Aa

Kế nghiệp doanh nghiệp gia đình: Tình trị hay kỹ trị?

Thứ Sáu, 28/06/2019 - 06:01

Doanh nghiệp gia đình như một con tàu, mỗi thế hệ kế nghiệp là lắp thêm 1 toa mới, những bánh lái và đường ray của nó phải được thiết kế theo nguyên tắc kỹ trị chuyên nghiệp.

DOANH NGHIỆP GIA ĐÌNH - CÁI NÔI CỦA NỀN KINH TẾ

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Theo khảo sát 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy, tổng số vốn của các doanh nghiệp gia đình này lên đến trên 3.000 tỷ USD.

“Điều này đồng nghĩa những doanh nghiệp gia đình của nền kinh tế thế giới hiện lớn hơn quy mô nền kinh tế Việt Nam. Do đó, có thể hiểu họ chính là một nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI nhận định.

Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các doanh nghiệp gia đình với những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder…

Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido…

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Khẳng định các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc một lần nữa nhấn mạnh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.

Trong khi đó, ông David Tay - Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia & Việt Nam, một doanh nghiệp gia đình cho biết, doanh nghiệp gia đình có những tác động lớn nên nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp gia đình chiếm 66% GDP toàn cầu, đóng góp từ 60.000 đến 70.000 tỷ USD cho toàn cầu.

Đáng chú ý hơn, ông David Tay cho biết, theo thống kê của PWC, doanh nghiệp gia đình tạo ra hơn 60% giá trị nền tảng trên thế giới.

Ngoài ra, khảo sát của PWC cũng cho thấy, 80% doanh gia đình kỳ vọng doanh thu của doanh nghiệp gia đình tăng ở mọi lĩnh vực, có đến 69% kỳ vọng doanh nghiệp thu cao hơn, và có 16% kỳ vọng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ.

Ngoài ra, khảo sát của PWC cũng cho thấy doanh nghiệp điều hành ở thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai thường là giai đoạn doanh nghiệp có doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, xu hướng giảm dần từ thế hệ thứ ba, thứ tư trở đi.

Đồng thời, ông David Tay cũng cho biết: Một nghiên cứu khác cho thấy điểm tương tự, chỉ 30% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ 2, chỉ 12% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ ba và và chỉ 3% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ tư.

Đồng thời, khi PWC tiến hành khảo sát về kế hoạch của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam trong thời gian tới cho thấy, chỉ 57% doanh nghiệp sẽ có kế hoạch bàn giao trong 10 năm tới. Tuy nhiên, con số này cao hơn ở các nước Đông Nam Á.

BÍ QUYẾT CHUYỂN GIAO THÀNH CÔNG

Chia sẻ về câu chuyện chuyển giao thế hệ, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings nêu ra những khó khăn trong quá trình chuyển giao. “Tại các doanh nghiệp gia đình Việt Nam, việc chuyển gia doanh nghiệp cho thế kế nghiệp thứ hai nhưng thế hệ thứ hai lại không yêu thích công việc kinh doanh là điều vô cùng khó. Đó là chưa kể, trách nhiệm và gánh nặng chuyển giao cho thế hệ thứ hai cũng là áp lực vô cùng lớn”, bà Hường chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings

Theo bà Hường, thế hệ kế nghiệm trong gia đình mình nếu đam mê thì mới chuyển giao. “Nếu không hãy giữ niềm tự hào có thương hiệu mạnh như thế. Đồng thời, hãy để những người thực sự năng lực đứng vị trí điều hành. Trong trường hợp này, thế hệ F2 có thể trở thành cổ đông của công ty. Đây cũng là phương án tốt cho doanh nghiệp”, bà Hường nhìn nhận.

Đồng thời, trong trường hợp thế hệ kế nghiệp vẫn muốn chuyển giao doanh nghiệp cho các thành viên trong gia đình, ở trường hợp này, bà Hường cho rằng, có 2 cách thức chuyển giao doanh nghiệp thế hệ thành công. Thứ nhất: Sử dụng các tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ cho thế hệ kế nghiệm. Thứ hai: Sử dụng cấu trúc doanh nghiệp chuyên nghiệp để lãnh đạo công ty.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân Deloitte Việt Nam cho rằng, bản chất tên của doanh nghiệp gia đình đã nói lên nhiều điều. Là thế hệ thứ ba trong một doanh nghiệp gia đình, ông Minh cho biết, chuyển giao thế hệ là sự hiểu nhau. Ví dụ thế hệ F1 có thực sự hiểu thế hệ F2 hay không. Theo nghiên cứu, trong khi thế hệ F1 đặt nặng vấn đề tăng năng suất thì thế hệ F2 có đặc tính thích sự linh hoạt và cảm tính, sáng tạo. Như vậy có nhiều sự khác biệt trong suy nghĩ của hai thế hệ này, do đó, thế hệ F1 cần lắng nghe thế hệ F2 nhiều hơn.

