Hội nghị APEC 2017 sẽ diễn ra tại nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có Đà Nẵng – Thành phố được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam với biểu tượng về môi trường xanh – sạch – đẹp. Hưởng ứng và chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã thực hiện cải tạo và chỉnh trang lại vỉa hè, đường phố với mức kinh phí lên đến 210 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, để phục vụ cho hội nghị APEC 2017, hàng loạt dự án lớn ở TP. Đà Nẵng cũng bước vào cuộc đua nước rút, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện. Ngoài ra, một số công trình khác như nâng cấp Trung tâm Hội nghị Triển lãm; xây dựng Nhà ga quốc tế, Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, hầm chui sông Hàn; cải tạo Cung thể thao Tiên Sơn… cũng được gấp rút triển khai.
Nắm bắt cơ hội “ăn nên làm ra” từ sự kiện này, cộng với việc lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng mạnh, vài năm trở lại đây, thị trường BĐS Đà Nẵng ghi nhận bước phát triển của nhiều dự án, đặc biệt là phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng với làn sóng đầu tư xây dựng khách sạn 1 – 3 sao ồ ạt.
Hiện thành phố biển miền Trung này có hơn 500 cơ sở lưu trú từ 1 - 3 sao với hơn 14.000 phòng; nhiều tuyến đường gần biển ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn liên tục xuất hiện những khách sạn mới.
Theo CBRE Việt Nam, hiện phân khúc khách sạn 3 sao chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn cung với 45%, khách sạn 4 sao (27%) và khách sạn 5 sao chiếm 28%. CBRE dự báo các năm 2017 - 2018 Đà Nẵng bổ sung thêm 6.000 phòng khách sạn, trong đó phần lớn là khách sạn trung cấp.
Đơn cử như khu vực nằm giữa 4 tuyến đường chính là Phạm Văn Đồng – Hoàng Sa – Võ Văn Kiệt – Ngô Quyền. Đây được coi là phố khách sạn - nơi có hàng trăm nhà nghỉ, khách sạn mini từ 1 - 3 sao mọc lên san sát như mạng nhện. Hầu hết, các khách sạn này đều có diện tích khiêm tốn và được thiết kế đơn giản.
Hay dọc theo tuyến đường Hà Bổng (phường Phước Mỹ, Q. Sơn Trà), con đường này dài chưa đến 500m nhưng có đến 35 - 40 khách sạn lớn, nhỏ các loại. Tính riêng trên địa bàn quận Sơn Trà có 172 khách sạn với 6.424 phòng và 93 nhà nghỉ, trong đó phần lớn là khách sạn 3 sao và 3 sao trở xuống.
Theo đánh giá của giới kinh doanh địa ốc, sự xuất hiện ồ ạt của các khách sạn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, nhất là vào mùa thấp điểm, công suất phòng trung bình của những khách sạn này chỉ khoảng từ 40 - 45%, từ đó làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh về giá. Báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, công suất phòng bình quân toàn khối khách sạn 3 sao đạt 46%, nhóm 1 - 2 sao chỉ đạt khoảng 25 - 30%.
Nguyên nhân khiến cho công suất phòng bình quân tại Đà Nẵng sụt giảm được cho là do chính tư duy của chủ đầu tư khi cho rằng du khách đến khách sạn chỉ để nghỉ nên không chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, do đó tự đánh mất thị phần kinh doanh.
Một nguyên nhân khác nữa là do chủ đầu tư vội vàng, kinh doanh thiếu định hướng ban đầu, không xác định thị trường khách trước khi xây dựng mà tiến hành xây dựng rồi mới lo tìm thị trường.
Ngoài ra, một yếu tố khiến cho du khách “một đi không trở lại” dẫn đến công suất thuê phòng sụt giảm chính là việc điều tiết giao thông tại những nơi dự án phát triển ồ ạt còn kém hiệu quả. Theo đó, các tuyến đường có nhiều dự án thường xuyên rơi vào cảnh tắc nghẽn khi các dòng xe chở khách du lịch đổ về.
Giới chuyên gia cho rằng, để phân khúc khách sạn tại Đà Nẵng hoạt động hiệu quả hơn, tránh xảy ra thực trạng bội cung trong khi nguồn cầu đang có xu hướng sụt giảm, các khách sạn nên có sự liên kết lẫn nhau, thống nhất về giá cả dựa trên giá thực của thị trường; từ đó tạo ra sự khác biệt về chất lượng dịch vụ và sản phẩm để thu hút khách hàng.