Aa

Khách hàng nên tỉnh táo lựa chọn chủ đầu tư có uy tín

Thứ Tư, 03/05/2017 - 06:07

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Hà Nội), timeshare là mô hình kinh doanh BĐS mới tại Việt Nam, vì vậy, khách hàng cần phải chọn chủ đầu tư có uy tín.

Trước đó, báo chí đã đề cập về sự việc nhiều bạn đọc phản ánh về việc, Công ty Vịnh Thiên Đường (ALMA) có cách làm việc khác người: cố dụ người mua bằng các chiêu trò quái đản, cùng với đó là việc nhiều người đã bỏ ra những số tiền rất lớn để mua giá trị ảo. Cụ thể khi khách hàng bỏ ra 15.000 USD đến 20.000 USD nhưng khách hàng chỉ được quyền sử dụng 01 tuần/năm căn hộ nghỉ dưỡng /biệt thự ALMA trên cơ sở lặp lại định kỳ trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, đối với 52 tuần còn lại ALMA cho 52 khách hàng Việt khác cho thuê lại và thu lời rất lớn...

Theo phản ánh của các khách hàng đã ký Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với ALMA, khách hàng không có bất cứ thông tin gì về ALMA và Dự án của ALMA trước khi nhận lời mời tham gia Hội thảo về “Hạnh phúc gia đình” của công ty này.

Sau khi tham gia chương trình theo lời mời của ALMA, khách hàng đã lạc vào ma trận của ALMA bởi những lời giới thiệu đường mật và bản vẽ phối cảnh đẹp như mơ của Dự án.

Nắm được tâm lý còn dè dặt khi một số khách hàng chưa đủ khả năng về tài chính, ALMA liên kết với một số Ngân hàng mở thẻ tín dụng cho một số khách hàng vay để nộp tiền ngay và nhanh chóng ký Hợp đồng khi chưa có sự tìm hiểu kỹ càng về Dự án. >>>Xem thêm thông tin tại đây

Để hiểu rõ hơn những vấn đề pháp lý về mô hình sở hữu kỳ nghỉ timeshare và những vướng mắc trong vụ việc ALMA, PV Reatimes đã PV luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Hà Nội).

- Thời gian gần đây báo chí phản ánh Công ty Vịnh Thiên Đường (ALMA) tung ra thị trường mô hình kinh doanh BĐS mới, đó là dịch vụ timeshare. Loại hình này hiện đã được quy định và quản lý thế nào trong các quy định của pháp luật của Việt Nam, thưa luật sư?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Loại hình kinh doanh timeshare không bị ảnh hưởng bởi Luật Nhà ở về huy động vốn. Timeshare là loại hình kinh doanh dịch vụ chứ không phải bán tài sản nên sẽ không bị điều chỉnh bởi các chính sách về huy động vốn trước từ khách hàng.

Với loại hình này, các chủ đầu tư có thể huy động vốn lên đến 80% hoặc hơn. Trong trường hợp không khả quan, chủ đầu tư có thể hoãn lại, thậm chí có thể hủy hợp đồng và việc đền bù hợp đồng còn ít thiệt hại hơn so với chủ đầu tư xây dựng thật.  

Loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch timeshare bản chất là cho thuê BĐS và được điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh BĐS 2014. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam, “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” của ALMA còn bị điều chỉnh bởi các quy định chung của Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Du lịch, Luật Đầu tư… và các văn bản khác hướng dẫn thi hành.

Về trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra xử lý khiếu nại về kinh doanh BĐS trên địa bàn thuộc về UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan này sẽ báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thị trường BĐS trên địa bàn.

- Theo báo chí phản ánh, sau khi học tập mô hình này từ nước ngoài và mang về áp dụng trong nước, Alma đã có nhiều chiêu trò để dụ khách mua những giá trị ảo. Quan điểm của luật sư về việc kinh doanh này của Alma như thế nào?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Timeshare là dịch vụ kinh doanh BĐS “sở hữu kì nghỉ” đã có mặt ở hơn 100 quốc gia trên thế giới với hơn 100.000 khu du lịch nhưng vẫn là mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam.

