Doanh nhân Nguyễn Đăng Quang: Khát vọng là động lực để sáng tạo và vượt qua mọi giới hạn

Doanh nhân Nguyễn Đăng Quang: Khát vọng là động lực để sáng tạo và vượt qua mọi giới hạn

Thứ Tư, 09/03/2022 - 06:09

Doanh nhân Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Ở Masan, chúng tôi hay nói tới khởi nghiệp theo cách bạn tạo ra giá trị bằng việc kiến tạo ra các sản phẩm đột phá và biết cách thành công". 

***

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 4: Doanh nhân Nguyễn Đăng Quang: Khát vọng là động lực để sáng tạo và vượt qua mọi giới hạn

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Nói đến “Khởi nghiệp”, người ta thường hay nghĩ tới những sản phẩm mới lạ, những ý tưởng độc đáo, những lĩnh vực mới mẻ chưa có dấu chân người, hay những gì to tát, những phương thức, mô hình độc nhất vô nhị đi trước thời đại… Nói tóm lại phải là cái mới lạ.

Ấy thế nhưng lại có một người không nổi đình nổi đám với những dự án động trời, mà cứ lặng lẽ, âm thầm đi lên từ những mặt hàng quen thuộc, quen thuộc đến nỗi tưởng xưa như trái đất là nước mắm và mì gói, nhưng lại đạt được thành công vang dội, trở thành tỷ phú đô la, đứng vào Top những người giàu nhất Việt Nam hiện nay – Đó chính là doanh nhân Nguyễn Đăng Quang với hệ sinh thái Masan! Nhìn vào con đường ông Quang đã đi và đang tiếp tục dấn bước với khát vọng vươn tới không ngừng nghỉ thì tôi cứ nghĩ, ơ, vậy thì hóa ra với bất cứ thứ gì người ta cũng có thể khởi nghiệp, và khởi nghiệp thành công, miễn là có đủ khát vọng và sự sáng tạo.

TỪ TIẾN SĨ VẬT LÝ HẠT NHÂN ĐẾN ÔNG CHỦ TẬP ĐOÀN

SẢN XUẤT HÀNG TIÊU DÙNG

Trong lớp doanh nhân thành đạt hiện nay, là nền móng cơ bản cho kinh tế tư nhân mới ở Việt Nam, được hình thành từ nhiều hoàn cảnh và xuất phát điểm khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là thế hệ được đào tạo từ Liên Xô và Đông Âu cũ. Trong đó người ta dễ dàng nhắc đến Phạm Nhật Vượng với Vingroup, Nguyễn Thị Phương Thảo với Vietjet, Lê Viết Lam với Sungroup, Hồ Hùng Anh với Techcombank hay Lê Khắc Vỹ với VIB… Hầu hết những doanh nhân nói trên hoặc các doanh nhân thế hệ mới được biết đến gần như đều gắn với lĩnh vực bất động sản hoặc tài chính, thì lại có một doanh nhân cũng thuộc thế hệ này chọn cho mình một hướng đi khác hẳn: Nguyễn Đăng Quang.

Ông Nguyễn Đăng Quang vốn cũng là cựu du học sinh Đông Âu, là một tiến sĩ vật lý hạt nhân nhưng lại thành công trong lĩnh vực kinh doanh với sự khởi đầu bằng việc sản xuất và bán mì gói (mì ăn liền) ở Nga từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau ông mở rộng đầu tư sang cả đậu nành, cá và tương ớt…, nhưng nhìn chung vẫn ở trong ngành thực phẩm và là những thực phẩm thiết yếu.

