Theo đó, phân khúc có nhiều giao dịch nhất tại Khánh Hòa là đất nền với 4.997 giao dịch, tiếp đến là nhà ở riêng lẻ với 1.104 giao dịch và 115 giao dịch từ căn hộ chung cư. Tín hiệu này cho thấy thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, tăng nhiều so với quý 1/2023, dù phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trước đó, trong quý 1, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3.878 giao dịch bất động sản với tổng trị giá khoảng 1.613 tỷ đồng. Vào quý 3/2022, tổng trị giá giao dịch 1.200 tỷ đồng và quý 4/2022, tổng trị giá giao dịch gần 250 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn liên quan đến các vấn đề nguồn tín dụng cho vay từ ngân hàng tiếp tục siết chặt điều kiện vay vốn, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao, trong khi kênh huy động vốn đầu tư từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa khơi thông trở lại...
Trước tình hình đó, Khánh Hòa vẫn là địa phương đi đầu với nhiều động thái tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện phát triển đồng đều. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn vừa qua, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thời gian tới, Khánh Hòa tiếp tục triển khai thực hiện phủ kín quy hoạch trên địa bàn. Đồng thời thực hiện song song những đồ án quy hoạch mới như đô thị mới Cam Lâm, điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, các quy hoạch phân khu thuộc điều chỉnh quy hoạch chung Vân Phong làm cơ sở để kêu gọi đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, dự án kết cấu hạ tầng.
Đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu thập thấp, nhà ở công nhân, thiết chế công đoàn…. góp phần vào mục tiêu hoàn thành Nghị quyết số 09- NQ/TW của Bộ Chính trị.
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận với những chính sách được tháo gỡ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh trong thời gian tới sẽ là tín hiệu khả quan cho thị trường bất động sản năm 2023./.