Aa

Kẻ khóc, người cười trước cơn thoái trào của nhà trọ tiện ích

Chủ Nhật, 08/09/2019 - 13:34

Với mức giá dao động khoảng 1,5 triệu đồng một người/tháng với đầy đủ tiện nghi; mô hình nhà trọ tiện ích (nhà trọ homestay) đã thu hút được không ít khách hàng. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng thu được lợi nhuận từ hình thức kinh doanh này.

“Kẻ khóc, người cười”

Chị Nguyễn Thanh Mai (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều năm nay đã kinh doanh nhà trọ cho sinh viên thuê, cho biết: “Khoảng ba năm trước, mô hình nhà trọ homestay bắt đầu nở rộ, tôi cũng mạnh dạn đầu tư, chỉnh trang lại các phòng trọ, và mua sắm đầy đủ đồ dùng cần thiết như giường tầng, tủ đồ, bàn ghế, bếp, mạng internet tốc độ cao... và cho thuê với giá 1,5 triệu/người, từ 4 - 6 người/phòng”.

Sau một thời gian vận hành, thấy hiệu quả, chị Mai đã tìm kiếm thêm các phòng trọ truyền thống ở quanh khu vực đường Cầu Giấy, Xuân Thủy để làm tiếp mô hình nhà trọ tiện ích trên. Theo chị Mai, đối tượng khách hàng chị hướng tới chủ yếu là sinh viên có nhu cầu ở chất lượng cao.

“Thực tế, rất nhiều sinh viên có nhu cầu tìm nhà trọ với đầy đủ tiện ích, sạch sẽ, thoáng mát, nhưng với mức giá dao động từ 1,5 triệu đồng thì rất khó tìm được phòng trọ nào ở Hà Nội đáp ứng được yêu cầu trên. Do đó, mô hình này rất phù hợp”.

Để thu hút khách hàng, các chủ nhà trọ đã bỏ ra khoản tiền không nhỏ để đầu tư nội thất.

Một trong những lợi thế mà chị Mai sở hữu đó là các phòng trọ của chị đều nằm ở vị trí gần nhiều trường đại học, nhu cầu về chỗ ở cao. Do đó, các phòng luôn được lấp đầy nên thu nhập từ hình thức kinh doanh này luôn được đảm bảo, ổn định. Mặt khác, việc sử dụng giường tầng cũng giúp số lượng người ở trong cùng một căn phòng tăng ít nhất gấp 2 lần so với hình thức cho thuê truyền thống.

Cũng giống như mô hình của chị Mai nhưng ở phân khúc cao cấp hơn, ông Đào Tuấn Anh lựa chọn đầu tư vào các căn hộ chung cư quanh khu vực quận Thanh Xuân. Nhóm khách hàng ông hướng đến chủ yếu là người đi làm, có thu nhập. Chính vì vậy, các phòng trọ đều nằm tại các khu vực có đầy đủ tiện ích như bể bơi, phòng tập gym...

Tuy nhiên, sau khi đầu tư 2 căn hộ với diện tích khoảng 100m2/căn, sắm sửa nội thất đầy đủ, nhưng sau nhiều tháng trôi qua, dù đã đăng bài, chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội tốn kém không ít, căn phòng trọ vẫn chưa thể lấp đầy khách. Ông Tuấn Anh cho biết: “Cũng có khá nhiều người đến xem nhà, nhưng sau khi thấy số người ở cùng đông lại không quen nên đều không mấy mặn mà. Mặt khác, họ đều là những người đi làm, nên có nhiều mối quan hệ và cần không gian riêng tư hơn, do vậy việc ở chung đông sẽ trở nên bất tiện”.

Tự nhận thấy hướng đầu tư của mình chưa hợp lý và kén khách hàng nên ông Tuấn Anh đành phải trả lại 1 căn, còn một căn đã cho thuê thì đành phải chịu lỗ vì không đủ khách như dự tính.

