Aa

Khi Quảng Trị không còn nghĩ khó...

Mai Đình Toàn
Mai Đình Toàn thuongtruhue@gmail.com
Thứ Năm, 05/01/2023 - 06:12

Quảng Trị ngày nay trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Bất động sản Quảng Trị mang trong mình một sức hấp dẫn riêng biệt, thu hút được những nhà đầu tư có tâm và có tầm.

Khi nói về vùng "đất lửa" Quảng Trị, người ta nghĩ ngay đến những bất lợi khó khăn do hậu quả chiến tranh và thời tiết cực đoan. Nhưng Quảng Trị ngày nay đã khác khi trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Và bất động sản Quảng Trị cũng không phải ngoại lệ khi mang trong mình một sức hấp dẫn riêng biệt, thu hút được những nhà đầu tư có tâm và có tầm.

"Kim chỉ nam của tỉnh Quảng Trị là biến những bất lợi, khó khăn thành tiềm năng và lợi thế của tỉnh". Vài năm trước, tưởng rằng điều này chỉ là những câu nói động viên nhau nơi vùng đất khó, "đất lửa", nhưng hiện nay Quảng Trị thật sự đang đổi thay từng ngày, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong đó có cả "sếu đầu đàn".

"Sắc màu" Cam Lộ

Nếu nhìn Quảng Trị như một bức tranh đang thay đổi diện mạo từng ngày thì huyện Cam Lộ bên cạnh TP. Đông Hà là một "tiểu cảnh" mang những sắc màu thú vị và riêng biệt trong bức tranh tổng thể ấy. Là vùng đất thuần nông, thời gian gần đây Cam Lộ "trở mình" mạnh mẽ khi được nhà đầu tư chiến lược chọn làm điểm đến để đầu tư dự án.

Nếu huyện Gio Linh được Tập đoàn T&T "nhắm" đầu tư cảng hàng không Quảng Trị (theo hình thức đối tác công tư - PPP) thì Cam Lộ là điểm đến của Tập đoàn này với dự án Khu đô thị phức hợp, nghỉ dưỡng và sân golf Cam Lộ. Tháng 6/2022, dự án đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, với quy mô dự kiến là 498,2ha, triển khai tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Thành, huyện Cam Lộ với diện tích phân bổ đều cho mỗi bên. Ngay sau khi nhiệm vụ quy hoạch dự án trên được phê duyệt, các phòng, ban, ngành của huyện Cam Lộ liền "xắn tay" vào cuộc, thường xuyên phối hợp với sở, ban, ngành của tỉnh và đơn vị tư vấn để lập quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để dự án sớm khởi công.

Hồ Nghĩa Hy (huyện Cam Lộ), điểm quy hoạch sân golf và khu đô thị phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp do Tập đoàn T&T dự kiến đầu tư. (Ảnh: Lê Trường)

Theo quy mô đầu tư và địa bàn triển khai dự kiến, khu vực triển khai dự án bao gồm một số vùng dân cư hiện hữu, một khu nghĩa trang nhân dân và một số lớn diện tích rừng sản xuất. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cam Lộ cho biết, dự án sẽ không di dời khu vực nghĩa trang mà chỉnh trang cho phù hợp, theo hướng là đất công viên cây xanh, đồng thời giữ lại khu dân cư hiện hữu trong vùng dự án. Đây chính là những dấu hiệu dự báo giá bất động sản trong vùng sẽ có những xung nhịp sôi động trong thời gian tới, nhất là khi dự án được xây dựng.

Ông Trần Kiêm Tiến, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cam Lộ chia sẻ, lãnh đạo huyện Cam Lộ và phòng ban liên quan xem đây là một trong những dự án quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội huyện, tỉnh nên luôn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các thủ tục, trình tự để dự án sớm được khởi công xây dựng.

"Huyện tổ chức 2 buổi họp, trưng cầu và xin ý kiến bà con nhân dân trong vùng dự án. Qua hai lần tổ chức, bà con nhân dân rất phấn khởi khi có dự án lớn được triển khai trên địa bàn huyện nhà. Sắp tới, huyện sẽ tổ chức lấy ý kiến lần thứ ba và sau đó là hoàn thiện quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Chúng tôi cũng mong muốn mọi thủ tục thuận lợi để dự án tiến hành khởi công sớm nhất", ông Tiến cho biết.

