Aa

Ì ạch tiến độ triển khai tuyến vành đai 4 vùng Thủ đô

Thứ Tư, 01/07/2020 - 13:30

Sau gần 10 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tuyến vành đai 4 - vùng Thủ đô dài gần 100km vẫn đang nằm trên giấy.

Tuyến đường vành đai 3 Hà Nội đã mãn tải, thường xuyên ùn tắc kéo dài vào những dịp cuối tuần.

“Tiến độ đầu tư các tuyến vành đai vùng không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch nên hiện nay nhiều tuyến đường đô thị phải đảm nhận chức năng đường đô thị vừa là tuyến đường đối ngoại cho các phương tiện vận tải của các tỉnh xung quanh quá cảnh đi qua, dẫn đến ùn tắc giao thông như đường vành đai 3 - TP. Hà Nội”, đây là đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải trong báo cáo về triển khai đầu tư hệ thống đường vành đai vùng Thủ đô vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, vào tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1278/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4, chiều dài 98km, quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến độ xây dựng trước năm 2020, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư được xác định từ vốn ngân sách nhà nước, ODA, từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua. Các tuyến vành đai được tách thành các dự án độc lập theo từng địa phương. UBND các tỉnh/thành phố lập dự án, huy động nguồn vốn để đầu tư và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu đầu tư theo hình thức PPP. Yêu cầu được Thủ tướng đặt ra là hoàn thành đầu tư thông tuyến trước năm 2020.

Mặc dù được đánh giá là rất cấp bách, nhưng đến nay, mới chỉ có TP. Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư (dài 53,52km); các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19km), tỉnh Bắc Ninh (21km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Cụ thể, hiện UBND TP. Hà Nội mới chỉ đang tiến hành xem xét hồ sơ đề xuất 3 Dự án đầu tư theo hình thức PPP của một số nhà đầu tư trong nước gồm: đoạn từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Quốc lộ 32 - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 34km, có tổng mức đầu tư 16.277 tỷ đồng của Tập đoàn T&T; đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 13,9km, có tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng của liên danh Phương Thành - Nguyên Minh; cầu Hồng Hà và đường dẫn dài 6km, tổng mức đầu tư 9.876 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn.

Nguyên nhân đầu tư tuyến vành đai 4 vùng Thủ đô chậm, theo Bộ Giao thông Vận tải, là khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn, nguồn lực từ khai thác quỹ đất ngày càng khó khăn, điều kiện thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi đối với các địa phương ngoài thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa chủ động, chưa quan tâm trong việc huy động nguồn lực để đầu tư do đến thời điểm hiện nay vẫn chưa triển khai lập chủ trương đầu tư, đề xuất dự án đầu tư làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực đầu tư; các địa phương chủ yếu tập trung hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh/thành phố, chưa chú trọng đến giao thông kết nối vùng và phối hợp đầu tư giao thông vùng để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư chung của tuyến đường.

Theo Bộ Giao thông Vận tải hiện nhu cầu đầu tư đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đã rất cấp bách, để bảo đảm tính đồng bộ, sớm hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển đô thị, giải quyết ách tắc tai nạn giao thông.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến vành đai Hà Nội và TP.HCM, trong đó có vành đai 4 - vùng Thủ đô, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng giao Bộ này chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (mỗi vành đai vùng là 1 dự án quan trọng quốc gia). Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top