Cần 900 tỷ USD cho tăng trưởng xanh
Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, nhằm cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam sẽ tăng tốc hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp lý để tăng khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư từ khu vực FDI và tư nhân. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công”.
Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh 2021 - 2030.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh xác định rõ, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) ước tính, đến năm 2050, nguồn vốn mà Việt Nam cần để hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon lên tới 900 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cam kết hướng tới phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là thách thức lớn với Việt Nam. Để đạt mục tiêu là quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải đạt tăng trưởng kinh tế cao nhưng phải xanh, giảm phát thải, đòi hỏi nguồn lực rất lớn về tài chính, nhân lực, sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện các dự án đầu tư xanh.
Quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam năm 2020 mới dừng lại mức 6,7 tỷ USD, mục tiêu là nâng lên mốc 300 tỷ USD vào năm 2050. Thúc đẩy tăng trưởng xanh đồng nghĩa với mở ra cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tập đoàn, công ty đa quốc gia trong các lĩnh vực then chốt hướng tới nền kinh tế xanh.
Giám đốc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu (Trường đại học Columbia - Mỹ), ông David Sandalow cho hay, tăng trưởng xanh là xu hướng quan trọng đang định hình thế giới. Cam kết của Chính phủ Việt Nam thu hút được sự chú ý của các quốc gia, là cơ sở để thu hút các dòng vốn FDI cho đầu tư nhà máy xanh, sản xuất xanh. Muốn vậy, khung khổ chính sách cho tăng trưởng xanh cần được ban hành sớm, để huy động nguồn vốn xanh hiệu quả.
Bắt đầu từ năng lượng sạch, tiêu dùng xanh
Tại Hội nghị Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam, đại diện SK Group (Hàn Quốc) cho biết, đang tính chuyện đầu tư lớn vào Việt Nam thông qua dự án sản xuất khí hydrogen - loại khí sạch đang được các quốc gia ưu tiên để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. SK Group khuyến nghị Việt Nam chuyển đổi sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cân bằng carbon.
Năm ngoái, SK Ecoplant (thành viên của SK Group) đã hợp tác cùng Nami Solar (đơn vị thành viên của Nami Energy) lập liên doanh để phát triển 250 MWp điện mặt trời mái nhà, với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Các giải pháp điện mặt trời phân tán do liên doanh này cung cấp là các biện pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh, cũng như tiết kiệm chi phí năng lượng.
Ông David Sandalow nhấn mạnh, lộ trình tiến tới tăng trưởng xanh nên bắt đầu từ các lĩnh vực như năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió), cắt giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than, chuyển sang giao thông bền vững như xe điện, cho tới tiêu dùng xanh, sử dụng tủ lạnh tiết kiệm điện, chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, tiếp đến là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững để kiểm soát phát thải.
Theo tính toán của Tập đoàn tư vấn Boston, việc chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời có tiềm năng đóng góp vào GDP lên tới 70 - 80 tỷ USD, tạo ra 90.000 - 105.000 việc làm trực tiếp. Hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40 - 45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra 40.000 - 50.000 việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu./.