Theo đó, thị trấn Ái Nghĩa có quy mô khoảng 1.274,75ha, là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội tạo động lực phát triển phía Bắc của vùng tỉnh Quảng Nam, là trung tâm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ quan trọng của tỉnh có sự gắn kết với TP. Đà Nẵng. Đô thị Ái Nghĩa sẽ được phát triển chủ yếu về phía Bắc, kết nối đến khu vực ngã ba Đại Hiệp để phát triển về phía TP. Đà Nẵng.
Không gian đô thị gồm khu vực đô thị hiện trạng và khu vực đô thị phát triển mới gắn kết với nhau bằng hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Mở rộng không gian đô thị trung tâm và ưu tiên phát triển khu đô thị ven sông, khu tái định cư, khu dân cư chỉnh trang, đầu tư các khu nhà ở công nhân, khu ở chuyên gia tại khu phố đồi Hòa An, kết nối đô thị từ thị trấn Ái Nghĩa đến xã Đại Hiệp. Giữ nguyên khu vực đô thị hiện trạng, chỉnh trang hệ thống hạ tầng. Phát triển các khu đô thị tại khu vực phía Bắc, phía Đông Nam theo hướng đô thị xanh, hiện đại.
Các khu chức năng chính của đô thị Ái Nghĩa gồm khu công cộng, thương mại dịch vụ; giáo dục, đào tạo; trung tâm hành chính; văn hóa, thể dục thể thao và công viên cây xanh; công nghiệp; khu ở; khu hỗn hợp. Đáng chú ý như khu công cộng, thương mại dịch vụ sẽ bao gồm nâng cấp chợ Ái Nghĩa, di dời chợ Chiều ngã tư về khu đô thị T12, bố trí chợ đầu mối giáp bến xe trên trục đường ĐT.609A; phát triển khu thương mại dịch vụ Ngã Tư, khu thương mại dịch vụ trung tâm; bố trí các điểm thương mại dịch vụ quy mô lớn tại các tuyến cửa ngõ, các trục cảnh quan của đô thị. Khu trung tâm hành chính gồm các công trình cơ quan quản lý nhà nước, công an, quân sự, ngân hàng, các ban ngành của huyện và thị trấn nằm tập trung ở phía Nam cầu Ái Nghĩa trên đường ĐT.609A. Định hướng bố trí thêm quỹ đất hành chính để di dời trụ sở Huyện ủy, trụ sở HĐND và UBND huyện, Khu nhà truyền thống huyện, trụ sở Công an huyện, trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, khu Quảng trường trung tâm.
Ngoài ra, quy hoạch cũng xác định khu vực hạn chế xây dựng sẽ là lưu vực thoát lũ qua cầu Hòa An xuống cầu Đại Hiệp; lưu vực thoát lũ từ cầu ông Già và khu vực bàu Sen xuống cầu Chánh Cửu; lưu vực thoát lũ qua cầu Ngoại Thương; lưu vực thoát lũ từ sông Vu Gia xuống cầu Phốc về bàu Giáo An. Đối với khu vực này khi đầu tư xây dựng các dự án phải chừa kênh thoát lũ, thoát nước mặt theo quy hoạch chung, giữ lại Bàu Phốc làm hồ điều tiết cho khu vực phía Đông Nam của thị trấn. Không xây dựng các công trình trên hành lang bảo vệ sông Vu Gia, Sông Yên.
Với đồ án quy hoạch chung thị trấn Ái Nghĩa, giai đoạn đến năm 2030, được phê duyệt điều chỉnh, các chương trình ưu tiên đầu tư sẽ bao gồm đầu tư chỉnh trang đô thị hiện hữu, khai thác các giá trị truyền thống của địa phương, kết hợp với các tiềm năng hiện có để phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết hợp hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc đồng bộ; kêu gọi đầu tư các trung tâm thương mại, dịch vụ để phát triển kinh tế tại địa phương; phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, tăng giá trị kinh tế nông nghiệp.
Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Lê Văn Quang đề nghị UBND thị trấn Ái Nghĩa và các ban ngành chức năng liên quan cần phối hợp, quản lý tốt công tác trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng, đất đai, đảm bảo tuân thủ quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Việc lập dự án đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy hoạch và lấy quy hoạch để làm công cụ quản lý./.