Ở những bài trước chúng tôi đã phản ánh về vụ việc hơn 4.000 khẩu trang do các công ty làm từ thiện gửi đến bà con vùng sâu vùng xa của tỉnh Thừa Thiên – Huế thông qua chuyển phát nhanh của Viettel Post bị mất tích.
Đại diện đơn vị vận chuyển Viettel Post đã đề nghị Bộ Quốc phòng vào cuộc điều tra, được biết, quá trình vận chuyển lô hàng này trải qua rất nhiều chặng, có sự tham gia của Viettel Post, đối tác của Viettel Post, của hãng bay và các bộ phận khai thác mặt đất tại sân bay...
Sau đó, Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị phối hợp yêu cầu trích xuất toàn bộ camera liên quan đến quá trình vận chuyển, khai thác lô hàng này trong quá trình truy tìm thủ phạm.
Sau một thời gian điều tra, rà soát, phân tích xác minh kỹ càng từng khâu, từng bộ phận, từng cá nhân liên quan đến vụ việc, ngày 7/4/2020 Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 2 đã xác định được đối tượng phạm tội.
Cơ quan này xác nhận, đối tượng L.M.T. (là nhân viên đối tác của Công ty CP dịch vụ hàng hóa Sài Gòn thuê) làm việc trong khu vực tiếp nhận hàng bay phía trong sân bay và đối tượng T.K.T. - là nhân viên của Công ty TNHH cung ứng nhân lực Nhân Kiệt (là đối tác cung ứng dịch vụ khai thác bưu phẩm, bưu kiện cho Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel).
Cả hai đã cấu kết với nhau, lợi dụng thời điểm sau khi Viettel Post đã bàn giao hàng hóa và được tập kết tại khu trung chuyển trong khi chờ lên máy bay, các đối tượng đã kéo lô hàng này vào góc khuất và thực hiện hành vi rạch thùng hàng, rút ruột khẩu trang khoảng 10 hộp mỗi thùng, sau đó dùng băng keo dán lại thùng hàng để không bị phát hiện.
Tổng số lượng đối tượng đã trộm cắp là 85 hộp khẩu trang tương đương 4.250 chiếc. Số khẩu trang lấy được, hai đối tượng trên đã cho vào tải, vận chuyển bằng xe máy ra khỏi sân bay và đem đi tiêu thụ. Số tiền thu lợi bất hợp pháp là 18 triệu đồng.
Sau khi điều tra, mặc dù đối tượng trộm cắp không phải là nhân viên của Bưu chính Viettel Post, nhưng trách nhiệm của đơn vị vận chuyển này đối với khách hàng thì không tránh khỏi.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, câu chuyện không đơn giản chỉ là bồi thường thiệt hại khi đơn vị vận chuyển làm mất tài sản mà còn có thể xem xét trách nhiệm pháp lý về hành vi trộm cắp tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định của pháp luật thì khẩu trang y tế là vật tư y tế, là tài sản và có thể định giá được bằng tiền. Bởi vậy, trong vụ việc này, câu chuyện không đơn giản chỉ là bồi thường thiệt hại khi đơn vị vận chuyển là mất tài sản mà còn có thể xem xét trách nhiệm pháp lý về hành vi trộm cắp tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
“Trước hết, việc đầu tiên đối với trách nhiệm dân sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì đơn vị vận chuyển hàng hóa này phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với khách hàng. Giá trị số lượng khẩu trang bao nhiêu thì đơn vị vận chuyển này phải bồi thường bấy nhiêu cho khách hàng theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật trong lĩnh vực bưu chính”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Luật sư Cường phân tích, theo Điều 541 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa như sau: Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
Tại Điều 24 Nghị định 47/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật bưu chính, có quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính như sau:
- Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.
- Bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi toàn bộ thì được bồi thường theo quy định đối với từng loại dịch vụ. Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp quy định không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của từng loại dịch vụ theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.
Trong khi cơ quan điều tra xác minh làm rõ và xử lý đối với các đối tượng vi phạm thì đơn vị bưu chính này có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật nêu trên, thiệt hại là toàn bộ giá trị hàng hóa và các chi phí phát sinh.
“Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì có thể được giải quyết trong vụ án hình sự (nếu có) hoặc qua khởi kiện tranh chấp bằng vụ án dân sự theo thủ tục quy định chung”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, c cho biết, ngay sau khi có kết luận của Bộ Quốc phòng về đối tượng trộm cắp hơn 4.000 khẩu trang không liên quan đến Viettel Post thì trách nhiệm hình sự về việc này giữa khách hàng và đơn vị này đã là chuyện khác nhau. Việc khởi tố trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản thuộc về Viettel Post và đối tác.
“Tuy nhiên, khách hàng vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với Viettel Post khi hai bên chưa đi đến thỏa thuận thích đáng về việc bồi thường thiệt hại do thất thoát khi vận chuyển hàng vì Viettel Post là đơn vị trực tiếp ký hợp đồng với khách hàng”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm.