Aa

Khẩn trương xử lý môi trường sau bão lũ

Thứ Tư, 11/09/2024 - 22:39

Cơn bão số 3 đi qua để lại nhiều rác thải, bùn đất và khiến môi trường một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ. Ngay sau khi nước rút, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Công tác vệ sinh môi trường tại các cơ quan, đơn vị, trên các tuyến đường, nhà dân được tập trung thực hiện, đảm bảo các hoạt động trở lại như thường nhật.

Khẩn trương xử lý môi trường sau bão lũ- Ảnh 1.

Chiến sĩ Sư đoàn 346 hỗ trợ gia đình bà Đặng Thị Quyên (ở xóm Làng Đông, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) vệ sinh chuồng trại sau lũ.

Sáng 11/9, mực nước tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lương cơ bản đã rút hết, các tuyến đường được đảm bảo lưu thông. UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị… triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3, nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.

Có mặt tại xã Cổ Lũng, chúng tôi chứng kiến các chiến sĩ Sư đoàn 346 hỗ trợ gia đình bà Đặng Thị Quyên, ở xóm Làng Đông, vệ sinh chuồng trại sau lũ. Bà Quyên xúc động nói: Gia đình tôi nuôi 3.000 con gà, đợt lũ này lên quá nhanh chỉ kịp đưa 1.500 con lên trại cao hơn, còn 1.500 con còn lại bị chìm trong nước lũ. Ngoài ra, gia đình tôi cũng bị trôi 4 tạ cá, 100 con ba ba, 6 sào lúa bị ngập… ước thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Ngay sau lũ, chính quyền địa phương đã huy động đơn vị quân đội đến giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh chuồng trại để tiếp tục sản xuất.

Khẩn trương xử lý môi trường sau bão lũ- Ảnh 2.

Ngay khi nước rút, người dân phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) dọn dẹp đất đá các trên tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông.

Các tuyến đường bị ngập sâu trong những ngày qua trên địa bàn TP. Thái Nguyên như: Phan Đình Phùng, Lương Ngọc Quyến, Minh Cầu… đến nay nước cơ bản đã rút, Công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên cùng người dân dọc tuyến đã chủ động khơi thông cống rãnh, thu dọn đất cát, rác trên các tuyến đường.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh môi trường (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên), cho biết: Đợt mưa bão vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống cây xanh, hạ tầng kỹ thuật đô thị, ngập úng. Ngay sau khi nước rút, Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng với trên 400 người ra quân quét dọn, xử lý khơi thông dòng chảy, cắt tỉa, thu dọn cây xanh bị gãy đổ, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Khẩn trương xử lý môi trường sau bão lũ- Ảnh 3.

Công nhân môi trường quét gom rác thải sau khi nước rút trên đường Minh Cầu.

Khẩn trương khắc phục hậu quả sau cơn bão, sáng 11-9, UBND TP. Thái Nguyên đã có công điện hỏa tốc chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và các xã, phường yêu cầu rà soát, khẩn trương phối hợp sửa chữa các công trình y tế bị ảnh hưởng của mưa bão; tổng vệ sinh các cơ quan, trường học bị ngập úng để sớm đón học sinh sớm quay trở lại học tập. Đồng thời thống kê những thiệt hại do mưa bão gây ra, các vật tư phục vụ công tác phòng, chống bão còn lại, đề xuất bổ sung kinh phí, vật tư, nhân lực, phương tiện để đảm bảo khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình, 8 xã ven sông vẫn đang ngập trong lũ, các địa phương đang tập trung thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Đối với những vùng không bị ảnh hưởng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các các cơ sở giáo dục khẩn trương khắc phục những công trình hư hại do bão, tổ chức vệ sinh để đón học sinh tới trường theo kế hoạch.

Khẩn trương xử lý môi trường sau bão lũ- Ảnh 4.

Giáo viên Trường Tiểu học Nga My 1 (xã Nga My, Phú Bình) dọn dẹp các nhà lớp học để sớm đón học sinh quay lại trường học.

Có mặt tại Trường Tiểu học Nga My 1, chúng tôi thấy Nhà trường đã dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp sẵn sàng đón học sinh quay lại học tập. Theo cô Dương Thị Chính, Hiệu trưởng Nhà trường: Bắt đầu từ ngày 10-9, Trường đã huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên và nhân viên dọn dẹp các phòng lớp học, sân trường, thu dọn cây xanh bị đổ, gãy; lợp lại mái tôn bị lật. Đến nay, cơ sở vật chất của nhà trường đã được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo cho công tác dạy và học.

Tại TP. Phổ Yên, hiện nay do ảnh hưởng của mực nước sông Cầu, sông Công dâng cao, có hàng trăm hộ dân ở các xã, phường phải di dời để đảm bảo an toàn. Cùng với hoạt động tiếp tế nước uống, đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác tới người dân, TP. Phổ Yên đã huy động lực lượng tại chỗ gần 4.000 lượt người gồm lực lượng Dân quân tự vệ, Công an, thanh niên... thu dọn cây xanh bị đổ, đảm bảo giao thông thông suốt; hệ thống điện, hệ thống viễn thông đảm bảo cung cấp ổn định trên địa bàn.

Bão số 3 đã khiến 7 điểm thuộc phường Lương Sơn (TP. Sông Công) bị ngập nặng; 11 ngôi nhà bị tốc mái, 2 trường học bị ảnh hưởng; khoảng 300ha lúa mùa sớm, ngô, rau màu chuẩn bị được thu hoạch bị đổ. Cùng với đó, trên 2.000 cây xanh bị gãy đổ. Ngày 11-9, UBND TP. Sông Công cũng đã ban hành công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, xã, phường chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa, bão.

Ngay khi nước ở một số khu vực rút, Phòng Y tế thành phố đã hướng dẫn nhân dân thực hiện tiêu độc khử trùng tại các khu vực bị lũ lụt trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương hỗ trợ người dân thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, dọn dẹp vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa lũ.

Theo dõi sát tình hình, tỉnh chỉ đạo nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão với tinh thần khẩn trương, lũ rút đến đâu, khôi phục sản xuất đến đó, ngành nào khắc phục ngành đó, địa phương nào khắc phục ở địa phương đó; các huyện, thành phố trong tỉnh huy động nhân lực, vật lực để nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất sau bão.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top