Aa

Khi nào giá thép có thể hạ nhiệt?

Thứ Tư, 26/05/2021 - 16:30

Báo cáo mới công bố của Fitch Solutions cho biết, trong năm 2021, nhu cầu thép sẽ ổn định và ngành sản xuất thép sẽ mở rộng về quy mô. Từ đó, giá thép sẽ giảm đáng kể trong năm 2022.

Báo cáo của cơ quan xếp hạng tài chính quốc tế Fitch Solutions dự đoán trong ngắn hạn, giá thép toàn cầu sẽ đạt mức trung bình 800 USD/tấn vào nửa cuối năm nay. Mức dự đoán này đã tăng lên so với dự báo trước đó (660 USD/tấn) với lý do là sự mất cân đối trong cung - cầu khiến giá vật liệu này tiếp tục tăng cao.

Tại thị trường Việt Nam, thời gian qua, giá thép trong nước đã tăng phi mã so với quý IV/2020
Tại thị trường Việt Nam, thời gian qua, giá thép trong nước đã tăng phi mã 40 - 45% so với quý IV/2020. 

Giá thép đã tăng đáng kể từ quý IV/2020 và đạt mức giá cao nhất kể từ giữa năm 2008. Đến nay, giá thép trung bình là 883 USD một tấn, cao hơn năm ngoái 301 USD một tấn.

Fitch Solutions cho biết, dù kỳ vọng đà tăng này sẽ bắt đầu ổn định trong 6 tháng cuối năm 2021, giá thép sẽ không giảm đáng kể hay có hiện tượng lao dốc. Nguyên nhân là sản lượng thép cung ứng ổn định trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

"Chúng tôi dự đoán đà tăng này bắt đầu ổn định trong nửa sau của năm 2021 nhưng giá thép sẽ không giảm mạnh hay lao dốc. Đó là vì nhu cầu tiêu thụ rất lớn trong khi sản lượng ở mức ổn định”, Fitch Solutions cho hay.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng các doanh nghiệp hạ nguồn, như công ty xây dựng, nhà sản xuất thiết bị và hàng điện tử, sẽ ngày càng không chấp nhận chịu trả mức giá cao để mua hàng. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ nhìn chung sẽ chậm lại vì cao điểm của hoạt động xây dựng thường chỉ vào những tháng mùa hè hàng năm.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, cơ quan này cũng kỳ vọng nhu cầu thép của châu Âu sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm ngoái vì Covid-19. Khác với thép Trung Quốc được sản xuất chủ yếu bằng lo cao sử dụng than cốc, quặng sắt, thép tại châu Âu là thép carbon thấp được sản xuất bằng lò hồ quang điện có nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu. Do vậy, Fitch kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm hạ nguồn, đặc biệt là các nhà sản xuất ôtô và thiết bị điện tử lớn, sẽ tiêu thụ nhiều hơn thép châu Âu trong tương lai, nhằm đảm bảo yêu cầu giảm lượng phát thải.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ thép năm 2021 có thể tăng từ 3 - 5% so với năm 2020. Tuy nhiên, thị trường thép sẽ tiếp tục diễn biến khó lường.

Fitch cho rằng giá thép toàn cầu có xu hướng giảm dần từ mức hiện tại về dài hạn. Sau đợt phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, nhu cầu sẽ ổn định dần trong khi sản lượng có thể tiếp tục tăng. Kết quả giá sẽ giảm đáng kể trong năm 2022.

Theo dự đoán của cơ quan này, giá thép trung bình đạt 600 USD/tấn trong năm tới và 535 USD/tấn trong giai đoạn 2023 - 2025. Sự kết hợp giữa hai yếu tố, gồm tăng trưởng nhu cầu thép tại Trung Quốc chậm lại và chủ nghĩa bảo hộ thị trường thép trên toàn cầu gia tăng, sẽ thúc đẩy sản lượng ở các quốc gia bị ảnh hưởng lên cao, từ đó giúp nới lỏng thị trường và giá thành xuống thấp trong trung hạn.

Tại thị trường Việt Nam, thời gian qua, giá thép trong nước đã tăng phi mã 40-45% so với quý IV/2020. Cơn sốt nóng của giá thép bắt nguồn từ giá nguyên liệu đầu vào của mặt hàng này không ngừng tăng. Trong khi ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn từ nguồn nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất đầu vào, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...

Ông Võ Hoàng Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) cho biết tình hình kinh doanh ngành thép hiện thuận lợi, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. “Giá thép tăng liên tục vì đang thiếu cung, cùng với đó là giá nguyên liệu tăng cao. Nhìn trung và dài hạn, nhu cầu thép đang tốt lên, đặc biệt Mỹ và châu Âu có tình trạng thiếu cung. Có những đơn hàng thép cuộn cán nóng (HRC) đặt giao hàng đến tháng 11 mới có”, ông Võ Hoàng Vũ cho hay.

Giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép

Trước tình hình giá thép tăng cao đột biến, Bộ Công Thương cho biết, đang xem xét để kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.

Bộ Công Thương cũng có Văn bản số 2612/BCT-CN gửi VSA và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đề nghị rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Tuy nhiên, kiến nghị ban hành chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu, nhiều ý kiến cho rằng, thép không phải mặt hàng thiết yếu, hạn chế xuất khẩu sẽ làm mất đi cơ hội phát triển của doanh nghiệp sản xuất trong nước khi thị trường đang thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hạn chế xuất khẩu thép sẽ tác động rất tiêu cực vì doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu năm, nếu ngưng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt với khách hàng, gây mất uy tín. 

Tình hình sản xuất thép thành phẩm năm 2021

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, không nên can thiệp vào thị trường bằng chính sách hạn chế xuất khẩu bởi sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nếu đầu ra bị ngăn chặn, doanh nghiệp sẽ dần thu hẹp sản xuất, Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc sâu vào doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia hội nhập với 14 FTA đang có hiệu lực, là nền kinh tế thị trường, mở cửa với thế giới, doanh nghiệp, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận để thị trường điều tiết giá cả sản phẩm hàng hóa. 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước; tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.

Chỉ đạo của Chính phủ về “ưu tiên thị trường trong nước” với mặt hàng thép rất kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trong thông báo phát đi của Văn phòng Chính phủ về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại trong năm nay đã đưa ra thông điệp như vậy. Trong đó, giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm. Với Bộ Xây dựng, cần chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Vẫn biết, để giải quyết triệt để tình trạng giá thép tăng phi mã như hiện nay, cần có một chiến lược tổng thể với đồng bộ hàng loạt giải pháp về quy hoạch, về chính sách thuế, nguồn tài chính, nhân lực… song bên cạnh đó, những giải pháp tình thế “hạ nhiệt” giá thép là cần thiết để bảo đảm bình ổn thị trường và giảm gánh nặng giá cả leo thang sẽ đổ hết lên vai người tiêu dùng vốn đang lay lắt chống chọi với những tác động tiêu cực từ sự lan rộng của dịch COVID-19./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top