Aa

Điều kiện phát triển đô thị biển Việt Nam

Thứ Ba, 02/08/2022 - 06:06

Phát triển đô thị biển là cần thiết và đúng đắn song không phải cứ muốn là được mà cần hội tụ đủ các điều kiện khách quan và chủ quan.

Lời tòa soạn: 

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông - biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Biển Đông vạn dặm dang tay giữ

Nước Việt muôn năm vững trị bình

(Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Thế kỷ XVI)

Đô thị ven biển có lịch sử hàng ngàn năm trước công nguyên, thậm chí có thể nói không ngoa rằng thoạt đầu, những đô thị đầu tiên của loài người chính là những đô thị biển. Chúng ta không thể không nhắc tới những thành bang ven biển phát triển rực rỡ gắn liền với nền văn minh Ba Tư, Hy Lạp hay La Mã. Lịch sử cận đại còn cho thấy nhiều đô thị biển trở thành trung tâm của các quốc gia biển hùng mạnh lần lượt thống trị thế giới như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... và ngày nay là Mỹ. Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của nhân loại, đô thị biển hình thành và phát triển được khi và chỉ khi hội tụ được các điều kiện căn bản sau:

Thứ nhất, có điều kiện địa lý, khí hậu phù hợp.

Theo đó, vùng đất ven biển có thể xây dựng đô thị cần có diện tích bằng phẳng đủ lớn để chứa được hàng ngàn, hàng chục ngàn, hay thậm chí hàng vạn và cả hàng triệu người cùng sinh sống và làm việc. 

Bên cạnh đó, đô thị biển cần có khí hậu ôn hòa, không quá khắc nghiệt và đặc biệt là ít chịu ảnh hưởng bởi bão gió, động đất hay sóng thần. Nguồn nước ngọt được đảm bảo cũng là yếu tố không thế thiếu đối với mỗi đô thị biển. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển đang trở thành những thách thức, thậm chí nguy cơ trầm trọng đối với khả năng tồn tại và phát triển của nhiều đô thị biển. 

Vì vậy, sự tồn tại và phát triển của mỗi đô thị biển không thể bỏ qua tăng cường sức chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu, với nước biển dâng, với sự nóng lên của biển nói riêng, toàn cầu nói chung, với thiên tai dịch bệnh do biến đổi khí hậu đồng thời chống ô nhiễm môi trường biển, cả ô nhiễm trên bờ lẫn trên biển, cả ô nhiễm rác thải rắn lẫn ô nhiễm nước và thậm chí cả ô nhiễm không khí cũng đang tăng dần. Những bài học đắt giá từ ô nhiễm môi trường nội địa có giá trị cảnh tỉnh đối với tất cả các đô thị biển đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai. 

Thứ hai, có điều kiện kinh tế không những bảo đảm sự tồn tại mà còn thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển

Đô thị biển tự cổ xưa hình thành, phát triển và cả lụi tàn đều gắn liền với vai trò trung tâm khai thác hải sản, đóng tàu và nhất là thương mại trên biển. Hàng loạt đô thị biển đã trở nên phồn vinh nhờ giao thương trên biển phát triển, trở thành cửa ngõ của 

khu vực, của quốc gia cho lưu thông hàng hóa và con người giữa các địa phương cũng như giữa các quốc gia, đồng thời là nơi cung cấp các dịch vụ đa dạng cho mạng lưới giao thông hàng hải quốc gia và quốc tế. Cùng với sự phát triển của thế giới hiện đại, không ít đô thị biển lột xác và nhiều đô thị biển mới ra đời gắn với vai trò là những trung tâm căn cứ quân sự, khai thác và chế biến dầu thô, năng lượng tái tạo như mặt trời, gió... hay trung tâm khoa học công nghệ biển và đặc biệt là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí biển đảo... bên cạnh mở rộng và nâng cao vai trò truyền thống như trung tâm giao thương, logistics hay khai thác và chế biến hải sản. 

Nói cách khác, đô thị biển hay thậm chí là đô thị đại dương là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế biển theo nghĩa rộng, là cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế biển. Ngược lại, kinh tế biển phát triển là sự đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của đô thị biển, thậm chí còn quan trọng hơn cả điều kiện tự nhiên vì ngày càng nhiều hạn chế từ điều kiện tự nhiên có thể khắc phục được nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật và trình độ công nghệ, nhờ vậy đô thị biển vẫn phát triển mạnh bất chấp điều kiện tự nhiên không thật sự thuận lợi. 

Rõ ràng, trụ cột kinh tế của đô thị biển phải là các ngành dịch vụ và công nghiệp gắn liền với biển, hướng ra biển và khai thác tối đa những lợi ích, lợi thế từ biển, cả lợi thế tuyệt đối lẫn lợi thế tương đối. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ở đô thị biển không có hay ít nhất là không phát triển các ngành nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi. Ngược lại, ở đô thị biển vẫn cần phát triển mạnh các ngành nuôi trồng hải sản bên cạnh nghề đánh bắt hải sản truyền thống không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu của cư dân và khách đô thị biển mà còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Theo đó, một số đô thị biển sẽ gắn liền với vị thế trung tâm chế biến và xuất khẩu hải sản không chỉ của quốc gia mà còn cả khu vực và thế giới. Hơn nữa, trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ biển trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng hiện còn thấp hơn so với mặt bằng khoa học kỹ thuật và công nghệ chung, vì vậy, một số đô thị biển hoàn toàn có thể trở thành những trung tâm nghiên cứu, trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ biển hiện đại, nơi tập trung tri thức và trí tuệ về biển, biến kinh tế biển trở thành bộ phận ngày càng quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của kinh tế biển Việt Nam với thế giới dựa trên tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong mỗi đồng giá trị kinh tế biển. 

Thứ ba, điều kiện kết nối. 

Đô thị biển đóng vai trò cửa ngõ ra biển của quốc gia biển lẫn quốc gia không có biển nên yêu cầu kết nối trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng. Một đô thị biển không thể hình thành và phát triển, không thể thu hút được người dân, thu hút được các nguồn lực hữu hình và vô hình khác từ nội địa và quốc tế nếu không có mối liên kết mật thiết với nội địa thông qua các kênh luân chuyển hàng hóa, lực lượng lao động và cả nguồn lực tài chính tiền tệ. 

Không chỉ kết nối với nội địa mà kết nối với quốc tế cũng là điều kiện sống còn đối với mỗi đô thị biển. Do yêu cầu cao về tính kết nối nên đô thị biển hầu như không thể phát triển được tại những quốc gia, những nền kinh tế khép kín, nặng về tự cung tự cấp hay/và thuần nông với trồng trọt lương thực và chăn nuôi gia súc gia cầm. Theo đó, mức độ và trình độ phát triển của đô thị biển trở thành minh chứng giải quyết mối quan hệ giữa mở cửa hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa với bế quan tỏa cảng và xu thế bảo hộ mậu dịch. Đồng thời, đô thị biển cũng là biểu tượng của lựa chọn chính sách hướng ra biển, khai thác nguồn lực biển hay hướng vào nội địa, khai thác nguồn lực đất đai. Thực tế cho thấy có một số đô thị biển trên danh nghĩa do nằm ở ven biển song thực chất lại là đô thị nội địa do không những không hướng ra biển mà còn quay lưng lại với biển. 

Thứ tư, điều kiện chính trị và an ninh quốc phòng. 

Không thể hình thành và phát triển đô thị biển nếu thiếu chính quyền có tầm nhìn hướng ra biển, quyết tâm bảo vệ biển đồng thời có năng lực quản lý khai thác biển hiệu quả và bền vững. Hầu hết các chính quyền trong lịch sử đều coi biển đảo đồng nghĩa với nơi biên cương xa xôi, vừa khó bảo vệ, vừa khó đảm bảo an ninh quốc phòng, lại vừa là yếu điểm chịu sự tấn công trước tiên từ bên ngoài. Chính vì vậy, vùng biển đảo chủ yếu chỉ có vai trò bảo vệ biên giới lãnh thổ, còn trung tâm chính trị, kinh tế và cả văn hóa xã hội thường được chuyển sâu vào trong đất liền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng phòng vệ và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Khi không thể trở thành trung tâm, thậm chí ngày càng xa các trung tâm lớn thì cơ hội ra đời đô thị biển càng trở nên xa vời. Đô thị biển chỉ phát triển mạnh ở những quốc gia có tầm nhìn hướng ra biển, lấy biển là trung tâm và do đó có lực lượng hải quân hùng hậu cùng hệ thống chính quyền biển mạnh và khả năng đảm bảo an ninh trật tự ven biển cũng như trên biển. Chính trong tiến trình đó đã xuất hiện những cường quốc biển tầm cỡ khu vực và thế giới. Nói cách khác, sự phát triển của đô thị biển không thể tách rời năng lực bảo vệ bằng quân sự, quản lý Nhà nước và giữ vững an ninh trật tự cả ven biển và trên biển đối với một trung tâm kinh tế, xã hội, thậm chí có thể cả chính trị.

Thứ năm, điều kiện văn hóa xã hội.