Thực ra thời kỳ đó, có nhiều doanh nhân Việt khởi nghiệp ở Nga và Đông Âu bắt đầu từ mì gói, nhưng khi chuyển hướng đầu tư về Việt Nam, trong lúc những doanh nhân khác người thì chuyển sang bất động sản, người sang tài chính, người sang du lịch, hàng không…, thì Nguyễn Đăng Quang vẫn trung thành với “mì gói, nước chấm, tương ớt”… Những mặt hàng này không có gì là lạ đối với người dân Việt Nam, thậm chí nước mắm còn được biết đến là một mặt hàng gần như chỉ có ở Việt Nam hoặc chí ít là đã định hình ở Việt Nam.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư còn chép rằng: "Đinh Dậu, Ứng Thiên năm thứ 4 (997)… Mùa hạ, tháng 4, nhà Tống phong vua (vua Lê Đại Hành – BVD) làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia, sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thế bắt đóng góp. Đến đây, Tống Chân Tông nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới gọi đến nhận mệnh, không sai sứ sang nữa". Và trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia bình phẩm rằng: “Đoạn sử liệu này cho thấy muộn nhất là vào trước năm 997, người Việt đã biết làm và dùng nước mắm và nước mắm đã được lưu vào sử sách. Bấy giờ, nước mắm do người Việt làm ra hẳn phải là một loại đặc sản có tiếng, khiến vua chúa Trung Hoa tuy ở xa vạn dặm, cũng ‘ngửi thấy’ mùi thơm của nước mắm, nên mới đòi triều đình Đại Việt phải triều cống nước mắm cho họ”.

Dẫn đoạn cứ liệu lịch sử này để thấy “nước mắm” nó “cũ như thế nào” đối với người dân Việt, và nó cũng đã quen thuộc đến thế nào đối với người tiêu dùng Việt.

Ngay cả “mì gói” cũng không phải là mới mẻ. Còn nhớ sau năm 1975, lần đầu tiên chúng tôi, những anh lính bộ đội Cụ Hồ ở ngoài Bắc vào Nam mới được biết đến cái thứ thức ăn gói trong túi giấy, cứ “đổ nước sôi vào mấy phút là ăn được ngay” ấy, với những nhãn hiệu “Mì hai tôm”, “Mì năm tôm” hay “Mì hai cua”, “Mì năm cua”… in trên túi giấy màu nâu đất bên trong có tráng một lớp nhựa không thấm nước… Nhưng đến những năm 90, thứ đồ ăn nhanh này đã trở nên tương đối phổ biến ở nước ta, đến mức cái danh từ riêng “Mì tôm” lại được dùng để chỉ chung cho các loại “mì ăn liền”, giống như cái bàn chải đánh răng của hãng Zip trở thành danh từ chung được dùng để chỉ cho “bàn chải đánh răng” suốt một thời vậy…

Nói dông dài như thế để thấy, ông Nguyễn Đăng Quang bắt đầu khởi nghiệp với “mì gói và tương ớt” ở Nga từ những năm 90 thì còn có lý, bởi dù mì ăn liền là phát minh của người Nhật từ năm 1958, nhưng trong điều kiện nước Nga bị cấm vận thì đến những năm 90, ông vẫn còn là người mở đường, là người “dạy cho người Nga ăn mì gói”. Nhưng đến đầu thế kỷ 21, ông Quang trở về Việt Nam và vẫn “khởi nghiệp” từ cái thứ nước chấm đã có hàng nghìn năm tuổi và mì gói cũng đã trở nên phổ biến, thì cũng coi là cả một sự… liều. Cái sự liều này nó không giống như mạo hiểm bước chân vào một lĩnh vực mới lạ, tuy đầy rủi ro những dù sao cũng còn tạo nên niềm hứng khởi của sự khám phá, sự tiên phong; còn sự liều của ông Quang lại như húc đầu vào bức tường đá với những thói quen đã in hằn trên vỏ não của bao thế hệ người tiêu dùng và cả bao nhiêu sản phẩm đã thành danh nữa.

Đến đây, tôi bỗng hình dung ra một cuộc đối thoại giả tưởng với ông Nguyễn Đăng Quang:

Tại sao ông lại chọn mì ăn liền, gia vị, nước chấm để bắt đầu mà không phải là bất động sản hay sáng tạo ra một thứ gì đó mới mẻ?

Tôi xin hỏi ngược lại, thế tại sao tôi lại phải chọn một thứ gì đó “mới mẻ” theo cách gọi của ông, mà không phải là mì ăn liền, gia vị và nước chấm?

Vì những thứ này đã quá quen thuộc, đến nỗi người ta nghĩ chẳng còn gì là mới mẻ, chẳng còn gì để sáng tạo nữa.