Cùng với xuất hiện của dự án Khu đô thị phức hợp, nghỉ dưỡng và sân golf Cam Lộ, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết, ngày 16/5/2022, UBND huyện vừa ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ, phương án khảo sát quy hoạch chi tiết Khu dân cư - thương mại - dịch vụ Thanh An, tại 2 thôn Kim Đâu và Phú Hậu của xã Thanh An, huyện Cam Lộ với tổng diện tích gần 300ha. Khu dân cư này nằm ngay sát TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, có vốn đầu tư dự kiến khoảng 140 tỷ đồng. Cụ thể, Khu quy hoạch có vị trí phía Nam giáp Quốc lộ 9; phía Bắc giáp đất sản xuất thôn Trúc Kinh, thôn Trúc Khê; phía Đông giáp thôn Phi Thừa và thôn Trúc Kinh; phía Tây giáp Quốc lộ 1 thuộc thôn Phú Hậu, xã Thanh An. Khu dân cư được xây dựng theo định hướng quy hoạch tổng thể tạo không gian cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ với đất ở, đất công viên, trung tâm y tế… theo các tiêu chí tương đương đô thị loại V. Về động lực phát triển, Khu dân cư - thương mại - dịch vụ Thanh An có lợi thế vừa kế bên TP. Đông Hà, vừa nằm cạnh Quốc lộ 1, trên Quốc lộ 9 về biển Cửa Việt; nơi đây có hồ Bàu Đá rộng hơn 10ha mặt nước. Cùng với đó, theo quy hoạch, khu dân cư này nằm gần sân bay, nơi đây cũng sẽ được kết nối giao thông với cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, cao tốc Bắc - Nam, Ngã Tư Sòng năng động... Vì vậy, Khu dân cư - thương mại - dịch vụ Thanh An nói riêng và cả khu vực huyện nói chung có nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể trở thành cực phát triển mạnh, động lực của huyện Cam Lộ. Hiện nay, khu dân cư này đang được một doanh nghiệp tư vấn đến từ Đà Nẵng triển khai, dự kiến cuối năm 2022 sẽ được phê duyệt quy hoạch.

Nói về khởi sắc của Cam Lộ, ông Trần Kiêm Tiến cho biết thêm, cùng với các dự án bất động sản nổi lên trong thời gian vừa qua thì lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ của Cam Lộ cũng đang có lực hút mạnh đối với các nhà đầu tư. Được biết trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Cam Lộ đã thu hút 8 dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp với tổng số vốn đầu tư 238,27 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư tại các cụm công nghiệp lên 51 dự án, giải quyết việc làm cho trên 1.495 lao động; nộp ngân sách nhà nước 5,843 tỷ đồng. Năm 2022, huyện Cam Lộ cũng đã quy hoạch 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 190ha, trong đó hiện có 3 cụm công nghiệp đã lấp đầy dự án, các nhà đầu tư đã đăng ký, cam kết đầu tư.

"Khi hệ thống các trục giao thông chính xung quanh được hoàn thiện thì đó sẽ là thời điểm các nhà đầu tư triển khai dự án của mình", ông Tiến thông tin.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, đại diện bộ ngành trung ương bấm nút khởi công dự án đường ven biển nối hành lang kinh tế Đông Tây. (Ảnh: M.Đ.T)

Một điểm sáng nữa tại huyện Cam Lộ là bất động sản nông nghiệp cũng đang được các nhà đầu tư chú ý, nhất là hưởng ứng định hướng của Tỉnh ủy Quảng Trị xây dựng Cam Lộ thành trung tâm, vùng sản xuất cây dược liệu toàn tỉnh. Điển hình là Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam đã và đang tiến hành triển khai trồng cây quế trên địa bàn huyện, bên cạnh việc xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến quế tại cụm công nghiệp Cam Hiếu. Đến nay, khoảng 130ha quế đã được doanh nghiệp liên doanh liên kết với nông dân Cam Lộ trồng thử nghiệm trên diện tích 130ha, trong tổng số 500ha quy hoạch trồng trong giai đoạn đầu.

"Vừa qua, các nhà đầu tư đã có thời gian khảo sát rất kỹ về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán của nông dân nên họ quyết định đầu tư trồng cây quế tại huyện Cam Lộ. Dự kiến dự án trồng quế với tổng quy mô khoảng 1.500ha sẽ được triển khai tại 4 xã trên địa bàn huyện. Có thể thấy, những lợi ích mà cây quế mang lại cho bà con nông dân là vô cùng lớn. Không chỉ phục vụ hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập đáng kể đối với người dân. Chúng tôi rất hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư có tâm, có tầm đến với Cam Lộ", ông Tiến nói.

"Khó nhưng không có gì là không thể. Vượt khó là năng lực tự thân của Quảng Trị. Không có gì để nghi ngờ khi Quảng Trị đột phát trong tương lai và trở thành điểm sáng về phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam".

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam 

Sức hút từ... nắng, gió

"Nhớ khổ thương nghèo" - một câu nói đã đi sâu vào tiềm thức và cũng là đức tính vô cùng quý báu của mỗi người con Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị). Với người Lao Bảo giờ đây, họ càng có cớ để nhớ, để thương những ngày đầu từ dưới xuôi gồng gánh, dắt díu nhau lên chốn rừng thiêng nước độc để lập nghiệp.

