Aa

Khu công nghiệp sạch: Cần làm rõ khái niệm trước khi ồ ạt đầu tư

Thứ Tư, 14/07/2021 - 11:15

Nhiều doanh nghiệp ngoài ngành đang dấn thân vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, trong đó, đang có một làn sóng đầu tư khu công nghiệp sạch, dù đây vẫn là một khái niệm mới ở Việt Nam.

Lời tòa soạn:

Tính đến hiện tại, cả nước có 370 KCN được thành lập (bao gồm 328 KCN nằm ngoài các KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn hecta. 

Điều này đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; gia tăng nguồn thu ngân sách và tạo việc làm...

Tuy nhiên, KCN của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn. Theo đó, việc phát triển KCN sạch, KCN sinh thái là hướng đi tất yếu.

Theo Nghị định 82, một KCN được coi là KCN sinh thái phải đạt các tiêu chí như: Có ít nhất 25% diện tích là cây xanh; giao thông, hạ tầng dịch vụ được dùng chung và tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP); tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp... Tuy nhiên, Nghị định 82 lại không có định nghĩa và tiêu chí đánh giá về KCN sạch. 

Trong khi đó, xu hướng đầu tư KCN sạch đang xuất hiện ồ ạt tại nhiều tỉnh, thành phố. Để khuyến khích mô hình này phát triển đúng hướng, thiết nghĩ cần có định nghĩa và một khung pháp lý hoàn chỉnh. 

Với mong muốn đưa ra nhiều góc nhìn nghiên cứu, Reatimes khởi đăng tuyến bài Có hay không khái niệm "Khu công nghiệp sạch"?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!


XUẤT HIỆN LÀN SÓNG ĐẦU TƯ KHU CÔNG NGHIỆP SẠCH

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện cả nước có 370 khu công nghiệp (KCN) được thành lập (bao gồm 328 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn hecta. 

Trong số các KCN đã được thành lập, có 284 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 84,2 ngàn hecta và diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 55,9 ngàn hecta; 86 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 31 ngàn hecta cùng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 17,5 ngàn hecta.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt khoảng 43,4 ngàn hecta, tương ứng tỷ lệ lấp đầy đạt 57,8%, riêng các KCN đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,7%.

Sự hình thành và phát triển của các KCN đã đóng góp to lớn vào việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống người dân. Tiềm năng phát triển các KCN cũng đang rộng mở khi Việt Nam có nhiều lợi thế để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất của các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Cũng chính vì vậy, bất động sản công nghiệp đang là lĩnh vực có sức hút lớn đối với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp thời gian qua đang tồn tại nhiều hạn chế được cho là nút thắt cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Đặc biệt là các thách thức về môi trường khi nhiều khu công nghiệp đang có nguy cơ "bức tử" cuộc sống người dân do các hoạt động xả thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều khu công nghiệp buộc phải quy hoạch xa khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tuy nhiên, việc quy hoạch riêng biệt lại nảy sinh vấn đề thiếu hạ tầng kết nối, thiếu nhà ở và các dịch vụ đảm bảo nhu cầu sống của người dân. Công nghiệp hóa chưa gắn liền với đô thị hóa.

Thực tế trên đòi hỏi việc xây dựng các khu công nghiệp tại Viêt Nam cần phải biến đổi mạnh về chất, phải điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21) để hướng tới sự phát triển bền vững, thu hút các “đại bàng” nước ngoài đến đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Xuất hiện làn sóng đầu tư khu công nghiệp sạch (Ảnh minh hoạ)
Thực tế đòi hỏi việc xây dựng các khu công nghiệp tại Viêt Nam cần phải biến đổi mạnh về chất (Ảnh minh hoạ)

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhiều năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai mô hình khu công nghiệp sạch, trong đó có nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng lấn sân tham gia vào lĩnh vực này.

Minh chứng là chỉ trong nửa đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp sạch với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử như, Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được xây dựng trên quy mô sử dụng 302,8ha đất, tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là 3.226,92 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án là 850 tỷ đồng.

Hay mới đây nhất, Thủ tướng cũng phê duyệt đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sạch tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu và xã Xuân Trúc (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Dự án có quy mô khoảng 143ha, tổng mức đầu tư hơn 1.788 tỷ đồng.

Mục tiêu của các dự án khu công nghiệp sạch này là hình thành những khu công nghiệp mới có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo hợp lý trong sản xuất, bố trí bến bãi, kho hàng, sử dụng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tham gia bảo vệ môi trường.

Việc phát triển các khu công nghiệp sạch hay còn gọi là khu công nghiệp sinh thái giờ đây không chỉ là “khuyến khích doanh nghiệp” mà nó đã trở thành mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp hướng đến. Tất yếu đây là một động lực lớn cho việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khu công nghiệp sạch vẫn là một khái niệm mới, chưa có trong luật hay các văn bản hướng dẫn liên quan. Đây là điều đáng lo ngại.

