Aa

HueWaco thay nhân sự, bổ nhiệm mới Chủ tịch HĐQT: Kỳ vọng ứng xử có trách nhiệm

Thứ Bảy, 04/12/2021 - 16:27

Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế, doanh nghiệp quan trọng của tỉnh vừa bổ nhiệm nhân sự mới nắm phần vốn Nhà nước để bầu giữ vị trí cao nhất - Chủ tịch HĐQT công ty.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có các quyết định bổ nhiệm, thay đổi vị trí lãnh đạo hai cơ quan, doanh nghiệp quan trọng của tỉnh là Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh và Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWaco).

Ông Lê Quang Minh (trái), người được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương (phải) bổ nhiệm nắm 51% vốn nhà nước để bầu Chủ tịch HĐQT mới của HueWaco

Lãnh đạo Quỹ Đầu tư phát triển làm lãnh đạo HueWaco

Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương vừa trực tiếp trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, được cử làm người đại diện nắm giữ 51% trên tổng số phần vốn Nhà nước để bầu vào Hội đồng Quản trị (HĐQT) và bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT HueWaco, thay ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty HueWaco nghỉ hưu theo chế độ.

Nhiệm kỳ người đại diện phần vốn Nhà nước tại HueWaco được quy định tại khoản 2, Điều 154 của Luật Doanh nghiệp ngày 17/6/2020 (Nhiệm kỳ của thành viên HĐQT không quá 5 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 2 nhiệm kỳ liên tục).

Được biết, ông Lê Quang Minh (sinh năm 1971), quê quán TP. Vinh, Nghệ An. Ông Minh có trình độ chuyên môn cử nhân kinh tế công nghiệp, thạc sĩ kinh tế nông nghiệp, lý luận chính trị cao cấp. Ông Minh từng làm Trưởng Phòng Tài chính và Trưởng Phòng Tổng hợp UBND tỉnh. Do HueWaco là doanh nghiệp lớn và quan trọng của tỉnh Thừa Thiên - Huế nên vấn đề nhân sự lãnh đạo chủ chốt đối với doanh nghiệp này được lãnh đạo tỉnh quan tâm và lựa chọn kỹ lưỡng.

Đại diện một số cơ quan chức năng tỉnh, huyện, xã được mời tham quan Nhà máy nước Chân Mây sau khi gây ra “nước đục” trên toàn mạng (Ảnh: Đình Toàn)

Tại lễ công bố quyết định diễn ra chiều ngày 2/12 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đã trao quyết định bổ nhiệm và chúc mừng bà Tôn Thị Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Phú Xuân Huế (BIDV) giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh; bà La Thị Ngọc Tình, Phó Trưởng ban Ban Tiếp công dân tỉnh, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Thời hạn giữ chức vụ đối với bà Nga và bà Tình là 5 năm, kể từ ngày 1/12/2021 đến ngày 30/11/2026.

Trao quyết định cho các cá nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chúc mừng và đánh giá cao năng lực, trách nhiệm của các vị trí nhân sự, đồng thời mong muốn các vị lãnh đạo vừa được bổ nhiệm phát huy năng lực, sở trường của mình, đặc biệt nêu cao tinh thần đoàn kết để cùng tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh và HueWaco ngày càng phát triển.

HueWaco không ra quyết định giải quyết khiếu nại

Như Reatimes đã có nhiều bài phản ánh gần đây, HueWaco là doanh nghiệp đã cổ phần hóa (năm 2017) và Nhà nước nắm 51% cổ phần. Có thể nói trong 4 năm qua, HueWaco đã có những bứt phá đáng kể, với những con số kết quả ấn tượng như công ty này công bố: Sản lượng tăng 8,69 triệu m3 (19,02%); tổng doanh thu tăng 141,71 tỷ đồng (31,9%), đặc biệt nộp ngân sách tương ứng với cổ tức của phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần tăng 115 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với năm 2016; lợi nhuận tăng từ 20,71 tỷ đồng lên 95,38 tỷ đồng/năm (tăng 4,6 lần).

Trước cổ phần hóa, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ 2%, đến nay, tỷ lệ chi trả cổ tức tăng đều qua các năm, tăng 3,7 lần so với trước cổ phần hóa (năm 2017: 5,75%, năm 2018: 6,5%; năm 2019: 8,02% và năm 2020: 8,75%).

Đại diện hàng trăm hộ khách hàng ở xã Lộc Thủy, H. Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi đơn khiếu nại cho HueWaco từ đầu tháng 8/2021 đến nay đã quá thời hạn khá lâu nhưng công ty không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại (Ảnh: Đình Toàn)

Sau 4 năm cổ phần hóa, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị cũng được chú trọng nâng cấp, đầu tư như số đấu nối tăng hơn 45.000 (18,7%), diện cấp nước mở rộng toàn tỉnh không chỉ ở đô thị mà còn vươn xa đến nông thôn, miền núi với hơn 5.100km đường ống, đã cấp nước an toàn cho hơn 93% (tăng 11% tương ứng 200.000 dân so với năm 2016) dân số toàn tỉnh với hơn 1 triệu dân.

Tuy nhiên cùng với những con số ấn tượng này, HueWaco cũng đã khiến dư luận bất ngờ và nhất là những bức xúc từ hàng vạn khách hàng, chính quyền, ban ngành địa phương ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khi đã tự ý lấy nước sông nhiều nguy cơ ô nhiễm để cung cấp cho khách hàng dưới danh nghĩa “nước sạch”, “nước an toàn” kể từ năm 2019.

