Năm 1976, tôi từ Erevan, thủ đô của Armenia, nước Cộng hòa nhỏ nhất của Liên bang Xô Viết, nơi tôi qua một năm học tiếng Nga, lên Moscow nhập học năm thứ nhất khoa Báo chí của Trường Tổng hợp quốc gia Moscow.
Tôi bỡ ngỡ cả ngày, cuối cùng cũng cầm được trên tay tờ giấy ghi số phòng của mình trong ký túc xá. Khi tôi đi qua nửa thành phố to đến mức chẳng hình dung nổi, rồi hỏi thăm, được rất nhiều người Nga chỉ đường, đến tối mịt cũng vào được phòng mình ở.
Khi bước vào phòng, tôi thấy người đến trước là một thanh niên thấp ngang tôi, có khuôn mặt đặc sệt Armenia. Tôi mừng quá nói câu chào của người Armenia và thấy mình không nhầm. Đó là một sinh viên cũng mới nhập học, cũng từ Erevan đến. Tôi có cảm giác bớt cô đơn giữa thành phố lúc đó vẫn còn xa lạ lắm.
Chúng tôi giở đồ ăn ra bày tiệc. Một giờ sau, một thanh niên cao to tóc đen bước vào. Một chàng từ Azerbaijan, một nước cộng hòa khác. Một lúc sau, bàn tiệc của chúng tôi đã thêm bao đồ ăn lạ lẫm mang đến từ Baku. Lúc chúng tôi đã kễnh bụng, thì ùa vào là một cậu còn cao to hơn, tóc vàng óng. Dĩ nhiên là người Nga rồi. Cậu ta lôi một bọc gói giấy báo, mỡ thấm ra ngoài. Một con gà hun khói. Và vodka. Một hai giờ sau, cognac Armenia, vang Azerbaijan với vodka khiến chúng tôi chỉ còn có thể lăn vào mỗi người một giường.
Ba năm trời sau đó, chúng tôi chung phòng. Nấu ăn lúc riêng, lúc chung. Hòa khí lúc có, lúc không. Nhưng lúc lên năm thứ tư, chia phân ngành hẹp, thì cả bốn đều rơm rớm nước mắt. Không thằng nào muốn để lộ ra nhưng đều như thế cả.
Tôi quên không nói. Trong ba năm ấy, cậu từ Baku và cậu người Nga lấy vợ. Mỗi lần như thế, ba đứa còn lại lang thang đi cả đêm ngoài đường dành phòng tân hôn cho đứa lấy vợ.
Ngoài tôi ra, kẻ đến từ xa quá, thì ba cậu kia thỉnh thoảng bố mẹ lên thăm. Họ gọi tôi là “con trai”. Tất cả những đứa sống cùng con trai họ đều thành “con trai”. Cứ một, hai tuần, ba cậu kia lần lượt ra bưu điện bê một thùng bưu kiện về. Đủ cả: Gà hun khói, cá hun khói Nga. Hoa quả Armenia. Các đồ sấy khô đặc sản núi Azerbaijan.
Có lần tôi phân phát cho các bạn cùng phòng những đôi dép nhựa Tiền Phong trong suốt. Chúng quá đẹp và lạ đến mức ba cậu kia mang tặng vợ và bạn gái. Rất buồn cười khi các vị phái yếu kia sướng phát cuồng rồi diện những đôi dép nam đó đến trường.
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ dáng đi và giọng nói của từng người trong số các bạn chung phòng. Chúng tôi cười với nhau, cãi nhau, sẻ chia tức tối sau mỗi kỳ thi. Mấy cậu kia thỉnh thoảng đoàn kết trêu chọc tôi. Nhưng thường xuyên hơn, từng người trong số họ lôi kéo tôi làm đồng minh mỗi khi hục hặc với cậu khác.
Rồi 5 năm tuyệt vời ấy cũng trôi qua. Khi đó, không ai trong chúng tôi biết là những năm đó tuyệt vời đến thế.
Khi đã xa nhau rồi, tôi biết tin tức về cuộc xung đột Nagornui Karabach giữa Armenia và Azecbaijan. Biết về cuộc thảm sát người Armenia tại đất Azecbaijan.
Tôi viết thư gửi hai người bạn. Bằng tiếng Nga. Rằng mày hãy đứng chặn bên này đi, mày thì chặn bên kia đi. Làm sao có thể thế được?
Rồi sau đó Liên Xô tan rã. Sau bao xung đột sắc tộc. Tôi không nghĩ những người bạn tôi có thể làm gì. Tôi nghĩ cuối cùng họ vẫn phải ở các chiến tuyến khác nhau. Cho đến tận bây giờ...
Cuộc sống có những quy luật lớn hơn rất nhiều cái quy luật nhỏ bé trong căn phòng ký túc xá chung của chúng tôi. Và nó vô cùng khắc nghiệt.
Khi đã nhiều tuổi rồi, tôi càng hiểu cái đau nhất không hẳn là những nhà báo - bạn bè thân thiết của mình, do khác dân tộc mà có lúc phải đứng ở các bờ lũy khác nhau. Đau hơn là cùng một dòng máu, một ngôn ngữ, mà lên facebook không tìm nổi tiếng nói chung. Những nhóm quan điểm và nhóm lợi ích khác nhau khiến cho người ta dù yêu quý nhau, vẫn không thể nào tránh khỏi tranh cãi, đối địch nhau. Nhưng tranh cãi, đối địch thì cũng là chuyện nhỏ. Vấn đề là nhiều khi thấy bạn bè dần trượt xa nhau. Mãi mãi...
Đó là sau này. Chứ khi đó, chúng tôi, những đứa trẻ người non dạ sống bên nhau - khi đó, chúng tôi chưa thể hiểu, rằng nghề chúng tôi chọn và theo học, nó có thể sẽ thành trắc trở và nhói lòng đến thế!
Khi đó thì chúng tôi chưa biết!