Đặc điểm của đô thị là nơi tập trung cư dân từ các vùng miền khác nhau, thậm chí từ cả các quốc gia khác. Thêm vào đó, đô thị không chỉ có mật độ dân cư thường trú cao mà còn thu hút một số lượng lớn khách vãng lai đến với các mục đích khác nhau, đôi khi lượng khách tạm trú tại đô thị còn cao hơn cả lượng cư dân sinh sống thường xuyên. Đối với đô thị biển, nhất là những đô thị biển mới hình thành hoặc trung tâm du lịch thì khách nhiều khi đông hơn chủ gấp nhiều lần. Vì vậy, đặc trưng của văn hóa xã hội đô thị biển là tính đa dạng và tính mở. Sức hấp dẫn của một đô thị biển đối với người mới đến cư trú lẫn khách vãng lai trước hết là khả năng chấp nhận và hòa hợp các đặc tính dân tộc, vùng miền, ngôn ngữ, lối sống... phong phú và khác biệt.

Bất cứ sự phân biệt đối xử nào cũng có thể làm giảm sức sống, triển vọng phát triển, thậm chí dần dần hủy hoại cả một đô thị biển. Bên cạnh đó, mỗi đô thị biển cũng kế thừa những di sản văn hóa xã hội đặc trưng của vùng biển, của con người đã, đang và sẽ gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của mình với biển, đối mặt với rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, hiểm nguy, chẳng hạn như tính cách ăn to nói lớn, giao tiếp cởi mở, phóng khoáng, bộc trực, dũng cảm hay tính tương trợ cộng đồng cao... Theo đó, văn hóa xã hội đô thị biển ngoài tính dung nạp cao còn có tính cải biến theo hướng kết hợp hài hòa giữa văn minh đô thị với văn minh, văn hóa biển.

Do đó, ngay cả các cơ sở giáo dục đào tạo tại đô thị biển cũng phải hướng tới góp phần hình thành nên những công dân đô thị biển hội tụ đủ cả văn minh đô thị lẫn văn minh biển, cả văn minh dân tộc cũng như văn minh thế giới, đồng thời giữ được bản sắc để tạo sức hấp dẫn riêng chứ không bị xóa nhòa hay đánh đồng với các đô thị nói chung, với các đô thị biển khác nói riêng.   

Thứ sáu, điều kiện khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. 

Tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày càng cho phép con người tiến xa hơn ra biển, tiến sâu hơn vào lòng biển và khai thác được nhiều giá trị hơn từ biển, không chỉ ven biển hay trên biển mà cả trong lòng biển, đồng thời tăng khả năng bảo tồn, gìn giữ, phục hồi, duy trì tính bền vững của những nguồn lực từ biển. Đó chính là chìa khóa tin cậy mở ra triển vọng của kinh tế biển, đồng thời cũng là cơ sở vững chắc cho các đô thị biển. Đến lượt mình, chính các đô thị biển sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ biển, đồng thời đi tiên phong trong áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ biển đó. Đến khi đó, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều làn sóng dịch chuyển những “khối óc lớn” đến với đô thị biển và ở lại đô thị biển.

Cũng như mọi đô thị khác trên thế giới, đô thị biển cũng cần và cũng là nơi tập trung các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị biển, cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lẫn cơ sở hạ tầng xã hội, cả cơ sở hạ tầng đô thị cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế biển. Đặc biệt, như đã nêu ở trên, cơ sở hạ tầng đô thị biển không phải chỉ phục vụ dân cư trú thường xuyên mà còn phục vụ cả lượng khách đông đảo đến với đô thị biển với những yêu cầu về số lượng và chất lượng cơ sở hạ tầng không thua kém so với các đô thị bình thường khác, thậm chí còn cao hơn. Chính vì vậy, điều kiện về cơ sở hạ tầng, từ giao thông, nhà ở, văn phòng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, bãi biển, quán ăn, tiệm cà phê... đến cơ sở giáo dục, y tế, thể thao... đều cần đảm bảo phù hợp với quy mô, tính chất và định hướng phát triển của mỗi đô thị biển. 

Tóm lại, phát triển đô thị biển là cần thiết và đúng đắn song không phải cứ muốn là được mà cần hội tụ đủ các điều kiện khách quan và chủ quan, trong đó các điều kiện nêu trên là rất quan trọng và thiết yếu. Nếu tập hợp được đủ các điều kiện tiên quyết và then chốt thì sự phát triển của đô thị biển Việt Nam sẽ kéo dài được hai giai đoạn đầu đồng thời đẩy xa được hai giai đoạn sau trong cái được gọi là quy luật vũ trụ Thành - Trụ - Hoại - Diệt của một đô thị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top