Thông báo chính thức mới đây của UBND TP. Hà Nội, Công ty TNHH Hiệp hội Thể thao Xe động cơ (VMA) và Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC) về việc huỷ chặng đua xe công thức 1 có thể khiến không ít người tỏ ra tiếc nuối về một sự kiện được kỳ vọng có thể mang đến lượng lớn khách du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Song, nhìn ở góc độ kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện tại, quyết định này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các chuyên gia và dư luận.
Đánh giá và bình luận về sự kiện này, giới chuyên gia kinh tế đồng quan điểm nhìn nhận, huỷ chặng đua xe công thức 1 là quyết định đúng đắn và hợp lý ở thời điểm hiện tại.
Nhận định về sự kiện này, PGS.TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc huỷ sự kiện giải đua F1 sẽ giúp Việt Nam nói chung và đơn vị chức nói riêng sử dụng nguồn tiền đầu tư hợp lý và hiệu quả hơn để giảm thiểu những thiệt hại đến từ Covid-19.
PV: Giải đua xe F1 tại Việt Nam từng được kỳ vọng lớn trong mang lại lợi ích kinh tế và du lịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, sự kiện chính thức được thông báo huỷ. Trên góc độ kinh tế, ông đánh giá như thế nào về quyết định huỷ giải đua xe F1?
PGS.TSKH. Võ Đại Lược: Tôi cho rằng quyết định được đưa ra đã có sự cân nhắc và dựa trên cơ sở thực tế. Tình hình dịch bệnh hiện tại vẫn còn phức tạp. Không ai dám chắc bao giờ dịch Covid-19 mới chấm dứt khi thời gian tìm ra vắc xin vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nếu vắc xin chính thức có được các tổ chức y tế công bố thì tính hữu hiệu đến đâu cũng chưa ai đánh giá toàn diện. Dù đến thời điểm này, sau hai đợt dịch Covid-19, Việt Nam đã kiểm soát tốt nhưng liệu nước ta có sẵn sàng mạo hiểm mở cửa để đón tất cả khách quốc tế tham gia không?
Mục đích chính của sự kiện là thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và tạo ra những tác động lớn hơn đến kinh tế đất nước. Nếu như vẫn tổ chức nhưng không có khách quốc tế, chúng ta được gì? Các doanh nghiệp đã tham gia và nỗ lực đầu tư hết mình vì một mục tiêu góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến chặng đua buộc phải huỷ. Đây là quyết định đúng đắn vì một tầm nhìn xa và nhân văn là phục hồi kinh tế, an sinh xã hội.
Vậy nên đưa ra phương án huỷ sự kiện đều có cơ sở và được đánh giá rõ ràng. Ở góc độ y tế, việc huỷ sự kiện còn đảm bảo công tác phòng ngừa bệnh Covid-19.
PV: Quan điểm của ông như thế nào về việc huỷ sự kiện giải đua F1?
PGS.TSKH. Võ Đại Lược: Tôi cho rằng, phương án đặt ra nên là tạm hoãn. Tức là chúng ta sẽ tổ chức vào một thời gian thích hợp sau. Tuy nhiên, khoảng thời gian tạm hoãn nên kéo dài nhiều năm. Chẳng hạn 5 năm là khoảng thời gian để việc xử lý dịch bệnh ổn định. Nền kinh tế các nước phục hồi. Việc tạm hoãn giải đua F1 để đảm bảo nền kinh tế ổn định là cách để tổ chức một sự kiện thành công.
PV: Theo ông, việc tạm hoãn giải đua F1 sẽ có những tác động ra sao đến nền kinh tế Việt Nam?
PGS.TSKH. Võ Đại Lược: Thực ra, đây chỉ là một trong rất nhiều các sự kiện khác đang diễn ra hiện nay. Nếu như chúng ta phát triển kinh tế bình thường, dịch bệnh không xuất hiện, giải đua F1 sẽ mang đến một lượng khách du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch và nhiều ngành dịch vụ khác.