“Tôi từng nhìn thấy hai cha con vào chung một nhà hàng, cả hai đều không nói chuyện với nhau cho tới khi có người thứ ba xuất hiện. Do đó, dù có chuyển giao thành công hay không, sự chia sẻ nên bắt đầu từ mỗi bữa ăn trong gia đình. Trong gia đình nói chuyện, hiểu, tin tưởng và đồng cảm được với nhau rồi hãy đặt vấn đề chuyển giao”, ông Minh nhìn nhận.

Ông Bùi Tuấn Minh -p/Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân Deloitte Việt Nam

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân Deloitte Việt Nam

Cùng với đó, ông Minh cho biết, với nền kinh tế tuần hoàn đặt ra yêu cầu về thay đổi mô hình kinh doanh trong xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới. Thế hệ F2 là thế hệ đang tiếp nhận những dấu hiệu thay đổi này, do đó, cần để thế hệ này phát huy những yếu tố này trong phát triển doanh nghiệp ở giai đoạn tiếp theo của doanh nghiệp gia đình.

Đồng quan điểm với ông Minh, bà Nguyễn Ngọc Mỹ, thành viên HĐQT Alphanam Group, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Foodinco chia sẻ rằng, niềm tin, lòng tin chính là công thức có thể gắn kết từng thành viên trong doanh nghiệp gia đình.

 

Thông qua bữa cơm gia đình có nhiều thông tin để trao đổi, gắn kết, trao quyền kế nghiệm của các bậc tiền bối đi trước cho thế hệ đi sau, để thế hệ đi sau có thêm kinh nghiệm vững bước”.

Bà Trần Thị Tuyến Ánh, Vụ trưởng Vụ gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch)

“Tôi nghĩ rằng thế hệ chuyển giao và thế hệ được chuyển giao cần chia sẻ nhau với nhau những khó khăn để cùng nhau bước qua”, bà Mỹ chia sẻ.

Ngoài ra, bà Mỹ cho rằng, sự chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ giúp các thành viên trong doanh nghiệp gia đình gắn kết với nhau hơn mà còn hỗ trợ cho quá trình chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ kế nghiệp thành công hơn.

Trong khi đó, ông David Tay đã chia sẻ 5 yếu tố dẫn đến thành công khi xây dựng kế hoạch chuyển giao thành công ở thế hệ thứ nhất: Đầu tiên, thế hệ thứ nhất phải xác định được họ muốn để lại gì, chuyển giao như thế nào cho thế hệ thứ hai?; Thứ hai, họ phải xác định được một kế hoạch chuyển đổi lãnh đạo thế nào?; Thứ ba, là có đội ngũ cố vấn phù hợp hơn để việc chuyển giao được dễ dàng hơn; Thứ tư, là tiếng nói và và sự tư vấn từ Hội đồng quản trị của công ty, bởi đây chính là đội ngũ có góc nhìn đa dạng, họ đối mặt với sự thay đổi liên tục trước thời dại kỹ thuật số nên họ hoàn toàn có thể đưa ra lời khuyên giúp chuyển giao kế hoạch thành công; Cuối cùng, xác định điều cần cải tiến trong kế hoạch kế nghiệp và được xem là điều cần thiết trong kế hoạch kế nghiệp.

Cùng với đó, ông cũng nêu ra 5 bước cho thế hệ kế cận để chuyển gia thành công.Thứ nhất, thế hệ kế nghiệp thứ hai xác định được điều gì chờ mình ở phía trước, ai là người được kế nghiệp; Thứ hai, thế hệ kế nghiệp thứ hai cần được trao đổi với thế hệ thứ nhất để nhận thấy rằng quan điểm và suy nghĩ của mình được lắng nghe; Thứ ba, thế hệ kế nghiệp thứ hai cần hệ thống tư vấn pháp lý và thuế tốt để tiết kiệm thời gian; Thứ tư, trao cho thế hệ kế nghiệp những nhà cố vấn giỏi; Thứ năm, thế hệ kế nghiệp cần được chuyển giao công việc một cách rõ ràng.

Ngoài ra, ông David Tay cũng lưu ý rằng đối với thế hệ kế cận, họ cần học hỏi kinh nghiệm từ bên ngoài, giúp họ hiểu thế nào là giá trị của việc đi làm thuê, hiểu được ý tưởng làm thế nào cho doanh nghiệp của chính mình.