Ấy đấy, chính những điều mà người ta cho rằng “chẳng còn gì là mới mẻ, chẳng còn gì để sáng tạo” đó lại thôi thúc tôi lao vào lĩnh vực này; bởi khi người ta nghĩ một điều gì đó đã quá quen thuộc, thậm chí là nhàm chán, thì điều đó cũng không có nghĩa đã đi tới giới hạn của nó. Thậm chí kể cả khi người ta nghĩ một điều gì đó đã đi tới giới hạn thì đối với tôi, chưa chắc giới hạn đó là không thể phá bỏ, không thể vượt qua. Ngược lại, nếu vượt qua được thói quen cố hữu, vượt qua được giới hạn do con người tự vẽ ra để trói mình lại đó, ta sẽ tạo ra cái mới và mở ra một thế giới mênh mông cho sự sáng tạo, cho thị trường. Khi đó, ta sẽ đưa đến cho người tiêu dùng một suy nghĩ mới, tạo ra thói quen mới, từ đó tạo ra thị trường mới trên nền tảng tưởng đã xưa cũ, quen thuộc đến mức nhàm chán.

À… tôi đã hiểu ra phần nào… Và như thế ta sẽ trở thành người dẫn dắt thị trường, dẫn dắt thị hiếu và tạo ra xu hướng tiêu dùng mới.

Đúng vậy. Và như vậy mới là người giành thế chủ động trên thị trường và làm chủ thị trường.

Ồ! Như vậy hóa ra trong cái thế giới của mì gói, nước mắm với những khái niệm thị trường, sản phẩm, xu hướng, người tiêu dùng… này cũng không hề kém phần hấp dẫn để khám phá và sáng tạo so với thế giới vi mô của cấu trúc nguyên tử…

Cười. Miễn là ta có khát vọng và cảm hứng sáng tạo.

Tất nhiên còn biết bao nhiêu mồ hôi và công sức, trí tuệ và nghị lực để biến khát vọng và cảm hứng sáng tạo thành những sản phẩm thuyết phục được người tiêu dùng và chiếm lĩnh được thị trường, thậm chí tạo ra xu hướng mới. Nhưng đến đây thì tôi đã hiểu, vì sao từ một tiến sĩ vật lý hạt nhân, ông Nguyễn Đăng Quang lại “khởi nghiệp” thành công với mì gói và nước mắm như vậy.

Các sản phẩm tiêu dùng của Masan từ lâu đã trở thành người bạn thân thuộc của hàng triệu gia đình.
Masan có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

THẢN NHIÊN DẪN DẮT THỊ TRƯỜNG

Dẫn dắt thị trường không chỉ bằng những sản phẩm mình tạo ra, thuyết phục và “buộc” thị trường tiếp nhận, thị trường tiêu thụ rồi dần dần ưa thích, trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, ông Nguyễn Đăng Quang với đế chế Masan còn dẫn dắt thị trường, dẫn dắt người tiêu dùng bằng những cái tên sản phẩm “chẳng giống ai” như mì Omachi, mì Kokomi, xúc xích Ponnie, hay đặc biệt là nước tương, nước mắm Chin-su… Người ta bảo, khi hỏi ông Quang rằng tại sao lại chọn những cái tên na ná như cách phát âm tiếng Nhật như thế thì ông chỉ cười.

Còn ngay đến cả nhân viên của Masan cũng “chịu”, không biết ý nghĩa của những cái tên đó là gì. Ấy thế rồi nghe mãi, cả nghe trên quảng cáo, cả nghe trong cuộc sống hằng ngày, nghe trong từng bữa ăn, rồi gọi mãi thành quen. Cho đến giờ, những cái tên nói trên đã trở thành quen thuộc của các bà nội trợ, của người tiêu dùng Việt Nam mà họ cũng chả hề bận tâm hay một lần băn khoăn tự hỏi: Những tên gọi đó có ý nghĩa gì. Ngay cả thương hiệu doanh nghiệp “MASAN”, có lẽ rất nhiều người, trong đó có tôi, đến gần đây mới hiểu, theo cách giải thích của ông Quang, đó là rút gọn của hai chữ MẠNH và SÁNG.

