Aa

KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp: Hàng nghìn mét vuông đất xây trường học đang sử dụng sai mục đích

Thứ Ba, 14/11/2017 - 22:51

Mặc dù cơ quan chức năng đã tổ chức cưỡng chế từ tháng 7/2017, tuy nhiên đến nay (tháng 11/2017), các công trình vi phạm sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch tại lô đất C1.TH3 xây dựng trường học thuộc Khu đô thị (KĐT) Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hà Nội) vẫn tồn tại.

HUD biến đất công thành nhà xưởng trái phép

Theo quy hoạch trước đây, ô đất TH103 quy hoạch tỷ lệ 1/500 KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) hiện nay là ô đất C1.TH3 quy hoạch xây dựng trường học theo bản đồ phân khu H2-4, tỷ lệ 1/2000 với diện tích 9.000m2. Khu đất được giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) thực hiện theo quy hoạch là xây dựng trường học.

Trong khi, hơn 6000m2 thuộc lô đất trên là đất nghĩa trang của xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì chưa thể GPMB được vì chưa nhận được sự đồng thuận của dân. Năm 2012, Tổng Công ty HUD cho Công ty CP Xây lắp và phát triển nhà (HUD3.3) mượn làm lán trại cho công nhân ở và để máy móc thiết bị phục vụ thi công xây dựng hạ tầng KĐT Pháp vân – Tứ Hiệp.

Lô đất có ký hiệu là C1.TH3, nằm ven đường Trần Thủ Độ, thuộc KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp đang được sử dụng sai mục đích.

Tuy nhiên, sau khi thi công xong, Công ty HUD 3.3 đã không tháo dỡ toàn bộ lều lán đi để trả lại mặt bằng sạch thực hiện dự án trường học mà tiếp tục sử dụng diện tích làm xưởng sản xuất các thiết bị, kho bãi phục vụ cho Công ty HUD 3.3 tại ô đất C1.TH3 và ô đất C1CCDV5.

Ngày 26/8/2015, UBND phường Hoàng Liệt phối hợp cùng Đội Thanh tra xây dựng (TTXD) quận Hoàng Mai lập biên bản kiểm tra hiện trạng tại lô đất C1.TH3 KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp. Tại thời điểm kiểm tra không có bất cứu hoạt động xây dựng gì nhưng tồn tại 05 công trình có khung sắt, mái lợp tôn bưng vách tôn kiên cố. 

Các công trình nhà xưởng kiên cố.

Tiếp đó, ngày 10/6/2017, Đội TTXD quận Hoàng Mai phối hợp cùng UBND phường Hoàng Liệt kiểm tra hiện trạng khu đất trên. Thời điểm kiểm tra không có bất kỳ hoạt động xây dựng nhưng tại khu đất tồn tại 1 số nhà kho, nhà xưởng đang sử dụng và khu đất trống tập kết vật liệu xây dựng (cốt pha, dàn giáo), các công trình đã tồn tại từ năm 2014.

Theo chia sẻ của nhiều người dân sống trong khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, họ bất bình trước việc chính quyền địa phương để cho Công ty HUD 3.3 ngang nhiên biến hàng nghìn m2 đất công thành địa điểm xây dựng nhà xưởng kinh doanh trái phép. Sai phạm này đã kéo dài nhiều năm nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm.

Bà T.T.H một người dân trong phường Hoàng Liệt bức xúc cho biết, mật độ dân số phường Hoàng Liệt ngày càng tăng, nhu cầu được đến trường của con trẻ lớn mạnh không ngừng. Thế nhưng, dự án xây dựng trường học để tạo ra môi trường sống lành mạnh cho con trẻ lại không được thực hiện. Trong khi đó, đất thực hiện dự án lại được sử dụng để kiếm lời cho một cá nhân, doanh nghiệp.