KỸ TRỊ VÀ QUẢN LÝ CHUYÊN MÔN CHUYÊN NGHIỆP

Để thành công trong doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định. “Phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị, tình trị mà phải kỹ trị và có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị doanh nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy, doanh nghiệp mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt với sự thua kém doanh nghiệp khác và rồi thất bại”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới cũng cho thấy bài học tuyển dụng các thành viên vào vị trí quản trị phải chuyên nghiệp. Thậm chí, nếu thành viên gia đình không đảm bảo năng lực quản trị hoàn toàn có thể tuyển dụng nhân sự quản trị từ bên ngoài. Tuy nhiên, các thành viên gia đình sẽ thuận lợi hơn nhiều so với nhân sự từ bên ngoài bởi bên cạnh năng lực trong quản trị sẽ là sự gắn kết gia đình.

TS. Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: “Nếu thành viên trong gia đình là người quản trị doanh nghiệp, ngoài chỉ số về IQ sẽ có thêm chỉ số tình yêu, nếu phát huy được tình yêu đó cộng với các yếu tố về quản trị chuyên nghiệp sẽ tạo cảm xúc và sáng tạo trong phát triển kinh doanh”.

Liên tưởng đến hình ảnh những bà mẹ là doanh nhân, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, những bà mẹ là doanh nhân sẽ có những đứa trẻ yêu kinh doanh từ bụng mẹ, được dạy về kinh doanh từ thuở trong nôi. Những thế hệ kế nghiệp này sẽ có lợi thế lớn hơn.

“Kế nghiệp vốn là sự kế thừa và tiếp tục, nhưng kế nghiệp hiện nay không còn đơn giản như vậy, phải là sự kế nghiệp sáng tạo. Trong quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp gia đình hãy quan niệm doanh nghiệp như gia đình mở rộng, những người làm thuê cũng như người trong gia đình, gia đình hoá công ty tức là xây dựng văn hoá công ty như xây dựng văn hoá gia đình. Phải xây dựng được mô hình quản trị đối xử với các thành viên và khách hàng như gia đình, phải quan tâm tới người lao động, khách hàng như anh em trong gia đình. Đây là công thức thành công”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI khẳng định, tình yêu gia đình chính là động lực cho doanh nghiệp gia đình phát triển. “Doanh nghiệp gia đình như một con tàu, mỗi thế hệ kế nghiệp là lắp thêm 1 toa mới, những bánh lái và đường ray của nó phải được thiết kế theo nguyên tắc kỹ trị chuyên nghiệp. Phải theo cách đó, doanh nghiệp gia đình mới phát triển bền vững”, TS. Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Theo đó, xây dựng được hệ thống quản trị chuyên nghiệp và vận hành được hệ thống đó chính là yếu tố then chốt tạo sự thành công của doanh nghiệp gia đình. “Tôi cho rằng, ở Việt Nam doanh nghiệp gia đình đầu tiên chính là Âu Cơ và Lạc Long Quân với một người làm kinh tế rừng, một người làm kinh tế biển - đó có thể xem là hình thái tập đoàn kinh tế gia đình đầu tiên tại Việt Nam. Đó là một tuyên ngôn về bình đẳng giới, về sự phát triển của doanh nghiệp gia đình của Việt Nam. Mai An Tiêm cũng là doanh nghiệp gia đình như thế. Sau này, là doanh nghiệp gia đình của doanh nhân Bạch Thái Bưởi... Như vậy, từ xa xưa, tinh thần của doanh nhân Việt, của doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã là động lực của phát triển kinh tế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, hệ thống quản trị doanh nghiệp phải được xây dựng và phát triển bền vững. “Ở Việt Nam, nhiều địa phương, doanh nghiệp còn chưa hiểu nhiều về phát triển bền vững. Tuy nhiên, mới đây, tại TP.HCM đã có 1 trường dạy học sinh về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Do đó, các doanh nhân cần giáo dục điều này trong doanh nghiệp gia đình, mỗi doanh nhân đi trước sẽ chính là giáo dục trực quan cho phát triển bền vững tại mỗi doanh nghiệp gia đình”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Nhắc tới 4 câu thơ cuối trong bài Núi Đôi của nhà thơ Vũ Cao, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, nếu ứng vào các doanh nghiệp gia đình thì có thể được thay đổi là: “Anh làm doanh nghiệp sao trên mũ/Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi SDGs”. Trong đó, với doanh nghiệp gia đình Việt Nam thì sao là sao vàng chất lượng, bông hoa trên đỉnh núi chính là mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top