Aa

Khai thác tiềm năng kinh tế khi phát triển đô thị biển

Thứ Tư, 03/08/2022 - 06:15

Các đô thị biển chưa thực sự trở thành trung tâm phát triển kinh tế. Thể hiện rõ nét nhất là quy mô phát triển kinh tế biển còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý.

Lời tòa soạn: 

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông - biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÁC ĐÔ THỊ BIỂN

Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.260km, có tiềm năng lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển và giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế. Vùng biển Việt Nam có diện tích rộng lớn, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Việt Nam là quốc gia biển với gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh, thành ven biển, kinh tế biển đóng góp 60% tổng GDP.

Vùng biển Việt Nam có tiềm năng lớn về giao thông đường thủy giữa các địa phương trong nước với nhau và giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Nhiều vũng vịnh có độ sâu đủ lớn và kín, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu và cho việc trú ngụ của tàu thuyền.

Vùng biển Việt Nam có nguồn tài nguyên dầu khí, trữ lượng ước tính khoảng 3,0 - 4,5 tỷ mét khối dầu quy đổi, chủ yếu là khí (chiếm trên 50%) và tập trung chủ yếu ở thềm lục địa. Trữ lượng tài nguyên dầu khí đã phát hiện vào khoảng 1,365 tỷ mét khối quy dầu, chiếm 30 - 35% tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí dự báo của Việt Nam, trong đó khí thiên nhiên chiếm trên một nửa.

Với bờ biển dài có nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ và hàng trăm bãi tắm cát trắng trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam có điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo. Hơn nữa, Việt Nam sở hữu nhiều khu vực ven biển có rừng ngập mặn (rừng ngập mặn Cà Mau, rừng ngập mặn Cần Giờ, đầm phá Tam Giang…) cùng nhiều làng nghề, lễ hội độc đáo nên tạo điều kiện rất tốt cho phát triển du lịch.

Tài nguyên biển là lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế đô thị (Ảnh minh họa: ST)

Khái niệm đô thị được mỗi quốc gia quy định khác nhau. Tại Việt Nam, theo Nghị định của Chính phủ số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 về việc phân loại đô thị thì đô thị là nơi tập trung đông dân cư sinh sống và chủ yếu hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, du lịch và dịch vụ của cả nước hoặc vùng lãnh thổ bao gồm thị trấn, thị xã, thành phố (thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương); là khu vực có sự tập trung cao về dân cư, mật độ xây dựng và tiềm lực kinh tế so với khu vực xung quanh. Quy định tối thiểu cho các đô thị là có dân số từ 4.000 người trở lên, có mật độ dân số từ 2.000 người/km2 trở lên với hình thức kinh tế chính của cư dân chủ yếu là phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động của đô thị tối thiểu là 65%. 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam hiện có 28 đơn vị hành chính cấp tỉnh có đường bờ biển. Đô thị ranh giới hành chính giáp biển có gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước, với dân số khoảng 19 triệu người và diện tích 56.048km2, mật độ dân số gần 340 người/km2. Trong gần 600 đô thị biển đảo, có cả đô thị loại đặc biệt, loại 1,2,3,4,5 theo 6 nhóm tiêu chuẩn được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị. Cả nước có 5 thành phố trực thuộc trung ương hay còn gọi là cực tăng trưởng quốc gia thì có đến 3 đô thị biển là Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM. Hiện cả nước có 1 thành phố đảo là Phú Quốc. Cấu trúc vùng đô thị thường gồm các đô thị hạt nhân tăng trưởng và các vùng nông thôn xung quanh đang trong tiến trình đô thị hóa cung cấp các dịch vụ hậu cần cho đô thị hạt nhân. 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển tăng trưởng bình quân cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2021, GRDP của các địa phương ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt cao hơn so với mức thu nhập bình quân cả nước. Trong đó, một số địa phương có mức GRDP bình quân đầu người đạt cao như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đà Nẵng. Phát triển kinh tế biển đang trở thành một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Một số ngành kinh tế biển được xác định ưu tiên có bước phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Du lịch biển, đảo; khai thác và chế biến hải sản; phát triển các khu kinh tế ven biển; các hệ thống giao thông của các địa phương ven biển (đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, cảng cá...) đều được phát triển.

Các đô thị ven biển đều tích cực thu hút đầu tư xây dựng và phát triển nhiều khu, điểm du lịch ven biển mới và hiện đại, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế. Khá nhiều dự án đầu tư khu du lịch biển, đảo cao cấp, khu du lịch thể thao, giải trí ven biển có số vốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Ven biển cả nước phát triển được chuỗi các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế (4 - 5 sao) ở hầu hết các địa phương ven biển. Du lịch biển đảo mang lại  khoảng 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước, vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn, sản lượng khai thác quy dầu khí đạt 18,43 triệu tấn (thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn), sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 ngàn tấn...

Bên cạnh những kết quả phát triển các đô thị biển trong thời gian qua trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận các mặt chưa thực hiện tốt.

Trước hết, các đô thị biển chưa thực sự trở thành trung tâm phát triển kinh tế vùng và khu vực. Thể hiện rõ nét nhất là quy mô phát triển kinh tế biển còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. 