Hóa ra, thị trường, người tiêu dùng, trong đó có tôi và các bạn “bị” ông Quang dẫn dắt từ lúc nào mà không hay. Nhưng để có thể dẫn dắt được người tiêu dùng như thế, dẫn dắt mà họ không biết “bị” dẫn dắt, dẫn dắt mà cứ tự nhiên như không, như một lẽ cuộc sống tự nó phải như thế…, thì phải là người cao tay lắm.

Từ cơ chế bao cấp với nền kinh tế kế hoạch hóa sản xuất ra cái gì bán cái nấy, chỉ biết bán cái mình có dẫn đến việc người bán bán cái mà người mua không cần, rồi người mua mua về có khi xếp xó không dùng, chúng ta bước sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các nhà kinh tế thường khuyên hãy bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có.

Nhưng cái thị trường cần ở đây ít nhất có ba cấp độ. Cấp độ thứ nhất là những sản phẩm, những loại sản phẩm, dịch vụ đã có và người tiêu dùng đã quen sử dụng, tức đáp ứng thói quen tiêu dùng. Ví như nước chấm hay cụ thể là nước mắm truyền thống, nước tương (theo cách gọi của các tỉnh phía Nam) hay còn gọi là xì dầu (theo cách gọi của người dân phía Bắc) của nhiều nhà sản xuất lớn nhỏ… Như thế sẽ đáp ứng được nhu cầu có sẵn của người tiêu dùng. Nhưng nếu chỉ sản xuất ra những sản phẩm như người khác vẫn sản xuất ra, thì chắc chắn không thể cạnh tranh, chứ đừng nói chiếm lĩnh được thị trường.

Còn cấp độ thứ hai, “cái thị trường cần” ở dạng “nhu cầu” chứ chưa phải sản phẩm cụ thể. Ví dụ như nhu cầu truyền thông tin. Con người thời cổ đại truyền thông tin cho nhau bằng tiếng hú. Đến đời nhà Thương ở Trung Quốc truyền thông tin bằng việc đốt lửa trên các “trạm truyền tin” nối tiếp nhau gọi là phong hỏa đài. Bước vào thời hiện đại, điện tín bắt đầu xuất hiện ở Pháp vào năm 1854 bằng tín hiệu được mã hóa Morse. Đến năm 1876 điện thoại xuất hiện, rồi từ điện thoại có dây tiến lên điện thoại không dây, gọi là điện thoại di động hay smartphone, từ điện thoại di động chỉ truyền tiếng nói đến điện thoại di động có cả hình ảnh… Lược lại sự phát triển của thông tin như thế để thấy, xuất phát từ nhu cầu truyền thông tin của loài người, các nhà khoa học đã từng bước phát minh ra các công cụ và phương thức truyền thông tin mới ngày càng nhanh, chính xác và tiện lợi hơn. Ở cấp độ này, nhu cầu là cũ còn công cụ, sản phẩm là mới. Để đáp ứng nhu cầu này, đòi hỏi chất xám, sự nghiên cứu, thử nghiệm tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

Cấp độ thứ ba là tạo ra nhu cầu hoàn toàn mới. Lấy đơn giản như tự bản thân con người không có nhu cầu “tắm bùn”, nhưng một doanh nghiệp xây dựng cơ sở tắm bùn ở Nha Trang rồi quảng bá nó, khiến dần dần tắm bùn không còn xa lạ mà trở thành một dịch vụ như bao dịch vụ khác trong xã hội và dần dần trở thành nhu cầu của một bộ phận công chúng. Cách làm này đòi hỏi sự mạo hiểm, chi phí quảng bá trong khi độ rủi ro cao.