Hồi giữa năm 2021, hệ thống cấp nước từ Nhà máy Nước Chân Mây (thuộc HueWaco) cho toàn bộ khoảng 8.500 hộ khách hàng thuộc 3 xã, 1 thị trấn trong khu vực xuất hiện tình trạng nước bị nhiễm bẩn, đen nghịt, cặn bã, bùn đất… Người dân và báo chí (trong đó có Reatimes) vào cuộc điều tra, phát hiện việc HueWaco đã dùng phần lớn nguồn nước từ sông Thừa Lưu để cung cấp cho khách hàng mà chưa được cấp phép từ bất cứ cơ quan chức trách nào, nhất là sự đồng ý của khách hàng - đối tượng trả tiền mua “nước sạch”, trong khi đó HueWaco lý giải là do sự cố hư hỏng hạ tầng bể lọc gây nên hiện tượng “nước đục”.

Sau khi dư luận bức xúc phản ánh, khiếu nại thì đã có hàng loạt động thái đối phó từ phía HueWaco, từ ứng xử hành chính đến xử lý truyền thông. Trước những bức xúc từ phía người dân - khách hàng cùng những dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm về an ninh nguồn nước, Reatimes đã phản ánh, phân tích, phản biện nhằm có cái nhìn khách quan, đa chiều, qua đó giúp đảm bảo quyền lợi, củng cố niềm tin khách hàng với HueWaco cũng như khắc phục những khuyết điểm, yếu kém.

Tiếc thay đến giờ, Reatimes vẫn chưa nhận được những phản hồi chính thức nào từ HueWaco. Còn với người dân, những đơn thư khiếu nại của hàng trăm, ngàn khách hàng, họ vẫn chưa nhận được quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền là HueWaco cũng như trả lời, hướng dẫn, giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khiến khách hàng đến nay vẫn mỏi mòn chờ đợi.

Trong khi đó, một luật sư tại TP. Huế (không muốn nêu tên) cho rằng, cách giải quyết của HueWaco đối với khiếu nại khách hàng vừa thiếu tôn trọng vừa vi phạm pháp luật về khiếu nại.

Cụ thể, theo Điều 28 của Luật Khiếu nại Quốc hội ban hành năm 2011, quy định “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Kỳ vọng xử lý rốt ráo vụ HueWaco cấp “nước bẩn”.

Trước thông tin HueWaco có lãnh đạo mới, nắm giữ vị trí cao nhất điều hành công ty, đông đảo khách hàng, người dân tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (4 xã, thị trấn phía Nam tỉnh) bày tỏ sự kỳ vọng vào những thay đổi, phát triển của công ty này trong giai đoạn mới.

Đặc biệt họ mong muốn, kỳ vọng vào sự thay đổi trong cấp nước an toàn, nhất là Khu kinh tế quan trọng của tỉnh ở Chân Mây - Lăng Cô; thay đổi phương thức ứng xử văn minh, tôn trọng khách hàng hơn, tránh lặp lại cách ứng xử, xử lý khiếu nại gây bức xúc cho đông đảo khách hàng như thời gian vừa qua sau vụ việc HueWaco cấp nước bẩn cho hàng vạn khách hàng.

Sau sự đấu tranh quyết liệt, HueWaco buộc lòng tháo dỡ hệ thống ống hút trên sông Thừa Lưu có nhiều nguy cơ ô nhiễm (Ảnh: Đình Toàn)

Ông Trần Bá Ngọc, một trong những người đại diện cho các hộ dân ở thôn Thủy Yên, xã Lộc Thủy có đơn khiếu nại HueWaco chia sẻ, HueWaco đã không thỏa thuận với khách hàng khi tự ý lấy nước sông nguy cơ ô nhiễm cao gây ra việc cung cấp “nước bẩn” cho hàng vạn khách hàng nhưng lại không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo luật định.

Đồng thời, HueWaco tự đưa ra cách xử lý bằng việc xin lỗi khách hàng, tự áp mức không thu 100% tiền nước trong tháng 8/2021 và xem đó là “đền bù” thiệt hại cho khách hàng. Cách giải quyết này được HueWaco đăng lên FanPage mạng xã hội của công ty, như một cách giải quyết sự đã rồi, mà không đối thoại, không thỏa thuận, không có quyết định bởi cơ quan chức trách và nhất là không ai chịu trách nhiệm kỷ luật sau tất cả những gì xảy ra. Điều này đã gây ảnh hưởng sức khỏe, quyền lợi của khách hàng, là kiểu ứng xử kiểu “cửa trên”, tùy tiện và khó có thể chấp nhận.

“Do tình hình dịch bệnh Covid -19 kéo dài trong gần nửa năm qua nên việc khiếu nại đòi quyền lợi của đông đảo khách hàng chúng tôi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên lợi dụng tình hình này HueWaco không giải quyết đối thoại, mà gửi thông báo xin lỗi, tự áp phương thức không thu tiền 1 tháng cho khách hàng qua mạng internet là điều khó thể chấp nhận được.

Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục đấu tranh, chờ cách xử lý rốt ráo của HueWaco và cơ quan chức năng về những khiếu nại của chúng tôi”, ông Trần Quỳnh, thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy bày tỏ.

“Không chỉ vậy đâu, HueWaco nói là đền bù khách hàng không thu tiền 1 tháng trong tháng 8, nhưng những tháng sau, tháng 9, tháng 10 lại thu tiền tăng gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 5 lần. Khi chúng tôi phản ánh thì nhân viên đến nhà, bảo là tính nhầm rồi bỏ đi đến giờ vẫn chưa thanh toán”, ông Nguyễn Hùng, người dân thôn Phú Cường Xuyên, xã Lộc Thủy phản ánh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top