Aa

Ngẫm nghĩ về một vị vua

Thứ Năm, 23/05/2019 - 06:00

Trần Nhân Tông để lại bài học cho những người cầm quyền, rằng quyền lực mạnh mẽ nhất là quyền lực từ nhân tâm, lớn lên do nhân tâm, được vận hành bởi nhân tâm và phục vụ cho sự bền vững của nhân tâm.

Đất nước lúc gian nguy đã sinh ra Trần Nhân Tông, và con người vĩ đại ấy đã làm lộng lẫy lịch sử chính trị, lịch sử vệ quốc, lịch sử văn hoá và lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sự hoà nhập của vị đế vương và bậc tu hành, hoá thân thành biểu tượng của Tâm và Tuệ.

Là vua, Đức Trần Nhân Tông để lại bài học cho tất cả những ai có vị trí cầm quyền, rằng quyền lực mạnh mẽ nhất là quyền lực từ nhân tâm, lớn lên do nhân tâm, được vận hành bởi nhân tâm và phục vụ cho sự bền vững của nhân tâm trong xã hội. Là bậc tu hành, Đức Trần Nhân Tông để lại minh chứng rằng Đạo là từ đời, gắn với đời, không xa lánh mà chính là vì đời.

Chắc chắn niềm âu lo lớn nhất của Đức Trần Nhân Tông cũng là sao cho “Nước non ngàn thuở vững âu vàng”. Vị vua đã tập hợp sức mạnh của toàn dân để bảo vệ đất nước qua các cuộc binh đao.

Nhưng Người quá hiểu rằng "âu vàng" có thể giữ được qua khói lửa, rồi thời bình, nếu không đặt trên nền tảng vững vàng thì cũng có thể có ngày xô lệch, nghiêng ngả. Bởi vậy, Người dành nửa phần đời sau để xây đắp một nền tảng tinh thần cho toàn dân tộc. Lịch sử hàng ngàn năm, nhưng tầm nhìn ấy mấy người có được. 

Bảo tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh non thiêng Yên Tử.

Bảo tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh non thiêng Yên Tử

Trên 7 thế kỷ đã trôi qua, và còn nhiều thế kỷ nữa sẽ trôi qua, càng cho thấy vóc dáng tinh thần khổng lồ của Đức Trần Nhân Tông, vóc dáng không chỉ tầm dân tộc mà còn ở tầm nhân loại. Tôi tin rằng sẽ còn có nhiều Viện Trần Nhân Tông được mở ra ở những trung tâm nghiên cứu danh tiếng nhất trên thế giới.

Rất khó hết ngạc nhiên về tầm vóc ấy. Nhưng đâu là cái lõi tư duy tạo ra tầm vóc của con người vĩ đại Trần Nhân Tông?

Phải chăng có thể hiểu được điều rất khó ấy qua một câu chuyện vô cùng giản dị, chỉ qua hai câu nói của Đức Phật Hoàng. Một lần giảng pháp, các tăng đã hỏi Đức Trần Nhân Tông ba câu: "Thế nào là Phật?"; "Thế nào là Pháp?"; "Thế nào là Tăng?".

Và Ngài đã cho cả ba câu hỏi ấy một câu trả lời: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”. Trần Nhân Tông còn dạy thêm rằng: Khi nhắc lại lời người xưa, thì: “Một lần nêu ra một lần mới”.

Quả thật, ngay từ thời nhà Trần, hoạ hay phúc cũng luôn luôn biến đổi. Đến ba lần Nguyên Mông xâm lược thì mỗi lần cũng khác nhau. Tổ quốc, Dân tộc mãi trường tồn, nhưng nhân dân và đất nước mỗi thời - mà cũng có thể nói mỗi ngày - mỗi khác. Lo cho dân, cho nước thì không thể theo lối cũ. Đã ở vị trí trị quốc thì phải có nền tư tưởng và chánh kiến.

Nhưng nền tư tưởng ấy, người thay trời hành đạo, cũng phải luôn không rập “theo lối trước”. Kể cả những di sản, những nguyên lý vĩ đại nhất cũng không thể giữ và hiểu ở dạng nhất thành bất biến, mà phải luôn hiểu trong hơi thở của thực tế mới (“Một lần nêu ra một lần mới”). Phải hiểu thấu vận động của đất trời, nhân quần mới có tầm nhìn như vậy. 

Có được vị vua như thế là phúc lớn cho bất cứ dân tộc nào ở bất cứ thời đại nào!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top