Tôi có cảm tưởng như ông Quang kết hợp cả ba cấp độ “cần” của thị trường và người tiêu dùng. Mì ăn liền, và nhất là nước mắm, tương ớt không phải là sản phẩm mới, cũng không phải là mặt hàng mới, lại càng không phải là nhu cầu mới, chẳng hạn như nước mắm đối với người Việt thì nó “xưa như trái đất”. Cái “mới” ở đây là ông Quang đã tạo ra thị hiếu mới, tên gọi mới, cách quảng cáo mới và nhất là giá cả cạnh tranh. Từ đó tạo ra thị trường mới, lớp người tiêu dùng mới, tiến tới nắm cả hệ thống phân phối mới để tiến tới gần như độc chiếm thị phần; tạo ra sản phẩm mới với phương thức sản xuất khác hẳn và nhất là phổ cập chúng tới mức nó trở thành “điều tất yếu của cuộc sống”.

Như vậy là triết lý kinh doanh hãy bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có đã được nâng lên một cấp độ cao hơn, đó là từ cái mình có mà tạo ra thị trường. Đây là bước chuyển quan trọng bởi bản chất của nó là chuyển từ thế bị động sang chủ động. Mà đã nắm thế chủ động thì doanh nghiệp sẽ trở thành người dẫn dắt thị trường, từ đó sẽ luôn làm chủ cuộc chơi. Mà thị trường là mênh mông vô tận, do đó con người thỏa sức sáng tạo và cống hiến. Thực chất lịch sử phát triển của xã hội loài người cũng là lịch sử của việc sáng tạo ra cái mới, thói quen mới; từ đồ đá chuyển lên đồ đồng, đồ sắt; từ săn bắt hái lượm làm cuộc cách mạng nông nghiệp, rồi cách mạng công nghiệp và bây giờ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tuy nhiên, triết lý hãy bán cái thị trường cần không phải đã mất hẳn mà vẫn còn nguyên giá trị, nhưng nội hàm đã thay đổi. Cái thị trường cần bây giờ không phải là sản phẩm cụ thể, không phải là thói quen cũ, mà là nhu cầu. Mà nhu cầu của con người, của xã hội luôn thay đổi, phát triển theo hướng đi lên. Vì vậy, tạo ra cái thị trường cần, phục vụ nhu cầu mới của người tiêu dùng đồng nghĩa với sáng tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới…

HÃY MẠNH DẠN KHỞI NGHIỆP, SÁNG TẠO VÀ KHÁT VỌNG VƯƠN TỚI

Tôi không muốn nói nhiều đến sự lớn mạnh của đế chế Masan – doanh nghiệp mà ông Nguyễn Đăng Quang đứng mũi chịu sào chèo lái từ thủa “hàn vi” đến quy mô, tầm vóc như hiện nay. Đây là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa ngành, có một chút khai khoáng, một chút ngân hàng, một chút nông nghiệp…, nhưng cốt lõi vẫn là hàng tiêu dùng.

Thành công của ông cùng hệ sinh thái Masan có thể nói là vang dội. Theo Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021 của Vietnam Report, Masan xuất sắc ghi danh trong Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2021 và đứng thứ 15 trong tổng Bảng xếp hạng. Đặc biệt, theo cập nhật mới nhất của Forbes tính đến tháng 12/2021, ông Nguyễn Đăng Quang đã lọt vào Top 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam với 2,2 tỷ USD. Có thể đề cập đến thành công của ông Nguyễn Đăng Quang từ nhiều góc độ, nhưng từ góc độ xã hội, tôi cho rằng thành công lớn nhất của ông Quang chính là việc truyền cảm hứng khởi nghiệp cho lớp trẻ.

Nhìn vào cái cách “khởi nghiệp” của ông Quang, tạo ra lớp người tiêu dùng mới, thói quen tiêu dùng mới, từ đó tạo ra thị trường mới từ những điều hết sức quen thuộc, xưa cũ thì nhiều người không khỏi giật mình: Nếu như thế thì hóa ra ai cũng có thể khởi nghiệp và có thể thành công!

Đối thoại ngắn giả tưởng:

Như vậy, khởi nghiệp không nhất thiết cứ là phải bắt đầu từ sản phẩm mới, lĩnh vực mới, mà nó có thể hoàn toàn bắt đầu từ những điều xưa cũ, những lĩnh vực xưa cũ, những thị trường xưa cũ, nhưng mặt hàng xưa cũ…

Đúng vậy, nhưng phải có những ý tưởng mới, những sáng tạo mới. Và làm mới cho những cái vốn vẫn được coi là xưa cũ kia. Và như vậy thì vẫn là sáng tạo ra những cái mới từ những cái cũ chứ không phải lặp lại y nguyên cái cũ. Lặp lại là một sự tự sát, kể cả lặp lại chính mình.

