Gần đây tôi có cuộc trao đổi với lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn nhà nước và câu chuyện xoay quanh 1 dự án đang bế tắc. Dự án đã được rót hàng nghìn tỷ đồng, nhưng vì nhiều lý do vẫn treo lơ lửng ở đó. Vài năm trước, doanh nghiệp muốn khởi động lại dự án nhưng tỉnh, nơi dự án đặt địa điểm, phản đối; còn trên trung ương thì có bộ đồng tình, có bộ phản ứng cho triển khai.
“Trong suốt 3 năm nay, tôi không biết đã ngồi biết bao cuộc họp ở các cấp”, ông nói, “Hôm qua tôi cũng vừa họp, và lại được yêu cầu về nghiên cứu, xem xét, báo cáo lại”. “Là doanh nghiệp, chúng tôi muốn triển khai dự án. Nhưng nếu không thể triển khai được nữa thì chúng tôi cũng cần biết có phương án đền bù thế nào đó. Tiếc là thời gian cứ thế trôi đi mà tôi không biết gì cả. Không ai quyết gì”, ông nói với tôi.
“Liệu bao giờ thì có quyết định cuối cùng về dự án của bên anh”, tôi hỏi. Đáp lại, vị này chỉ cười buồn và lắc đầu.
Câu chuyện của vị lãnh đạo doanh nghiệp nói trên không phải là đơn lẻ hiện nay.
Đã và đang có rất nhiều dự án có vốn liên quan đến ngân sách lâm vào tình trạng lơ lửng. Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án đã nhận 32 nghìn tỷ đồng, vẫn chưa thể hoàn thành vì tắc dòng tiền. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã lên tiếng muốn rót vốn của Tập đoàn này vào để hoàn thành dự án, nhưng điều này lại vượt thẩm quyền của PVN nên phải báo cáo lên cấp cao hơn.
Hồi cuối tháng 7/2019, 4 Ủy viên Trung ương có mặt tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2 bàn cách giải cứu cho dự án. Chủ tịch PVN đã khẳng khái: "Hội đồng thành viên mỗi người đã ký một chữ ký, nhưng bộ ngành cấp trên lại chần chừ, không có quyết sách cụ thể ngay. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng đồng tiền, nhưng phải bật đèn xanh cho chúng tôi đi".
Chưa rõ đến nay, PVN đã được bật đèn xanh để tiếp tục làm hay chưa. Chỉ biết, 32 nghìn tỷ đồng vẫn nằm đó, bao nhiêu sắt thép, công trình dang dở vẫn đang phơi mưa phơi nắng.
Không thể phủ nhận là dự án này bị đình trệ là do có lỗi của những người thực hiện trong quá trình triển khai, có người đã phải đi tù. Không ít trong số 12 dự án yếu kém ngành Công Thương (nay chuyển sang cho Ủy ban quản lý vốn) cũng bị “đắp chiếu” nhiều năm, nhiều tài sản đang trở thành đống sắt vụn theo đúng nghĩa.
Bên cạnh đó, nhiều dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cũng án binh bất động nhiều năm nay. Có dự án nhiệt điện không thể triển khai được vì vướng thủ tục trong khi nguy cơ thiếu điện ngày càng cận kề. Nhiều năm nay, không một dự án nguồn điện lớn nào khởi công ngoại trừ các dự án điện mặt trời.
Các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng lâm cảnh “đóng băng” vì quy trình thủ tục và các vấn đề khác.
Con số giải ngân vốn vay nước ngoài, vốn đầu tư công thấp đến báo động, là vấn đề nóng bỏng thời gian qua, đến mức lãnh đạo Chính phủ phải triệu tập nhiều cuộc họp để tháo gỡ.
Luật lệ chồng chéo, thủ tục rối rắm khiến không ít cán bộ sợ sai, sợ bị truy trách nhiệm. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp khi gửi văn bản kiến nghị lên cấp trên, thì sau đó chỉ nhận được những văn bản hướng dẫn chung chung “làm theo đúng quy định của pháp luật”.
Một lãnh đạo doanh nghiệp nói với tôi: Việc chỉ đạo làm đúng quy định pháp luật là đúng, không có gì phải bàn cãi. Nhưng luật pháp của chúng ta chưa hoàn thiện. Khi đối chiếu dự án với quy định của luật này, chúng tôi thấy đúng nhưng chiếu sang luật khác, thì lại sai. Do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau như vậy nên chúng tôi mới phải gửi văn bản xin ý kiến.
Luật là do chính bộ máy xây dựng và nay chính bộ máy lại trở thành nạn nhân cho chính cái quy trình, thủ tục rối rắm của luật đó. Hệ quả là, một bộ phận lãnh đạo “thủ thế phòng thân”, nên các dự án cứ treo lơ lửng đó. Vấn đề này không được giải quyết thì ảnh hưởng cho tăng trưởng không chỉ hiện nay mà còn sau này.
Nếu không có các dự án đầu tư mới giai đoạn hiện nay thì lấy gì để kích thích tăng trưởng tới đây?
Tư tưởng tròn vo, sợ trách nhiệm, không dám quyết định… giúp những người có thẩm quyền an toàn, nhưng không giúp cho kinh tế đất nước phát triển.