Aa

HueWaco tìm mọi cách “đánh bùn sang ao”?

Thứ Ba, 17/08/2021 - 15:30

Người dân 3 xã và thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) vẫn bất an khi sử dụng nguồn nước do HueWaco cung cấp. Nhiều hộ dân quay lại sử dụng nguồn nước khe, nước suối, nước ngầm như 20 năm trước, dù nước "đã trong hơn".

Quá trình thu thập thông tin sự việc hàng vạn người dân, doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể ở Khu kinh tế Chân Mây uống nước nhiễm bẩn, PV Reatimes đã phát hiện HueWaco sử dụng nhiều chiêu thức để lừa dối, qua mặt người dân và các cơ quan chức năng ở Thừa Thiên - Huế.

Như Reatimes đã thông tin, trong gần 3 tuần qua, từ cuối tháng 7 đến nay, khoảng 8.500 hộ dân, khách hàng với hàng vạn con người ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) không chỉ gian nan ứng phó với dịch bệnh Covid-19, mà phải trải qua vấn nạn thiếu nước sạch sau khi nguồn nước do Nhà máy nước Chân Mây, thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWaco) bị nhiễm bẩn. Nhiều hộ dân đã trở lại việc lấy nước giếng, nước ngầm, nước suối chưa qua xử lý để ăn uống, với những nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe.

Phóng viên Reatimes tác nghiệp tại khu vực có hệ thống diệt khuẩn, khử mùi, khuấy trộn tĩnh ban đầu cấp ra bể điều tiết vừa được lắp

Dùng nước sông cấp thẳng vào bể điều tiết

Nhà máy nước Chân Mây được HueWaco tiếp quản từ Ban quản lý dự án Chân Mây - Lăng Cô vào năm 2001. Theo công ty này, trong 20 năm đã nhiều lần hạ tầng kỹ thuật của nhà máy, như bể điều tiết (bể sơ lắng), khu xử lý, bể chứa, xây dựng đập… được sửa chữa và lần gần đây nhất là vào năm 2019, với tổng kinh phí khoảng 23 tỷ đồng.

Năm 2019 cũng là năm mà HueWaco bắt đầu sử dụng nguồn nước sông Thừa Lưu như một giải pháp tình thế trong tình hình mà doanh nghiệp này lý giải là để bổ sung nguồn nước chính cấp vào Nhà máy nước Chân Mây đã bị suy giảm “do biến đổi khí hậu”; cùng với đó là các nguồn nước suối, thác đầu nguồn ở vùng lân cận nhà máy trong kế hoạch bổ sung cho nhà máy xảy ra tranh chấp với người dân, hoặc chưa tìm được sự đồng thuận từ người dân nên chưa có nguồn cấp.

Người dân các xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh quay lại lấy nguồn nước ngầm từ vùng núi Thủy Dương (Lộc Tiến) để ăn uống sinh hoạt từ cuối tháng 7 đến nay như chưa từng có nước sạch. (Ảnh: Đình Toàn)

Vị trí sông Thừa Lưu mà HueWaco lấy nước (nguyên liệu) cấp vào nhà máy nằm ở hạ nguồn dòng sông thuộc thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc. Nơi đây xuất hiện nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước như chất thải sinh hoạt, thuốc trừ sâu do ruộng đồng bao bọc và cả tác động môi trường, ảnh hưởng mạch nước ngầm do thường xuyên nổ mìn khai thác đá của mỏ đá gần ví trí HueWaco hút lấy nước. Ngày 11/7/2019, HueWaco đã lắp đặt tuyến ống dài hơn 550m lấy nước ở sông Thừa Lưu cấp lên bể chứa với lưu lượng 63m3/giờ. Vào thời điểm đó, HueWaco xem đây là giải pháp tình thế, là “phương án xử lý khẩn cấp” cho việc thiếu hụt nguồn nước nguyên liệu cấp cho Nhà máy nước Chân Mây.