Vi phạm kéo dài

Ngày 7/8/2017, ông Trần Văn Vịnh, Đội trưởng TTXD quận Hoàng Mai đã có báo cáo về việc kiểm tra xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại lô đất C1.TH3 thuộc KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp. Báo cáo có nội dung chi tiết:

Ngày 12/6/2017, UBND phường Hoàng Liệt mời Đại diện lãnh đạo Tổng công ty HUD và Công ty HUD 3.3  đến UBND phường Hoàng Liệt để làm việc về công tác quản lý xử dụng đất tại KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp. Tại buổi làm việc, UBND phường Hoàng Liệt yêu cầu các bên liên quan xuất trình giấy tờ liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất trước ngày 15/6/2017. 

Các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công trình vi phạm đã tiếp diễn nhiều năm qua. 

Đồng thời, UBND phường Hoàng Liệt yêu cầu Công ty HUD 3.3 tự tháo dỡ toàn bộ các công trình nhà tạm khung sắt mái tôn, đang sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch tại lô đất C1.TH3 xong trước ngày 25/6/2017. Hết thời gian trên nếu Công ty HUD 3.3 không thực hiện, UBND phường Hoàng Liệt sẽ phối hợp cùng các phòng ban chuyên môn hoàn thiện hồ sơ xử lý công trình theo quy định.

Tuy nhiên, ngày 19/6/2017, Công ty HUD 3.3 gửi công văn số 24/HUD3.3-CV về việc xin gia hạn thời gian tháo dỡ công trình tới UBND phường Hoàng Liệt, xin được lùi thời gian tháo dỡ tới ngày 30/7/2017.

Ngay sau đó, ngày 20/6/2017, Đội TTXD quận Hoàng Mai phối hợp cùng UBND phường Hoàng Liệt lập biên bản số 210/BB-VPHC về việc vi phạm hành chính và yêu cầu tự tháo dỡ đối với chủ đầu tư là Công ty HUD3.3.

Ngày 5/7/2017, UBND phường Hoàng Liệt ban hành thông báo số 174/TB-UBND về việc cưỡng chế dỡ bỏ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại lô đất C1.TH3.

Liên tiếp trong ngày 10 - 12/7/2017, UBND phường Hoàng Liệt có công văn số 33/CV-UBND, báo cáo số 109/BC-UBND về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại lô đất C1.TH3.

Ngày 12/7/2017, UBND phường Hoàng Liệt đã phối hợp cùng các đơn vị, phòng ban chuyên môn đã tổ chức cưỡng chế 1 phần công trình vi phạm tại lô đất C1.TH3. Do phần diện tích nhà kho, xưởng nhiều và máy móc có giá trị kinh tế cao, do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão nên phía chủ đầu tư đã xin tự di chuyển và tháo dỡ toàn bộ phần vi phạm xong trước ngày 31/7/2017. 

Việc GPMB lô đất này cũng đang gặp nhiều khó khăn.  

Đến ngày 4/8/2017, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra hiện trạng lô đất C1.TH3. Tại thời điểm kiểm tra Công ty HUD 3.3 không chấp hành quyết định cưỡng chế số 324/QĐ-UBND ngày 26/6/2017 của UBND phường Hoàng Liệt. Cố tình đưa thợ vào thi công lợp lại toàn bộ phần công trình mà UBND phường đã tổ chức cưỡng chế ngày 12/7/2017.  

Thế nhưng, đến ngày 13/11/2017, theo ghi nhận trực tiếp của Reatimes tại lô đất C1.TH3, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, sử đụng đất sai mục đích vẫn còn tồn tại. Các hoạt động sản xuất trái phép vẫn diễn ra từ các công trình sai phạm trên.

Như vậy, mặc dù chính quyền địa phương, TTXD đã liên tiếp đưa ra các văn bản, báo cáo và cao nhất là thực hiện cưỡng chế các công trình sai phạm tại lô đất C1.TH3 trên nhưng đến nay, sai phạm vẫn tồn tại. Thực tế này khiến người dân đang nghi ngờ về khả năng thực hiện công vụ, quyền hạn của cơ quan chức năng. Và, nghiêm trọng hơn là dấu hiệu coi thường pháp luật của công ty HUD 3.3 khi cố tình trục lợi, vi phạm kéo dài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top