Cần đầu tư bài bản trước cơn thoái trào

Cách đây vài năm, mô hình nhà trọ homestay từng là hiện tượng của phân khúc nhà trọ và rất hút khách. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, khoảng 1 năm trở lại đây, loại hình nhà ở này đã dần mất sức hút và rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí đóng cửa. Đối tượng quan tâm nhiều nhất đến mô hình này là sinh viên bởi khá giống với ký túc xá (KTX), lại tiện nghi, sạch sẽ và rộng rãi hơn thì đến nay cũng không còn mặn mà.

Chị Quỳnh Mai, sinh viên năm 3 chia sẻ: “Hồi học năm 2, mình có chuyển từ KTX của trường ra ngoài ở, và đã chọn một nhà trọ homestay vì giá cả trọn gói, lại đầy đủ tiện ích. Do quen ở KTX nên cũng không ngần ngại việc ở chung nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian, nội thất đồ đạc bị hư hỏng, xuống cấp vì mọi người đều ở thuê nên không có ý thức giữ gìn, “cha chung không ai khóc”, chủ nhà cũng không chỉnh trang lại. Do vậy, mình không ở nữa mà thuê phòng riêng”.

“Lúc đầu vào ở mình cũng rất hài lòng, nhưng khi phòng lấp đầy thì mọi sinh hoạt khá bất tiện vì nhiều người cùng sử dụng nhà vệ sinh, bếp nấu chung, không ít lần phải xếp hàng. Thậm chí có người còn thường xuyên đưa bạn về nhà, dễ xảy ra những vấn đề không hay nên mình đã chuyển đi chỗ khác”, chị Trang bức xúc.

Qua khảo sát thực tế tại một số điểm nhà trọ tiện ích, phần lớn tỷ lệ lấp đầy mới rơi vào khoảng 50 - 70%, điều này trái ngược hoàn toàn với thời điểm cách đây 3 năm về trước, khi không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thuê trọ.

Đỉnh điểm hơn, chán nản với việc ế khách thuê trọ, không thể thu lại vốn đã bỏ ra đầu tư, không ít các chủ nhà trọ đã phải rao bán đồ đạc, nội thất trên các trang mạng xã hội với hy vọng vớt vát lại được chút nào hay chút đó.

Không khó để bắt gặp các chủ nhà trọ thanh lý nội thất homestay trên các trang mạng xã hội

Trước cơn thoái trào của mô hình nhà trọ tiện ích, chị Thanh Mai cho hay: “Đây không phải mô hình mới, nhưng các chủ đầu tư phải biết cách làm sao để không gian sống của người thuê trọ luôn được “mới”. Nếu muốn thu lời từ loại hình này, phải có sự đầu tư lâu dài. Có thể chi phí bỏ ra ban đầu sẽ cao vì sắm đồ chất lượng, thường xuyên tu sửa, chỉnh trang và vốn thu hồi sẽ lâu hơn. Nhưng sẽ đảm bảo được lượng khách đều đặn, chậm mà chắc”.

Sau lần kinh doanh kém may mắn, ông Tuấn Anh khẳng định: “Mô hình này sẽ không bao giờ hết thời, bởi các nước phát triển họ vẫn đang làm rất tốt. Điều quan trọng là phải xác định được nhóm đối tượng có nhu cầu và đầu tư sao cho hợp lý, tiện lợi, phù hợp với túi tiền và nhu cầu cá nhân”.

Trên thực tế, mô hình kinh doanh nhà trọ chưa bao giờ hết "nóng" với các nhà đầu tư cá nhân. Đặc biệt tại thị trường Hà Nội khi nhu cầu thuê trọ rất cao, bởi số lượng sinh viên và người lao động ngày càng tăng. Tuy nhiên, để mô hình nhà trọ tiện ích đạt hiệu quả, đòi hỏi chủ nhà phải có hướng đi đúng đắn và có sự đầu tư lâu dài. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top