm điều tra, ngày 8/4/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với ba cha con ông Thanh và ngày 10/4, sau khi được Viện KSND Tối cao phê chuẩn, cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam với hai cha con ông Thanh và khám xét nơi ở, chỗ làm việc của cả ba cha con.

tân hiệp phát
Các bị can (từ trái qua phải): Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. (Ảnh: Bộ Công an)

Theo Bộ Công an, đến nay đã có đủ căn cứ xác định hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.

2. Cụ thể hơn, theo thông tin trên báo chí, một số người nộp đơn đến công an tố cáo về việc họ có vay tiền của cha con ông Thanh và ký "hợp đồng giả cách" chuyển nhượng bất động sản hoặc dự án bất động sản, nhưng sau đó "giả biến thành thật", bị mất luôn các tài sản này. Trong đó có ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai tố cáo bị chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.

Thông tin ban đầu chỉ có thể đề cập đến thế. Sự thật như thế nào phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an và nhất là việc xét xử của tòa án.

Tuy nhiên, sự việc này đã làm nóng lại câu chuyện "hợp đồng giả cách" vốn nhức nhối lâu nay mà trong đó, không ít người chỉ vì quá tin nhau hay có việc nước sôi lửa bỏng cần tiền gấp phải vay nóng đã lập "hợp đồng giả cách" để rồi sau đó chỉ cần quá hạn một ngày chưa kịp trả là có thể mất trắng cả khối tài sản lớn; có người đòi lại được và tất nhiên kẻ chiếm đoạt cũng phải vào tù ra tội.

Vậy "hợp đồng giả cách" là gì mà nó lại có thể khuynh đảo nhân tình thế thái đến thế?

3. Theo giới luật sư, pháp luật Việt Nam hiện chưa có khái niệm cụ thể về "hợp đồng giả cách". Tuy nhiên, có thể căn cứ vào khái niệm "giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo" quy định tại Điều 124 trong Luật Dân sự 2015 và xuất phát từ thực tế, thì "hợp đồng giả cách" được hiểu là hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm mục đích che giấu đi một hợp đồng khác và thông qua hợp đồng đó để trục lợi, chiếm đoạt tài sản khi có sự vi phạm nghĩa vụ về hợp đồng.

Theo giới luật sư, "hợp đồng giả cách" được thực hiện trong nhiều tình huống, như khi mua bán nhà khai thấp so với giao dịch thực tế để trốn thuế…, nhưng hay gặp và cũng gây hệ lụy lớn nhất thường là trường hợp khi giao dịch dân sự vay tài sản. Chẳng hạn, một người cần gấp một khoản tiền lớn phải vay lãi suất cao. Nhưng cho vay lãi suất quá cao sẽ vi phạm pháp luật với tội danh cho vay nặng lãi được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Vì vậy, người cho vay thường yêu cầu người đi vay ký hợp đồng mua bán tài sản (thường là giao dịch chuyển nhượng bất động sản) với giá chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế và cũng lớn hơn nhiều số tiền cho vay, chứ không phải ký hợp đồng vay tài sản như thực tế. Hoặc nếu có ký hợp đồng vay tài sản như thực tế, thì hợp đồng này chỉ có một bản và sẽ do bên cho vay giữ, để phòng bên vay tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Khi đó, hợp đồng mua bán tài sản được gọi là "hợp đồng giả cách" để che đậy hợp đồng thực tế là vay tài sản.

Khi đến hạn trả nợ, bên đi vay chưa trả kịp, hoặc bên cho vay cố tình tạo ra tình huống trả nợ không đúng hạn, "hợp đồng giả cách" sẽ nghiễm nhiên "biến thành thật" và bên cho vay sẽ chiếm đoạt bất động sản ghi trong "hợp đồng giả cách".

Theo các chuyên gia, thường có hai tình huống xảy ra trong việc "biến giả thành thật" này. Trường hợp thứ nhất: Bên cho vay có ý thức và hành vi chiếm đoạt tài sản ngay từ trước khi bên vay giao tài sản theo "hợp đồng giả cách"; khi đó sẽ bị khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp thứ hai: Sau khi được giao tài sản bên cho vay mới nảy sinh lòng tham và thực hiện hành vi chiếm đoạt; khi đó sẽ bị khép vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng cho dù là thực hiện theo cách nào thì cũng đều xuất phát từ lòng tham.