Và khởi nghiệp thành công cũng không nhất thiết phải là những điều to tát, vĩ đại?

- Chúng ta làm việc tốt thì không nhất thiết nó phải vĩ đại. Việc bạn làm sẽ trở nên vĩ đại khi nó tốt cho tất cả mọi người.

Ông có lời khuyên gì cho những người bắt tay vào khởi nghiệp?

Thực ra tôi không muốn gọi đó là “startup” hay “khởi nghiệp”, mà tôi muốn gọi đó là “tinh thần kinh doanh”. Khái niệm khởi nghiệp hiện hơi bị đẩy lên quá do gần đây chúng ta nói nhiều tới điều này, thực ra nó là tinh thần kinh doanh, ở Masan chúng tôi hay nói tới khởi nghiệp theo cách bạn tạo ra giá trị bằng việc kiến tạo ra các sản phẩm đột phá, và biết cách thành công. Trong quá trình đấy, bạn phải chấp nhận trong khả năng của mình về việc kiểm soát rủi ro. Chữ khởi nghiệp, tôi nghĩ, nó hơi bao gồm một vế là ‘cứ làm đi rồi tính’, nhưng nhiều khi bạn không có lần thứ hai, do vậy bạn vẫn phải tối đa hóa cơ hội và kiểm soát được rủi ro.

Triết lý kinh doanh của ông là gì?

- Cho đến thời điểm hiện tại, triết lý chung mà Masan theo đuổi vẫn là Keep Going - Tiếp tục đi tới. Dừng lại cũng là tự sát!

Triết lý của ông Quang là như vậy. Không to tát, không cầu kỳ mà rất đơn giản, đó là hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất có thể. Những người startup thay vì phải vắt óc suy nghĩ, tìm tòi những gì gọi là mới lạ để khởi nghiệp, họ hoàn toàn có thể bắt đầu từ những điều bình thường, quen thuộc ở quanh ta, hay ở chính trong ta. Như nước mắm và mì gói của ông Quang là một ví dụ. Vấn đề là hãy đặt ra cái đích đi tới, bắt tay thực hiện ý tưởng và khát vọng của mình.

Ngay từ khi bắt tay khởi nghiệp, ông Quang đã đặt ra cái đích cho mình, đó là vươn lên đứng đầu trong lĩnh vực tham gia. Khát vọng đó chính là nguồn năng lượng, là động lực để sáng tạo và vượt qua trở ngại. Để rồi, khi đã chinh phục được mục tiêu đặt ra, lại tiếp tục đặt ra cho mình mục tiêu mới. Keep going.

Minh chứng cho điều ấy là sau tất cả những gì đã đạt được, ông Nguyễn Đăng Quang cùng đế chế Masan đang tăng tốc xây dựng nền tảng “Point Of Life” – Tất cả trong một, để đáp ứng các nhu cầu về nhu yếu phẩm, tài chính, y tế, dịch vụ số, giáo dục, giải trí… của người tiêu dùng. “Offline” cũng được, “Online” cũng được, miễn là giúp 30 – 50 triệu người tiêu dùng ở cả thành thị và nông thôn (mục tiêu mà Masan đặt ra) tận hưởng cùng một trải nghiệm vượt trội dù đang ngồi tại nhà hay mua sắm tại các cửa hàng.

Dường như ông Nguyễn Đăng Quang muốn gửi tới thế hệ trẻ một thông điệp, đừng vội vàng, nhưng cũng đừng quá quan trọng hóa vấn đề. Cứ mạnh dạn khởi nghiệp! Bắt đầu từ đâu cũng được, bắt đầu từ cái gì cũng được, miễn là bạn hình dung ra được những cách để giải quyết vấn đề đó, miễn là phải luôn luôn sáng tạo và khát vọng vươn tới.

Bởi, Startup chỉ là sự khởi đầu, Keep Going mới là quan trọng!

09/03/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top