THIẾU MỘT ĐỊNH NGHĨA VÀ KHUNG PHÁP LÝ HOÀN CHỈNH

Xét từ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các khu công nghiệp nói chung, khu công nghiệp sạch có thể hiểu là khu công nghiệp giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. Muốn vậy, khu công nghiệp phải triển khai theo những tiêu chuẩn tiên tiến về mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải và không gian xanh, khuyến khích công nghệ tái chế, tái sử dụng năng lượng và chất thải, hướng tới một nền sản xuất quan tâm đến môi trường, xã hội và đảm bảo phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, đó chỉ là cách hiểu nôm na. Còn đi tìm khái niệm về một Khu Công nghiệp sạch lại không hề dễ dàng. Tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cũng không có khái niệm “Khu công nghiệp sạch” mà thay vào đó là khái niệm “Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp”.

Cũng theo Nghị định 82, một khu công nghiệp được coi là Khu công nghiệp sinh thái phải đạt các tiêu chí như: Có ít nhất 25% diện tích là cây xanh; giao thông, hạ tầng dịch vụ được dùng chung và tối thiểu 90% doanh nghiệp có nhận thức về các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP); tối thiểu 20% doanh nghiệp áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp...

Còn các tài liệu nghiên cứu, đánh giá của nhiều tổ chức đơn vị nghiên cứu thị trường như Savills, CBRE cũng chỉ nêu định nghĩa chung về khu công nghiệp sinh thái nhằm hướng đến xanh hoá ngành công nghiệp, quản lý môi trường và hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn…

Đơn cử như Colliers Việt Nam cho biết: “Khu công nghiệp sinh thái là một mô hình phù hợp để phát triển bền vững và đang từng bước được nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất phát huy. Theo đó, các doanh nghiệp cùng cam kết, hợp tác và hành động để đạt được các mục tiêu chung về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Khu công nghiệp sạch: Cần làm rõ khái niệm trước khi ồ ạt đầu tư- Ảnh 5.
Khu công nghiệp sạch: Cần làm rõ khái niệm trước khi ồ ạt đầu tư- Ảnh 6.

Khu công nghiệp sạch vẫn là một khái niệm mới, chưa có trong luật hay các văn bản hướng dẫn liên quan (Ảnh minh hoạ)

Khi trao đổi cùng một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp về khái niệm hình thành khu công nghiệp sạch thì một số quan điểm cho rằng đó là sản phẩm pha trộn giữa hai mô hình khu công nghiệp và khu đô thị sinh thái.

Theo bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường Việt Nam của JLL, ở những quốc gia phát triển đã có mô hình khu công nghiệp sinh thái, tại đây yếu tố xanh và bền vững ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Còn tại Viêt Nam, các khu công nghiệp mới cũng bắt đầu xem xét về yếu tố xanh và bền vững hơn. Việc hình thành nên khu công nghiệp sạch hay khu công nghiệp sinh thái cũng rất đáng được lưu tâm.

Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai các dự án gắn với khái niệm khu công nghiệp sạch trong khi chưa làm rõ khái niệm này cũng như quy định rõ về các tiêu chí phát triển có thể gây ra nhiều hệ lụy. Điển hình nhất là việc doanh nghiệp sẽ phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm và không loại trừ khả năng, khu công nghiệp sạch chỉ nằm ở danh xưng.

“Trên thực tế, chưa có khái niệm cụ thể về khu công nghiệp sạch cũng như tiêu chí rõ ràng để đánh giá một khu công nghiệp có thực sự đúng “sạch” hay không. Do đó, trong quá trình phát triển có thể sẽ phát sinh các yếu tố cản trở sự phát triển của loại hình khu công nghiệp này, thậm chí là sự “nhập nhèm” đánh tráo các khái niệm, dẫn đến những hệ lụy không thể lường trước được”, một chuyên gia đánh giá.

CẦN KHUNG PHÁP LÝ VÀ NHỮNG TIÊU CHUẨN RÕ RÀNG

Thực tế “những hệ lụy không lường trước được” có thể nhìn thấy trước từ câu chuyện phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam trong quá khứ. Không phải bây giờ, làn sóng đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới xuất hiện, mà nhiều năm về trước, đã từng có cuộc chạy đua, phát triển ồ ạt khu công nghiệp ở hầu hết các địa phương.

Hệ quả của việc cấp đất khu công nghiệp “bằng mọi giá”, thiếu quy hoạch tổng thể và lộ trình phát triển đã dẫn đến nhiều khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy thấp, bên cạnh đó, cũng không ít diện tích đất được quy hoạch phát triển khu công nghiệp bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Đơn cử như Hà Nam có KCN Hòa Mạc, Châu Sơn, Đồng Văn 2… Vĩnh Phúc cũng là tỉnh tập trung nhiều KCN bỏ hoang như KCN Bá Thiện 1, Chấn Hưng, Khai Quang...  Như vậy, có tình trạng “chỗ nào thừa vẫn thừa mà chỗ nào thiếu vẫn thiếu”.

