Sang tên sổ đỏ là gì?
Sang tên sổ đỏ là cách gọi thông thường của chuyển nhượng, cho thuê hoặc thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất. Đây là một trong những thủ tục hành chính phổ biến nhất trên thị trường nhưng không phải ai cũng biết các quy định để thực hiện sang tên sổ đỏ thành công.
Trường hợp nào không được phép sang tên sổ đỏ?
Tại Khoản 1 và Khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 có quy định cụ thể những trường hợp người sử dụng đất có thể sang tên sổ đỏ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sẽ có những trường hợp dù có sổ đỏ cũng không thể sang tên, cụ thể:
1. Trường hợp đất đang rơi vào tranh chấp, chưa được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng chưa có các bản án, phán quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định sẽ có một số trường hợp không thể sang tên sổ đỏ, người dân cần biết để tránh gặp rắc rối. Ảnh: Internet
2. Trường hợp đất đang bị kê biên hoặc bị áp dụng các biện pháp khác nhằm đảm bảo thi hành án.
3. Trường hợp đất đã hết thời hạn sử dụng.
4. Trường hợp đất đang bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định.
5. Trường hợp đất thuộc đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng hoặc đất thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái trong rừng đặc dụng.

Sang tên sổ đỏ là thủ tục bắt buộc khi có biến động về đất đai. Ảnh minh họa
Ngoài ra, theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ có một số trường hợp không thể sang tên sổ đỏ do người nhận chuyển nhượng thuộc đối tượng không được nhận chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất, cụ thể:
1. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trường hợp cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó.
3. Trường hợp là tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.