4. Nói về lòng tham, giáo lý Đạo Phật cho rằng "Nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 việc mà ra: Tham, sân, si". Trong đó, tham đứng hàng đầu, tuy nhiên phàm là con người ở đời, ai cũng có lòng tham. Từ chữ tham mới nổi lên sân hận, mới khiến con người si mê u tối, từ đó gây nên nghiệp ác. (theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam).

Còn ngạn ngữ phương Tây thì ví lòng tham của con người cũng giống sự hận thù, nó như ngọn lửa cần thiêu đốt mọi vật để duy trì và lớn lên, cho đến khi không còn gì để đốt nữa thì nó sẽ thiêu cháy luôn chính bản thân mình. Bởi vậy, lòng tham thường gây tác hại khôn lường, không phải chỉ cho người bị chiếm đoạt tài sản mà còn cho chính kẻ đi chiếm đoạt, nhiều khi không chỉ mất những thứ chiếm đoạt một cách bất minh mà còn mất luôn cả những thứ đã có được trước đó, kể cả danh dự và nhân phẩm.

Chính vì vậy, các nhà hiền triết thời cổ đại đã từng chế ra chiếc chén (hoặc chiếc bình) mà nếu chỉ đổ nước vào khoảng hai phần ba chén thì nước vẫn giữ được trong đó; nhưng nếu tham lam cố đổ cho đầy thì tất cả nước trong chén sẽ chảy hết ra ngoài. Có người nói chiếc chén là do Khổng Tử chế ra (vì thế còn gọi là "chén Khổng Tử"), lại có sách cho rằng đó là chiếc bình do nhà toán học Pitago chế ra… Nhưng cho dù người chế tác là ai thì cũng đều chứa đựng thông điệp khuyên con người ta phải biết điểm dừng, phải biết tiết chế, trong đó quan trọng nhất là tiết chế lòng tham. Vì vậy mà một số người gọi là chiếc chén "tám phần" hoặc chiếc chén "tham thì thâm".

chiếc chén bí ẩn
Mô hình "chiếc chén bí ẩn". (Đồ họa: Thế Công)

Chiếc chén ấy thực ra không có gì bí ẩn, mấu chốt ở đây là một đường ống dạng xi phông hoạt động theo nguyên lý bình thông nhau. Để đơn giản hóa, hãy hình dung thế này: Trong lòng chiếc chén có một ống thủy tinh uốn vòng dạng chữ U hoặc chữ alpha úp ngược. Chiếc ống thủy tinh này cũng không có gì đặc biệt, mà mấu chốt là chiều cao của ống chỉ bằng 8/10 chiều cao của chén và phần đáy chữ U quay lên trên, cách miệng chén khoảng 2/10 chiều cao của chén. Hai đầu ống thủy tinh đều hở, một đầu đặt bên trong sát với đáy chén, một đầu chui qua đáy chén ra ngoài sát với phần trôn chén (đáy chén phía ngoài). Như vậy, hai đầu ống một bên trong một bên ngoài và có chênh về độ cao bằng với độ dày của đáy chén.

Khi đổ nước vào chén, nước sẽ qua phần miệng ống bên trong dâng lên cùng mực nước trong chén, nhưng nếu chưa ngập phần đáy chữ U, tức ở dưới 8/10 chiều cao của chén thì chén vẫn giữ được nước. Nhưng nếu tham lam đổ đầy chén, nước sẽ dâng lên trong ống thủy tinh qua phần đỉnh (8/10) và chảy sang phần ống bên kia thoát ra ngoài. Và theo nguyên lý bình thông nhau, nước sẽ chảy ra ngoài không phải đến điểm 8/10 thì dừng mà chảy ra ngoài cho đến giọt cuối cùng. Ai đã từng dùng ống nhựa hút rượu từ chiếc bình to ra ngoài thì hình dung ngay ra điều này.

5. Lòng tham của con người là khó tránh nhưng điều có thể hạn chế được hậu quả của lòng tham là phải biết điểm dừng. Nếu không, người chịu thiệt hại cuối cùng và lớn nhất lại chính là kẻ tham lam, nhiều khi sẽ mất tất cả, không phải chỉ là của cải mà đau đớn hơn có khi thân bại danh liệt và mất đi gia đình ấm êm.

Chính vì vậy, ở đoạn trên tôi tả khá chi tiết về chiếc chén Khổng Tử, với mong muốn có ai đó khôi phục lại việc sản xuất chiếc chén (hoặc chiếc bình) "bí ẩn" này, cho con người có thể lấy đó tự răn mình, đừng để chỉ vì "tham thêm một giọt nước" mà làm mất luôn cả chén nước, thậm chí mất luôn cả bể nước, nhưng đến khi hối ra thì đã muộn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top