Mặc dù các ngân hàng đang có xu hướng siết chặt tín dụng bất động sản, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vẫn công bố những khoản lợi nhuận kỷ lục.
Cụ thể, Novaland ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý III/2018 tăng 32,69% đạt 667 tỷ đồng; trong khi Công ty cổ phần đầu tư Nam Long ghi nhận lợi nhuận ròng quý III tăng gấp 6 lần cùng kỳ, đạt 450 tỷ đồng; Tập đoàn Đất Xanh cũng ghi nhận lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm lên tới 1.019 tỷ đồng, tức hoàn thành 95% kế hoạch năm.
Hay trường hợp Vinhomes ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trong quý III/2018 lên đến 4.309 tỷ đồng, tăng 177% so với cùng kỳ năm trước.
Tất nhiên, vẫn còn đó những trường hợp giảm tốc đột ngột, khiến giới đầu tư sửng sốt như trường hợp của Quốc Cường Gia Lai. Nhưng nhìn chung, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang chứng tỏ hiệu quả hoạt động và đang trên đà hoàn thành nhiệm vụ mà đại hội cổ đông đã giao phó đầu năm.
Có một số nguyên nhân giải thích cho kết quả này. Ở Vinhomes, lợi nhuận thu được là do bàn giao các dự án lớn như Vinhomes Golden River, Vinhomes Metropolis. Công ty cũng thu được các khoản lợi nhuận được chia từ hợp tác đầu tư trong các dự án Vinhomes the Harmony, Vinhomes Imperia hay Vinhomes Dragon Bay.
Trong khi ở Novaland, các khoản thu từ hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) là nguyên nhân chính giúp công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng khả quan. Còn với Phát Đạt, lãi được chia từ các dự án hợp tác đầu tư với các đối tác khác lại là trợ lực chính hỗ trợ doanh nghiệp này có được sự gia tăng ấn tượng về lợi nhuận.
Có được kết quả thuận lợi hiện nay phải nhờ các hành động trong quá khứ. Tận dụng cơ hội khá tốt khi thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ các năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tung ra các dự án và đến giờ là thời điểm ghi nhận lợi nhuận khi chính thức bàn giao nhà.
Điển hình như ở Novaland, theo công ty này còn khoảng 6.400 tỷ đồng chưa thể ghi nhận vào doanh thu năm nay do chưa kịp hoàn thành thủ tục bàn giao cho khách hàng. Khoản tiền này dự kiến sẽ đóng góp vào kết quả kinh doanh cho tập đoàn trong các năm sau đó.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng giảm dần vai trò độc tôn trong các dự án lớn mà tích cực chia lửa với các nhà đầu tư khác, để từ đó giảm chi phí đi vay đồng thời có thêm cơ hội mở rộng mạng lưới kinh doanh thông qua nguồn lực của các đối tác. Điển hình nhất trong chiến lược này là Nam Long khi hợp tác tích cực với các đối tác đến từ Nhật Bản, hay như Phát Đạt hợp tác với Thảo điền Investment.
Tất nhiên, triển vọng kinh doanh trong thời gian tới sẽ tiếp tục là một ẩn số khi lượng các dự án mở bán trong năm 2018 này thật sự không nhiều. Trong bối cảnh đó, một số doanh nhiệp như Novaland đang mở rộng địa bàn hoạt động sang lĩnh vực bất động sản du lịch tại nhiều địa phương như Cần Thơ, Phan Thiết, Cam Ranh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hướng đi mới này được đánh giá là khá hứa hẹn khi thị trường bất động sản du lịch vẫn đang trong xu thế tăng trưởng khả quan, nhờ lượng khách quốc tế đến Việt Nam tốt, cộng hưởng với sự hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ.
Đối mặt với viễn cảnh bị hạn chế tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản khá nhanh nhạy để tìm các kênh huy động vốn mới. Bên cạnh phát hành thêm cổ phiếu, một số doanh nghiệp đang tận dụng kênh trái phiếu như một hướng đi mới.
Ở Đất Xanh, tập đoàn này đang ráo riết phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn 5 năm. Trước đó, Novaland phát hành thành công 160 triệu USD trái phiếu quốc tế, được niêm yết trên thị trường Singapore hay nhà phát triển Nam Long cũng huy động thành công 660 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.
Với xu thế hiện nay, có thể thấy thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới, nhất là khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam.