Điểm nóng của bất động sản Thủ đô
Thị trường bất động sản Tây Hà Nội đang rất sôi động với hàng loạt dự án được triển khai, mở bán. Trong đó, khu vực Mỹ Đình đang là cục nam châm thu hút nhiều nhất sự chú ý của người có tiền với các dự án như The Garden Hill, The Emeral Mỹ Đình, Scitech Tower, Hà Nội Paragon… Nhiều lô đất đã có chủ từ trước đó và án binh bất động, nay cũng nhộn nhịp trở lại.
Đây cũng là khu vực có hệ thống giao thông, hạ tầng tương đối hoàn thiện và liên tục được cải thiện. Mỹ Đình được kết nối tốt với các khu vực Tây, Nam và Đông của Thành phố. Đặc biệt, các tuyến đường 32, Phạm Hùng, Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng và đường Vành đai 3 trên cao chạy dài từ Mai Dịch (Cầu Giấy) đến Thanh Trì. Chính lợi thế giao thông và hạ tầng đồng bộ, cùng một quỹ đất lớn đã nâng hạng, tăng sức hấp dẫn cho khu vực này.
Tuy nhiên, với việc dồn cục quá nhiều dự án cao tầng, khiến khu vực này đang trở nên chật chội, chất lượng cuộc sống đi xuống.
Hiện xung quanh bến xe Mỹ Đình có nhiều dự án với hàng nghìn căn hộ đang "vây ráp" như The Garden Hill, Hà Nội Paragon. Mặc dù các dự án này chưa đi vào hoạt động, nhưng các con phố như Nguyễn Hoàng, Trần Bình, Phạm Hùng (đoạn từ nút giao Keangnam Landmark đến Công viên Hòa Bình) đã trở nên quá tải. Đặc biệt, đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Xuân Thủy đang phải chịu đựng nhiều áp lực lớn khi là cửa ngõ kết nối giữa các quận, huyện ngoại thành vào trung tâm Thành phố.
Khách hàng ngán chuyện tắc đường
Anh Hoàng Tuấn đang muốn tìm mua một căn chung cư, trong đó Mỹ Đình là khu vực được anh nhắm đến vì gần cơ quan. Tuy nhiên, khi quan sát thực tế về giao thông và hình dung về tương lai gần khi các dự án bất động sản đi vào hoạt động, anh có không ít lo ngại, đặc biệt về bến xe.
“Mấy dự án gần Bến xe Mỹ Đình khá hấp dẫn, có nhiều để lựa chọn, nhưng ngại cái là gần bến xe, đông đúc và ồn ào quá, lại hay tắc đường nên tôi đang cân nhắc”.
Tương tự, anh Giang Thanh Đan, hiện đang tìm mua một căn hộ khu Mỹ Đình để tiện đường về quê, nhưng sau khá nhiều ngày tham khảo ý kiến bạn bè, gia đình, anh lại chuyển qua mua căn hộ của một dự án ở gần cầu Thăng Long.
“Tôi đến khảo sát ba dự án vào ba thời điểm khác nhau là sáng sớm, giữa trưa và 21 giờ tối mà vẫn thấy cảnh đông đúc, giờ cao điểm thì không cần nói cũng biết là tắc thế nào. Chịu khó đi xa tý, nhưng thông thoáng thì vẫn hơn”, anh Đan cho biết lý do.
Cũng cùng mục tiêu nói trên, nhưng anh Nguyễn Hoàng Việt, phóng viên một tờ báo có trụ sở ở khu vực này lại có nhận định khác. Anh Việt đã đặt mua một căn chung cư ở Dự án Mỹ Đình Plaza với lý do: “Em nghe nói Bến xe Mỹ Đình sắp được một đại gia bất động sản mua lại. Sớm muộn gì khu đó cũng thành trung tâm thương mại và cư dân dự án bên này cũng được hưởng ké các tiện ích. Nếu đúng như vậy, em giữ để ở, còn không em sẽ bán”.
Một nhân viên kinh doanh bất động sản tiết lộ, mặc dù đang được thi công rầm rộ, nhưng các dự án gần Bến xe Mỹ Đình có sức bán không tốt, do nhiều khách hàng lo ngại việc tắc đường và mật độ dân số cao, dẫn đến chất lượng sống không được đảm bảo. Hiện có nhiều dự án có mức giá tương đương hoặc cao hơn một chút ở khu vực khác, nhưng không gian sống tốt hơn. Đặc biệt, không phải lo lắng về chuyện tắc đường.
“Nếu không có tiền thì chấp nhận mua dự án gần bến tàu, bến xe, chứ tài chính tốt hơn một chút thì nên mua các dự án khác, vừa tránh được bụi bặm, ồn ào, lại tiện cho việc đi lại. Các khách hàng em tiếp xúc giờ coi trọng vấn đề giao thông lắm, chứ không như trước kia, chỉ chăm chăm hỏi đến vị trí hay tiện ích”, nhân viên này nói.
Với việc có quá nhiều dự án tập trung, mật độ xây dựng cao như hiện tại, khả năng cao là khu vực quanh Bến xe Mỹ Đình sẽ lại vỡ trận như đã từng xảy ra.