Ở Việt Nam đã có nhiều công ty tiến hành triển khai hình thức timeshare. Dưới góc độ pháp luật thì Việt Nam không cấm hình thức kinh doanh này.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Hà Nội.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Hà Nội.

 - Hiện dự án ALMA mới chỉ xây dựng được tòa nhà chính lên được 4 tầng nhưng đã tung ra nhiều chiêu trò để mời khách ký hợp đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Việc dự án ALMA giờ mới chỉ xây dựng được tòa nhà chính lên được 4 tầng nhưng đã tiến hành ký kết hợp đồng thực chất là một hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch đối với dự án BĐS được hình thành trong tương lai. Vấn đề này không cấm và được quy định tại Luật Kinh doanh BĐS 2014 về việc kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai.

Chỉ cần đáp ứng được điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ, thiết kế dự án, giấy phép và văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh được căn cứ tại Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS 2014 thì ALMA có thể tiến hành ký hợp đồng với khách hàng.

- Theo hợp đồng mà Alma giới thiệu với khách hàng, để sở hữu Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Alma, giá trị cho thuê mỗi căn hộ nghỉ dưỡng/biệt thự ALMA từ 15.000-20.000 USD nhưng khách hàng chỉ được quyền sử dụng 1 tuần/năm trên cơ sở lặp lại định kỳ trong các năm tiếp theo. Như vậy, số tuần còn lại đơn vị này sẽ cho khách khác thuê. Đây liệu có phải là trò kinh doanh đa cấp manh nha trong lĩnh vực BĐS?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Timeshare là hình thức kinh doanh có thể thông qua một tổ chức trung gian và trao đổi với bất cứ người sở hữu kỳ nghỉ nào trên toàn thế giới.

Một thành viên gia nhập câu lạc bộ và sở hữu kỳ nghỉ tại Việt Nam được hưởng những ưu đãi về dịch vụ của hệ thống resort hay khách sạn cao cấp của chính câu lạc bộ đó.

Ngoài ra, họ còn có thể trao đổi kỳ nghỉ của mình với các khách sạn, resort khác liên kết với câu lạc bộ trên toàn thế giới với chất lượng dịch vụ tương đương. Như vậy, với timeshare thì khách hàng chỉ cùng nhau “sở hữu kỳ nghỉ” chứ không giống như đa cấp, ở đó khách hàng phải trực tiếp đi tìm khách hàng.

- Đối với thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, cái tên ALMA khá còn mới mẻ cho thấy đơn vị này khó có thể có uy tín trong việc kinh doanh loại hình này. Ý kiến của luật sư về việc này thế nào?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Như bạn cũng đã thấy, ALMA là một cái tên mới mẻ đối với thị trường BĐS Việt Nam, điều này khó đảm bảo uy tín. Chính vì vậy, cần phải chọn chủ đầu tư có uy tín. Và an toàn nhất là mua các dự án đã đưa vào hoạt động, để tránh trường hợp bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn trong thời gian dài.

Khách hàng cần lưu ý về các điều khoản của Hợp đồng với chủ đầu tư, đặc biệt là điều khoản bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, điều khoản phạt và điều khoản hoàn trả phí khi chủ đầu tư không thực hiện đúng và đầy đủ các dịch vụ tiện ích như thoả thuận.

- Trước hình thức kinh doanh này của ALMA, theo luật sư các cơ quan chức năng phải làm gì để hạn chế rủi ro cho khách hàng?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khách hàng có thể khiếu nại và tố cáo khi thấy dự án kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ” của ALMA có vấn đề lên UBND tỉnh.

Khi đó, UBND tỉnh cần sẽ tiến hành nhiệm vụ cho Sở kế hoạch đầu tư là đơn vị cấp Giấy đăng ký kinh doanh phối hợp với Sở, ngành, địa phương đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra toàn bộ cơ cấu, tổ chức, hoạt động, thuế…đối với dự án của ALMA.

Ngoài ra, trong trường hợp các cá nhân, tổ chức có tranh chấp liên quan đến “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” của ALMA hoàn toàn có thể thực hiện quyền khiếu kiện ra trước có quan có thẩm quyền, như cơ quan công an, tòa án tại Việt Nam để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

- Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top