Đáng chú ý là ngay sau khi thấy Nhà máy nước Chân Mây hút nước sông Thừa Lưu ở vị trí có nhiều yếu tố gây ô nhiễm để cung cấp cho khách hàng, chính người dân Lộc Tiến là những người phản ứng, phản đối. Thế nhưng những lo toan của một số người dân vào thời điểm ấy nhanh chóng bị lướt qua bởi một vài kiểm nghiệm được công bố, một vài bài báo trên một số tờ báo nội dung y hệt nhau để “an dân”. Không một cuộc kiểm tra, thanh tra, đánh giá toàn diện đầy đủ toàn bộ các chỉ tiêu chất lượng nước sạch, nước sinh hoạt được Bộ Y tế quy định. Từ đó, nguồn nước sông Thừa Lưu được lấy bao nhiêu, công nghệ xử lý ra sao và tỷ lệ pha trộn với nước suối thế nào… sau khi có biến đổi về nguồn nước nguyên liệu, chỉ có HueWaco mới biết.

Hệ thống khuấy trộn tĩnh xử lý diệt khuẩn khử mùi nước đầu nguồn sông Thừa Lưu mới toanh. (Ảnh: Đình Toàn)

Theo HueWaco, nguồn nước lấy từ sông Thừa Lưu cấp lên bể chứa điều tiết có dung tích 12.600m3 để hòa cùng nước của suối Voi và suối Bồ Ghè (Pauger) nằm ở núi Thủy Dương (xã Lộc Tiến) với tỷ lệ 3:7 (năm 2019 tỷ lệ nước sông Thừa Lưu hòa với nước Khe Mệ và Bồ Ghè là 1:5). Sau khi sử dụng thêm nước sông Thừa Lưu, HueWaco đã điều chỉnh công nghệ xử lý nước để phù hợp với đặc điểm nguồn nước. Cụ thể là lắp đặt thêm hệ thống khuấy trộn tĩnh, công nghệ châm than hoạt tính và Javel đầu nguồn để diệt khuẩn, khử mùi, ô xy hóa các chất vô cơ hữu cơ; lắp đặt hệ thống châm PAC (Poly Aluminium Chloride) để keo tụ thành phần cặn có trong nước… “đảm bảo nước sau xử lý có chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”.

Tuy nhiên, những giải thích trên đây khác hẳn những gì mà PV Reatimes ghi nhận. Đó là nước sông Thừa Lưu được hút lên cấp thẳng vào bể điều tiết 12.600m3 chứ không qua hệ thống xử lý, khuấy trộn tĩnh ban đầu như HueWaco thông tin với 8.500 hộ khách hàng, cơ quan truyền thông lẫn cơ quan chức năng. Hệ thống xử lý, khuấy trộn tĩnh, công nghệ châm than hoạt tính và Javel đầu nguồn để diệt khuẩn, khử mùi… (tạm hiểu là hệ thống “khử độc”) chỉ được lắp sau khi người dân phát hiện nguồn nước sạch, nước sinh hoạt nhiễm bẩn với mức độ “không thể tưởng tượng nổi” (từ mà Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc đã dùng khi nói về vấn đề này), cũng như bày tỏ sự phẫn nộ do 3 năm qua uống nước sông Thừa Lưu mà không hay biết.

Hệ thống xử lý nước sông lắp đặt vội vàng?

Cho đến hôm nay 17/8, dù vào cuộc xử lý, khắc phục “sự cố” muộn so với kỳ vọng của người dân, cơ quan chức năng, nhưng hơn 2 tuần qua HueWaco đã khắc phục tình trạng nước nhiễm bẩn (công ty gọi là “sự cố nước đục”). Bước đầu tình trạng nước bẩn nhìn bằng mắt thường có cải thiện (nước trong hơn), nhưng đánh giá tổng quát và sự kiểm nghiệm độc lập chất lượng nước sạch, độ an toàn nguồn nước từ cơ quan có thẩm quyền là chưa, nên phần lớn người dân 3 xã và thị trấn Lăng Cô vẫn bất an; nhiều hộ dân vẫn quay lưng với nguồn nước của HueWaco; hàng ngàn người hằng ngày quay lại sử dụng nguồn nước khe, nước suối, nước ngầm như 20 năm trước.

Hình ảnh ghi nhận tại nhà bà Hà Thị Dậu, ở 540 đường Lạc Long Quân, thị trấn Lăng Cô ngày 7/8, sau khi HueWaco tiến hành súc rửa toàn bộ hệ thống đường ống ứng phó “sự cố”. (Ảnh: Đình Toàn)

Đáng chú ý, trong một nỗ lực nhằm “an dân” và thuyết phục cơ quan chức năng, lãnh đạo HueWaco với người đứng đầu công ty là ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWaco, đã chủ trì tổ chức một đoàn “tham quan” Nhà máy nước Chân Mây hôm 5/8. Đoàn gồm lãnh đạo chính quyền xã Lộc Vĩnh, xã Lộc Thủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh; đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, cùng đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, thuộc Sở Y tế tỉnh; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc và một số ít người dân xã Lộc Thủy có đơn khiếu nại HueWaco về hành vi cấp nước bẩn cho khách hàng.

Tại Nhà máy nước Chân Mây, ông Trương Công Nam đã thuyết trình, hướng dẫn cho đoàn một số hạ tầng kỹ thuật cơ bản, phương thức, quy trình lấy nước, xử lý và cấp nước tại Nhà máy nước Chân Mây. Qua đó, lãnh đạo HueWaco khẳng định “sự cố nước đục” từ nguồn nước do Nhà máy nước Chân Mây cấp là do sự xuống cấp bể lọc số 2, một trong 5 bể lọc của nhà máy. Cụ thể là bể lọc số 2 bị mục phía đáy bể lọc ở độ sâu 2m, làm mất liên kết với phần đan lọc inox. Phần bông cặn chưa được lọc đã đi xuyên qua chỗ hỏng vào bể chứa mà nhân viên không phát hiện được dẫn đến xảy ra “sự cố nước đục”. 

Theo lãnh đạo HueWaco, “do sự cố nước đục xảy ra đồng thời cùng với thời điểm HueWaco khai thác nước sông Thừa Lưu nên gây ra một số hiểu lầm đáng tiếc về chất lượng nước nguồn cho người dân”. Gần như để minh chứng cho điều nói trên, Chủ tịch HĐQT HueWaco Trương Công Nam đã dẫn đoàn "ngược dốc nhà máy lên tham quan ở bể chứa nước nguồn của nhà máy”. Ở đây có 2 nguồn nước đổ về bể điều tiết qua hệ thống ống dẫn. Trong đó 3 ống dẫn từ nước sông Thừa Lưu lên và 2 ống dẫn nước sông Bồ Ghè, khe Mệ về, cùng đổ vào bể điều tiết. Hai hệ thống ống dẫn từ hai nguồn nước nguyên liệu khác nhau này đặt gần như đối xứng ở hai đầu của bể điều tiết (bể sơ lắng) có dung tích 12.600m3. Cả hai nguồn nước sẽ được hòa vào nhau tại bể điều tiết với tỷ lệ 3:7 sau đó đổ về nhà máy, xử lý hóa chất, lắng lọc và cấp ra mạng.

Đáng chú ý, ngay từ khi đoàn “tham quan” bước vào khu vực có bể điều tiết đã gặp 3 đường ống dẫn nước nguồn sông Thừa Lưu lên vẫn đang hoạt động. 3 đường ống dẫn nước này đổ vào hệ thống 3 chiếc bồn chứa dùng để châm các hóa chất như Soda, Javel, PAC (Poly Aluminium Chloride), sau đó thông qua đường ống khuấy trộn tĩnh xử lý trước khi đổ vào bể điều tiết. Từ bể điều tiết nước sông Thừa Lưu sẽ hòa cùng nước suối, nước khe rồi dẫn về nhà máy để lắng, lọc, tiếp tục xử lý hóa chất, cấp ra mạng phục vụ khách hàng. Đứng bên hệ thống xử lý “khử độc” ban đầu nước sông Thừa Lưu, ông Nam khẳng định nước sông Thừa Lưu sau xử lý “dù không bằng nước suối, nhưng đạt tiêu chuẩn quy định và an toàn”.

Đường dẫn nước sông Thừa Lưu đổ thẳng ra bể điều tiết không có hệ thống xử lý ban đầu ghi nhận ngày 26/7 (ảnh số 1) và hệ thống diệt khuẩn, khử mùi, khuấy trộn tĩnh châm hóa chất vừa được lắp sau sự cố (ảnh số 2). (Ảnh: Đình Toàn)

Tuy nhiên có một thực tế mà không phải ai trong đoàn “tham quan”, trong đó có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng biết, là hệ thống xử lý nước sông Thừa Lưu ban đầu nói trên chỉ vừa được lắp sau “sự cố nước đục” và làn sóng phẫn nộ của khách hàng, chúng chỉ được lắp đặt vội vàng trước khi đoàn tham quan có mặt. Chúng còn rất mới, mới từ đường ống, ốc vít, đến 3 chiếc bồn chứa để xử lý hóa chất còn tinh nguyên màu sơn xanh.