Nhưng nhìn vào thực tế để thấy, khách du lịch quốc tế sẽ rất khó đến Việt Nam. Do vậy, nếu không được tổ chức, sự kiện này cũng không làm cho nền kinh tế sụt hại nghiêm trọng mà thậm chí còn là giải pháp tốt trong thời điểm này.
Mặc dù ý nghĩa của giải đấu đối với ngành du lịch là không thể phủ nhận. Bởi nếu du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ thấy được tiềm năng du lịch của chúng ta và chính họ sẽ thay chúng ta quảng bá nền du lịch của Việt Nam ra thế giới tốt hơn. Nhưng bối cảnh hiện tại lại không thể thu hút được tệp khách nước ngoài, do đó hiệu quả mong đợi về quảng bá du lịch là điều không tưởng.
Xét ở góc độ khác, việc huỷ giải đua F1 sẽ tác động đến các doanh nghiệp đã tham dự. Trước đó, tôi cho rằng, doanh nghiệp khi đầu tư vào giải đua F1 đều mong đợi kết quả tốt trong tương lai. Tuy nhiên, sự kiện bị tuyên bố chấm dứt hẳn, doanh nghiệp tham gia bấy lâu sẽ bị hẫng hụt. Bởi doanh nghiệp đã chuẩn bị rất kỹ về tiền tài, nhân lực, vật lực,.. nếu chấm dứt hẳn thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi.
Nhưng nhìn rộng, đó lại là điều may mắn, như tôi đã phân tích ở trên, thà huỷ ở hiện tại để doanh nghiệp không lãng phí thêm tiền bạc và có thể có phương án đầu tư tốt hơn trong bối cảnh hậu Covid-19.
PV: Theo ông, doanh nghiệp chịu thiệt thòi khi đã bỏ ra nhiều công sức và tài chính để tổ chức giải đua F1, nhưng giờ giải đua bị huỷ thì nên có phương án tài chính như thế nào để giảm thiểu tổn thất?
PGS.TSKH. Võ Đại Lược: Khoản đầu tư dự kiến cho giải đua F1 nếu không dùng tới, doanh nghiệp sẽ có thể sử dụng để nuôi dưỡng, phục hồi bộ máy hoặc chuyển sang hướng kinh doanh có lợi.
Đặc biệt, với doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh Covid-19, họ cần nguồn tiền để duy trì bộ máy, chống đỡ và đề kháng trước những biến động của nền kinh tế. Tôi cho rằng, nhà đầu tư chắc chắn đủ khôn ngoan để lựa chọn những lĩnh vực, định hướng kinh doanh mới vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước trong thời điểm này.
- Xin cảm ơn ông!
"Quyết định hoãn giải đua F1 tại Hà Nội trong năm nay, tôi cho rằng rất cần thiết và đúng đắn ở thời điểm này. Nếu chúng ta cố tổ chức, mục tiêu ban đầu là quảng bá du lịch và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sẽ không thể đạt được. Hơn nữa, ảnh hưởng của dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn rất dài. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần ưu tiên về kinh tế, an sinh xã hội để phục hồi lại sau đại dịch".
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
“Ở góc độ kinh tế, huỷ chặng đua F1 là quyết định cần thiết, vì trong mùa dịch này, khách quốc tế đến, có thể mang theo mầm bệnh. Trong khi đó khách trong nước đa số chưa đủ kinh phí để tham gia, xem chặng đua này nên dừng chặng đua là một quyết định đúng đắn, vừa đảm bảo ưu tiên phòng dịch, vừa không gây thêm thiệt hại về kinh tế”.
TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế
"Về ý kiến cho rằng việc hủy chặng đua sẽ giảm hình ảnh của Việt Nam khi chúng ta đã quảng bá với thế giới… Nhưng tôi nghĩ điều này không thành vấn đề vì trong bối cảnh dịch bệnh, cả thế giới đang nỗ lực chống chọi thì có thể coi đây là trường hợp bất khả kháng”.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh