- Trong báo cáo phân tích của PwC về kinh tế Việt Nam, Việt Nam chi cho cơ sở hạ tầng/GDP chiếm 5,8%, xấp xỉ mức chi của Trung Quốc. Vậy, hạ tầng có thể xem là một lĩnh vực đầu tư của Việt Nam cần tới một nguồn vốn rất lớn, thưa ông?
Nhìn chung trên bình diện tổng quan của nền kinh tế, mặc dù đẩy mạnh chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, thực tế hiện tại Việt Nam đang rất thiếu cơ sở hạ tầng và vẫn trong nỗ lực hoàn thiện ở mọi mảng cầu, đường, sân bay, bến cảng, hàng không và nhiều mảng khác nữa.
Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ chi đầu tư các mảng này, Chính phủ Việt Nam hiện đã áp dụng các chính sách và phương thức huy động vốn xã hội vào hợp tác đầu tư cùng khu vực công, theo các mô hình PPP, BOT… Mô hình này cũng đúng với lựa chọn của các quốc gia đã và đang đi trên con đường hoàn thiện hạ tầng như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Myanmar... và đã được xác nhận là mô hình đúng, phù hợp.
Theo đó thì cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, liên kết cùng các nhà đầu tư lớn trên thị trường quốc tế là vô cùng rộng lớn. Cũng có nghĩa là cơ hội của các lĩnh vực khác đang cần “đòn bẩy” nền - hạ tầng cơ sở.
- Hạ tầng cho ngành du lịch có phải là lựa chọn rót vốn và hợp tác của các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam thời gian thới?
Tôi nghĩ rằng đầu tư hạ tầng dĩ nhiên là nền tảng của phát triển ngành du lịch. Ví dụ nếu như trước đây Phú Quốc chỉ là một hòn đảo tự nhiên, thì sau giai đoạn Việt Nam đầu tư sân bay Quốc tế Phú Quốc, vùng đất này đã thay da đổi thịt. Hàng loạt các khách sạn gắn liền với các thương hiệu quốc tế đã có mặt tại đây.
Lượt khách du lịch quốc tế đến tham quan Phú Quốc cũng tăng lên mỗi ngày. Những chuyến bay nối chuyến đến các chặng Phú Quốc - TP HCM và các cảng hàng không quốc tế khác hôm nay và tương lai, chắc chắn sẽ càng khiến nhiều nhà đầu tư hạ tầng du lịch sẽ quan tâm đến vùng đất đó.
Thực tế thì quỹ đất để phát triển hạ tầng du lịch, những khách sạn, biệt thự nghĩ dưỡng, resort hạng sang ở các “đầu tàu” du lịch của Việt Nam, đặc biệt ở các vị trí nội thành, trung tâm, có hạn. Nhiều chủ đầu tư Việt Nam, từ rất sớm đã nhận ra các cơ hội khai thác và phát triển phân khúc này…
Sự hạn hẹp quỹ đất không hề là rào cản đối với thu hút vốn đầu tư hiện nay và tương lai vào phân khúc này. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài thực tế không có nhu cầu sở hữu đất đai dài hạn ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn phương thức liên doanh hợp tác, theo mô hình phát triển chuỗi thương hiệu và dịch vụ quản lý, khai thác hạ tầng du lịch. Những thương hiệu quốc tế như Marriot, Intercontinental… đã và đang hiện diện ở Việt Nam và phát triển hiệu quả theo cách thức này.
Ngược lại, cũng đã có những chủ đầu tư Việt Nam nhận thấy các cơ hội đầu tư phân khúc bất động sản khách sạn ở các thị trường quốc tế như Ấn Độ, Myanmar và họ sẽ tiếp tục bắt tay với các tập đoàn đầu tư tập trung phục vụ cho chính khách du lịch Việt Nam ở những thị trường đó. Tuy nhiên, đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế.
Chỉ cần so sánh thế này: Theo một số thống kê, năm 2016 lượt khách quốc tế đến Việt Nam là 4 triệu người. Năm 2016 Bali có 4,9 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan. Năm 2017, số lượng phòng khách sạn hạng sang của Bali là 3.892 phòng. Việt Nam mới chỉ có 1.850 phòng ở cả hai đầu Hà Nội và TP HCM, thuộc phân khúc phổ thông. Có nghĩa chúng ta kém hơn 3.000 phòng so với họ. Sẽ không có lý do gì khiến các nhà đầu tư không nhận ra cơ hội này.
- Ông có thể đưa con số dự đoán nào về dòng vốn và cách thức đầu tư ngoại có thể đến Việt Nam trong đầu tư khách sạn phân khúc hạng sang trong năm 2017 và 2018?
Rất khó để có thể đặt ra một con số cụ thể. Tùy thuộc chiến lược và khẩu vị của mỗi nhà đầu tư, họ sẽ chọn 1 cánh cửa khác nhau. Nhưng tôi cho rằng có ba xu hướng - tiền đề để các nhà đầu tư xem xét lựa chọn:
Thứ nhất, đầu tư phân khúc khách sạn hạng sang phục vụ khách thương gia. Những vùng kinh tế/ đô thị phát triển mạnh và các khu kinh tế mở sẽ là địa bàn trọng điểm của hướng đầu tư này. Thứ hai, đầu tư phục vụ du lịch. Theo đó, gắn liền với các vùng đất còn dư địa phát triển du lịch, đi cùng là hạ tầng du lịch nói chung. Và thứ ba, đầu tư phục vụ du lịch xanh.
Đã và đang có rất nhiều quốc gia mà người dân lựa chọn/có nhu cầu du lịch bền vững, đến các điểm du lịch có tính bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Phát triển khách sạn hạng sang phục vụ bảo vệ môi trường theo đó sẽ ngày càng có quy mô mở rộng. Chỉ có điều đối với cơ hội này, nếu chúng ta không chăm sóc và chăm chút, sẽ rất dến vuột mất.
- Ông có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp bất động sản phân khúc du lịch khi họ muốn được định giá doanh nghiệp hoặc dự án, trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài?
Xin nhắc lại một bí quyết là: Đừng bao giờ đi một mình. Doanh nghiệp có thể tận dụng và đón đầu xu hướng công nghệ số. Cũng như tận dụng cơ hội kết nối, liên kết thông qua các cầu nối quốc tế. Đã và đang có nhiều doanh nghiệp bất động sản áp dụng công nghệ số vào cung cấp những sản phẩm địa ốc thông minh.
Các tập đoàn quốc tế lớn chuyên ngành du lịch-khách sạn, trên thực tế, sẽ không chú trọng câu chuyện mua lại mà luôn quan tâm đến khả năng cùng tiếng nói hợp tác với các doanh nghiệp VN. Những thương vụ M&A và giá trị tài sản doanh nghiệp sẽ được “định giá” bao gồm các yếu tố này.
- Xin cảm ơn ông!