Ngày 14/8, trả lời PV Reatimes, ông Trương Công Nam một lần nữa khẳng định hệ thống xử lý nước ban đầu, châm hóa chất, khuấy trộn tĩnh nước sông Thừa Lưu trước khi cấp ra bể điều tiết này được lắp từ năm 2019, khi mà HueWaco bắt đầu lấy nguồn nước này “bù” cho sự thiếu hụt. Tuy nhiên, trước đó, 26/7/2021 ghi nhận của người dân địa phương cũng như ống kính của PV đã ghi lại trên bể điều tiết (sơ lắng) của Nhà máy nước Chân Mây không tồn tại 3 bồn chứa cũng như hệ thống khuấy trộn tĩnh, châm hóa chất “khử độc” này, mà nước sông Thừa Lưu được hút và đổ thẳng ra bể điều tiết.

Hệ thống xử lý nước chảy về từ bể điều tiết trước khi lắng lọc, cấp ra mạng tại Nhà máy nước Chân Mây. (Ảnh: Đình Toàn)

Ngày 17/8, thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh cho hay, tình trạng nước sinh hoạt, nước sạch trên địa bàn nhiễm bẩn đã được cải thiện khi nhìn bằng mắt thường, không còn đen, vàng đặc như cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021. Hiện tại, do chưa có kiểm nghiệm độc lập nguồn nước của Nhà máy nước Chân Mây nên người dân vẫn chưa tin tưởng chất lượng nước của nhà máy, quay lại dùng nước suối, nước khe và và cả nước giếng bơm như tại thị trấn Lăng Cô. 

Theo đơn khiếu nại của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân yêu cầu HueWaco chấm dứt việc lấy nước sông Thừa Lưu làm nước ăn uống, sinh hoạt; có cơ quan kiểm nghiệm nước độc lập vào cuộc; xử lý nghiêm sai phạm xủa HueWaco theo pháp luật, bồi thường tổn hại cho khách hàng theo hợp đồng... Cho đến nay, đã hai tuần nhận đơn khiếu nại, nhưng HueWaco và UBND tỉnh vẫn chưa có công văn trả lời chính thức cho người dân về những khiếu nại này.

Kiểm nghiệm chất lượng nước thực hiện “thần tốc”

Tại cuộc “tọa đàm” sau khi “tham quan” Nhà máy nước Chân Mây sáng 5/8 nói trên do lãnh đạo HueWaco chủ trì, khách mời có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế; một số phòng ban huyện Phú Lộc; đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam 3 xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh và một số ít người dân, cùng với lời xin lỗi khách hàng về “sự cố nước đục”’, lãnh đạo HueWaco đã mời đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế trình bày về chất lượng nước. Sau khi có những lời khen dành cho HueWaco, vị đại diện CDC tỉnh khẳng định chất lượng nước tại Nhà máy nước Chân Mây an toàn, đạt tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên vị đại diện CDC đã bị người dân truy vấn rằng, lấy cơ sở nào để đánh giá nước tại nhà máy này đạt tiêu chuẩn, khi mà việc kiểm nghiệm mẫu chỉ được CDC thực hiện kiểm nghiệm 3 tiêu chí về độ đục, độ pH, Clo dư, trong khi quy định của Bộ Y tế đến 99 chỉ tiêu phải thực hiện. Thay vào đó, HueWaco trưng ra một bản kết quả xét nghiệm khá “thần tốc” sau khi xảy ra “sự cố” tại Nhà máy nước Chân Mây cũng như làn sóng người dân phẫn nỗ vì phải uống nước bẩn, nước sông. Theo đó, HueWaco nói rằng 99 chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế đã được đơn vị gửi mẫu cho Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, dược phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế và đều đạt chất lượng, các chỉ số đều trong giới hạn cho phép. Đây là những bản xét nghiệm đầy đủ nhất các chỉ tiêu được HueWaco công bố và thực hiện sau thời gian đã 3 năm lấy nước sông Thừa Lưu cấp cho người dân.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top