“Trước đây cũng từng có một làn sóng đổ xô xây dựng khu công nghiệp ở hầu khắp các địa phương, và rồi một loạt các khu công nghiệp bị bỏ hoang nhiều năm, không thu hút được nhà đầu tư nào. Bởi khi có chủ trương, hầu như tỉnh nào cũng muốn có cho mình một hoặc nhiều khu công nghiệp riêng, dẫn đến việc xây dựng tràn lan mà không ai tính đến khả năng hấp thụ được bao nhiêu cho những sự đầu tư như thế. Các địa phương và doanh nghiệp đã quá lạc quan trong việc nhìn nhận những cơ hội trong tương lai. Đó là thực tế không thể phủ nhận”, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu

Vị chuyên gia phân tích thêm, dựa vào thực tế phát triển bất động sản công nghiệp Việt Nam hiện tại, đã có nhiều lo ngại đặt ra về một cuộc chạy đua để “bắt sóng”, ồ ạt triển khai xây dựng khu công nghiệp hay ồ ạt đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực này để chờ “đại bàng” tới mà không dựa trên bất kỳ nguyên lý phát triển nào. Đó là sự phát triển thiếu bền vững với tư duy chộp giật, ngắn hạn.

Ngoài ra, giới phân tích cũng đang đặt ra câu hỏi, liệu có tồn tại câu chuyện lợi dụng khái niệm Khu công nghiệp sạch, hình thành thị trường bất động sản công nghiệp sạch và đó là cái cớ để tăng giá bất động sản? Bởi tính đến quý II/2021, JLL ghi nhận giá thuê bất động sản công nghiệp tại phía Bắc và phía Nam lần lượt ở 107 USD/m2 và 113 USD/m2, đây là mức giá khá cao trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, giá thuê đất tại Khu công nghiệp sạch sẽ tiếp tục nâng giá? Hay việc đầu tư bất động sản ăn theo khu công nghiệp sạch sẽ “nóng sốt” như những cơn sốt đất nền ăn theo quy hoạch?

Chia sẻ nhanh câu chuyện này qua điện thoại với phóng viên Reatimes, lãnh đạo một đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng mô hình khu công nghiệp sạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững nói chung của ngành công nghiệp và ngành bất động sản. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, lợi dụng câu chuyện “khu công nghiệp sạch” để tăng, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường.

Theo đó cần có những khung pháp lý hoàn chỉnh, những định nghĩa rõ ràng về các khái niệm “khu công nghiệp sạch”, “khu công nghiệp sinh thái” thay vì đánh đồng như hiện nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, cần có những chính sách cụ thể và bắt buộc để 100% các khu công nghiệp trong tương lai đều phải sử dụng công nghệ cao và đảm bảo yếu tố xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Đồng thời cần thống nhất về khái niệm và tạo ra một mô hình khu công nghiệp hoàn chỉnh, phù hợp và có khung pháp lý điều chỉnh.

Cần khung pháp lý và những tiêu chuẩn rõ ràng cho khu công nghiệp sạch
Cần khung pháp lý và những tiêu chuẩn rõ ràng cho khu công nghiệp sạch (Ảnh minh hoạ).

“Việc phát triển công nghiệp trong thời gian tới tất yếu phải phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh nhằm tiết kiệm năng lượng và tạo sự thân thiện với môi trường. Cần hạn chế và không cấp phép các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng và khai thác khoáng sản (không tái tạo) không gắn với chế biến sâu, lãng phí tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trên thế giới, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường, tạo ra những nhà xưởng xanh sạch, có hệ thống xử lý chất thải tốt, tận dụng năng lượng tự nhiên”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam có rất nhiều những lợi thế để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài nhưng hiện tại tình hình kinh tế trên thế giới rất bất định. Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nếu hạ tầng không đầy đủ sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng dư thừa khu công nghiệp nếu ồ ạt đầu tư “đón sóng”. Bởi nhà đầu tư nước ngoài chỉ đánh giá cao các dự án chất lượng với nhà xưởng xây sẵn, có kết nối với trục giao thông chính, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, cao tốc được phát triển đồng bộ. Những yếu tố này lại đang là điểm yếu ở đa phần các khu công nghiệp của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đơn thuần chỉ san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư đến thuê.

Do đó, các chính quyền địa phương cần có kế hoạch bài bản, tổ chức thu xếp để các công xưởng đặt ở Việt Nam phù hợp hơn, tránh tình trạng xây dựng lộn xộn. Cần quy hoạch rõ ràng chỗ nào là dân cư, chỗ nào là thương mại, chỗ nào là công nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng phát triển khu công nghiệp để lấy đất làm khu đô thị.

Trong quá trình rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể cần lưu ý tới khả năng phát triển của các khu công nghiệp để đạt hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai cao nhất, đặt lợi ích quốc gia, đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lên trên hết.

Chia sẻ tại một tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW - CIEM cũng nhìn nhận, phát triển bất động sản công nghiệp thời gian tới phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp và gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đồng quan điểm, Ths. Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, việc phát triển về số lượng và quy mô KCN phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top