Từ ngày 1/7/2025, đảo Phú Quý chính thức trở thành một trong 13 đặc khu hành chính cấp xã đầu tiên của Việt Nam, theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-TTg.

Trụ sở cơ quan tại đặc khu Phú Quý. Ảnh: Báo Lao Động
Theo đề án này, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ xóa bỏ cấp trung gian (cấp huyện), đồng thời chuyển toàn bộ các huyện đảo và thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã với tên gọi "đặc khu". Cả nước sẽ có 13 đặc khu trực thuộc tỉnh, bao gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc và Thổ Châu.
Riêng tại tỉnh Lâm Đồng mới sau hợp nhất với Đắk Nông và Bình Thuận, Phú Quý trở thành đặc khu duy nhất, được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã: Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh. Trung tâm hành chính – chính trị của đặc khu đặt tại xã Ngũ Phụng, với tổng diện tích tự nhiên 18,02km² và dân số hơn 32.000 người. Cách TP. Phan Thiết khoảng 56 hải lý về hướng Đông Nam, Phú Quý không chỉ sở hữu vị trí chiến lược trên tuyến hàng hải quốc tế mà còn được mệnh danh là “hòn đảo giàu có” giữa Biển Đông.
Nằm ở vị trí kết nối quan trọng giữa các vùng biển trọng yếu như Trường Sa, Hoàng Sa, Cam Ranh, Côn Đảo và Vũng Tàu, Phú Quý giữ vai trò như một “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Với diện tích khiêm tốn nhưng ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản dồi dào và lực lượng ngư dân giàu kinh nghiệm, đặc khu Phú Quý hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế biển.
Khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản và chế biến hải sản xuất khẩu đang là những ngành kinh tế chủ lực, mang lại giá trị gia tăng lớn, tạo việc làm ổn định và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương. Đặc biệt, với vai trò là "cửa ngõ hậu cần" trên Biển Đông, Phú Quý được kỳ vọng sẽ sớm trở thành trung tâm hậu cần nghề cá tầm khu vực.
Song song với kinh tế biển, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thứ hai. Phú Quý sở hữu hệ sinh thái biển phong phú, cảnh quan hoang sơ, bãi cát trắng mịn, rạn san hô nguyên sơ và đời sống văn hóa ngư dân đặc sắc. Những điểm đến như bãi Nhỏ - Gành Hang, cột cờ Phú Quý, chùa Linh Sơn, ngọn hải đăng... đang trở thành điểm hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Phú Quý sở hữu hệ sinh thái biển phong phú. Ảnh: Internet
Các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển, du lịch trải nghiệm nghề cá và du lịch mạo hiểm đang dần được khai thác. Du khách đến Phú Quý không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp nguyên sơ mà còn có cơ hội tham gia các hoạt động bảo tồn sinh thái, lặn ngắm san hô, câu cá, và tìm hiểu văn hóa ngư dân miền biển.
Sự kết hợp giữa kinh tế hải sản và du lịch hứa hẹn sẽ tạo nên động lực cộng hưởng, thúc đẩy Phú Quý trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch biển đảo quốc gia.
Dù giàu tiềm năng, nhưng Phú Quý hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về hạ tầng. Việc đầu tư vào hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở bảo quản sau khai thác, cùng với nâng cấp tuyến vận tải biển kết nối đất liền là những yêu cầu cấp thiết.
Trong giai đoạn tới, với chính sách ưu tiên phát triển đặc khu, Phú Quý được kỳ vọng sẽ đón dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, logistic và dịch vụ công cộng. Đây là yếu tố quyết định để giải phóng năng lực phát triển, biến lợi thế địa lý thành động lực kinh tế.
Việc thành lập đặc khu Phú Quý không chỉ là một bước tiến trong cải cách hành chính, mà còn mở ra chương mới cho sự phát triển toàn diện của địa phương. Với sự quan tâm từ Trung ương, tỉnh Lâm Đồng (sau sáp nhập) và sự nỗ lực của chính quyền cùng người dân, Phú Quý đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển, du lịch và dịch vụ bền vững.
Từ một huyện đảo nhỏ bé, Phú Quý đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn khơi, trở thành “pháo đài kinh tế” và “cột mốc chủ quyền” giữa đại dương bao la, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.