Thứ hai, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển đô thị biển với các loại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch bảo vệ môi trường với quy hoạch đô thị. 

Thứ ba, kết cấu hạ tầng đô thị biển chưa thực sự đồng bộ, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh để trở thành các trung tâm kinh tế biển. Trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng đô thị biển được đầu tư phát triển tương đối nhiều nhưng dàn trải, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế (cảng biển, trung tâm logistics...) để tạo sức mạnh đột phá để phát triển một số trung tâm kinh tế biển ở tầm quốc gia, khu vực. 

Thứ tư, các đô thị du lịch biển còn thiếu sự kết nối cảnh quan, và các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch. Mặt khác, do tác động của đô thị hóa, các không gian mở trong đô thị đặc biệt các không gian xanh và không gian công cộng đô thị du lịch biển càng ngày càng bị thu hẹp và bị chia cắt, gây ảnh hưởng tới môi trường đô thị cũng như cuộc sống của người dân địa phương.

Thứ năm, việc quy hoạch phát triển kinh tế đô thị chưa gắn kết với việc bảo vệ tài nguyên biển, bảo tồn môi trường sinh thái biển và vùng bờ còn nhiều hạn chế. Việc thu gom xử lý rác thải, nước thải tại các đô thị chưa đầy đủ, các quy định pháp luật chưa thực sự hoàn thiện tạo ra xu hướng suy giảm nghiêm trọng của các hệ sinh thái ven bờ biển (rừng ngập mặn, vùng triều, rạn san hô...) có do tác động của hoạt động kinh tế, xây dựng.

Thứ sáu, cơ chế quản lý các đô thị biển chưa thực sự phù hợp với tính đặc thù của đô thị sông nước và chưa phát huy được thế mạnh của từng vùng, miền trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế biển trong điều kiện công nghệ.

GIẢI PHÁP KHAI THÁC TIỀM NĂNG KINH TẾ KHI PHÁT TRIỂN

ĐÔ THỊ BIỂN

Để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế khi phát triển đô thị biển, cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành và địa phương ngay từ khâu quy hoạch đến khâu quản lý đô thị.

Trước hết, cần sớm xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển các đô thị biển, đảo; các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển cho từng địa phương và cho cả nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch phải có tầm nhìn toàn diện, nhưng phải phù hợp với từng địa phương và tạo ra sự khác biệt trong khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển của từng địa phương, từng vùng.

Thứ hai, cần sớm nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để chính quyền các đô thị có đủ quyền hạn và chức năng quản lý, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, xây dựng được hệ thống hạch toán, thống kê kinh tế biển; áp dụng hữu hiệu các mô hình, các phương thức quản lý đô thị và quản lý kinh tế biển mới, tiên tiến vào thực tiễn. Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và cơ chế sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới: như điện gió ngoài khơi, nuôi trồng hải sản…

Thứ ba, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, tạo thành các trung tâm đô thị kinh tế biển mạnh, tạo tiền đề kết nối với các đô thị trong đất liền, đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ du lịch, dịch vụ kho cảng, dịch vụ xuất, nhập khẩu, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… 

Thứ tư, tiếp tục đầu tư phát triển hiện đại hóa đô thị biển, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối phát triển kinh tế biển giữa các địa phương; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong mọi hoạt động liên quan đến phát triển toàn diện nền kinh tế của vùng và khu vực. Cần đặc biệt chú trọng ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong khâu chế biến, bảo quản và xuất khẩu thủy sản, tạo động lực phát triển ngành thủy sản theo hướng tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. 

Thứ năm, việc phát triển đô thị biển Việt Nam cần tích hợp với việc hình thành và phát triển các khu kinh tế ven biển để nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng kinh tế biển. Việc phát triển đô thị biển sẽ kết nối và trở thành trung tâm của toàn bộ khu kinh tế ven biển để hình thành một hệ sinh thái đô thị - công nghiệp - dịch vụ cộng sinh. Hơn nữa, cần thực hiện kết nối từng khu kinh tế biển với các trung tâm kinh tế khác để nâng cao hiệu quả địa kinh tế trong phát triển và quản trị đô thị biển như thế nào để bảo đảm phát triển bền vững.

Thứ sáu, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp cho quản lý đô thị biển đơn giản hơn, phát triển đô thị hiệu quả hơn và chất lượng đô thị cao hơn. Việc hình thành các chính quyền đô thị số ở các đô thị biển sẽ giúp cho việc quản lý tốt hơn, người dân cũng giảm nhẹ được các thủ tục hành chính, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của chính quyền đô thị.

Thứ bảy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về phát triển các đô thị biển, đảo bền vững . Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp chính quyền, các ngành, các địa phương trong thực hiện các quy định luật pháp về phát triển kinh tế biển theo thông lệ quốc tế. 

Phát triển các đô thị biển để xây dựng các trung tâm kinh tế, tạo sự lan tỏa, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển đang trở thành vấn đề cấp bách được các cơ quan quản lý và nhiều địa phương quan tâm. Kinh tế biển sẽ là động lực mới để tăng trưởng, là cơ hội để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong quá trình trở thành nền kinh tế phát triển trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top