Qua những giới thiệu đầy xúc cảm về quê hương Hướng Hóa, anh Nguyễn Trường Sơn, một đồng nghiệp trẻ của chúng tôi ở tỉnh Quảng Trị đã khiến mọi người càng thêm yêu mến vùng đất thơ mộng này. Anh còn kể câu chuyện vui rằng, cứ vào mùa mưa lũ thì người ở miền xuôi, miền biển tỉnh Quảng Trị lại tìm lên thị trấn Lao Bảo, vùng đất giáp với nước bạn Lào để... phơi hải sản. Điều này đã tạo ra một khung cảnh nhộn nhịp, vui mắt và cũng nói lên cái khó khăn và cách vượt qua hoàn cảnh khách quan của người con Quảng Trị. Đó là vào mùa mưa, trong khi nhiều vùng miền xuôi lo lũ, mưa xối xả trắng trời thì vùng đất Lao Bảo lại nắng. Nắng không chỉ mang lại nguồn năng lượng điện mặt trời, mà nắng còn giúp bà con ngư dân miền biển mang cá gửi lên... phơi.

Còn với vùng đất Khe Sanh - nơi trung tâm điện gió của tỉnh Quảng Trị, gió trở thành năng lượng, trở thành... tiền, gia tăng ngân sách cho địa phương. Những áng mây vờn quanh các dãy núi nhấp nhô bao thi vị, giờ điểm thêm những dãy cánh quạt điện gió trông "lạ mắt" - như cách nói của anh đồng nghiệp trẻ. Điện gió hiện diện khắp nơi trên các bản làng.

"Có thể thấy, "nắng, gió" đang trở thành lợi thế phát triển cho Quảng Trị", PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khơi gợi về tiềm năng lợi thế phát triển của Quảng Trị. Đề cập đến sự phát triển của Quảng Trị nói chung và việc xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Quảng Trị cần vượt khó và đi lên bằng năng lực tự thân. Thực tế cho thấy, Quảng Trị đang dần hiện thực hóa "giấc mơ" để trở thành trung tâm năng lượng của cả nước và khu vực; lật ngược tình thế khi biến những bất lợi thành yếu tố có lợi để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Có thể thấy, Quảng Trị đã và đang chọn lựa chọn đi theo xu thế thời đại, phù hợp xu hướng quốc gia và quốc tế về phát triển năng lượng.

PGS.TS. Trần Đình Thiên (Ảnh: M.Đ.T)

Quảng Trị cần coi những cam kết của COP 26 (Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) là cơ hội phát triển năng lượng của mình và có chiến lược phát triển dài hạn, chứ không phải một vài dự án để phát triển kinh tế. Trong đó, phát triển năng lượng gió là giải pháp hàng đầu, sau đó đến thời đại năng lượng hydro xanh, điện khí. Theo nghiên cứu, Quảng Trị về mặt nguyên tắc đang có những lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng gió, mặt trời và năng lượng khí.

Theo logic phát triển truyền thống trước đây, tại Quảng Trị còn gặp nhiều điều kiện tự nhiên bất lợi, khả năng liên kết yếu; quy mô kinh tế nhỏ nên thu hút đầu tư rất khó khăn; cấu trúc phát triển còn manh mún; thiên tai, biến đổi khí hậu cũng là một đe dọa lớn tới sự phát triển của tỉnh. Nhưng vượt qua mọi khó khăn, Quảng Trị đã và đang phát triển mạnh mẽ.

“Nhìn từ bài học của Ninh Thuận cho thấy, Quảng Trị chỉ cần lật ngược tư duy phát triển thì có thể bứt phá mạnh hơn”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nêu, đồng thời khuyến nghị một số điều cần thay đổi. Đó là thay đổi tư duy phát triển, khái niệm Quảng Trị cái gì cũng bất lợi hiện đã không còn đúng. Những bất lợi đó đã trở thành lợi thế phát triển của thời đại tương lai. Từ đó phải thay đổi cách tiếp cận phát triển. Cùng với đó là phải có khát vọng, khát vọng phải gắn với mảnh đất bình yên của con người và năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá và sự liên kết để giữ cho mảnh đất này trong sạch. Kinh tế nghèo muốn phát triển được cùng các tỉnh, thành khác thì phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba. Phải biết mượn sức. Đồng thời, muốn phát triển nhanh và bền vững thì cũng cần có những động lực mới, đó là năng lượng tái tạo, du lịch, sự khác biệt đẳng cấp và kiến tạo những đô thị đặc sắc tại vùng đất lửa này.

Tỉnh Quảng Trị còn nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng. Theo dự báo, tỉnh Quảng Trị có công suất tiềm năng về năng lượng tới hơn 14.000 MW. Trong đó, những lĩnh vực tiềm năng nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời. Với đặc thù địa hình, khu vực phía Tây của tỉnh sẽ là "thủ phủ điện gió", khu vực phía Đông phát triển điện khí, điện mặt trời và nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi.

Hiện nay, các chính sách về thủ tục đầu tư, hợp đồng, giá cả mua bán điện giữa chủ đầu tư dự án và các đơn vị có liên quan vẫn chưa được ban hành một cách đầy đủ và đồng bộ. Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương quyết định rất lớn đến yếu tố thành công của dự án. Đồng thời, các thủ tục, hành lang pháp lý cần phải được minh bạch, rõ ràng, tạo cơ chế đặc thù cho sự phát triển của ngành năng lượng xanh này.

Để hiện thực hóa tiềm năng, tỉnh Quảng Trị phải nhận thức được cơ hội về phát triển công nghiệp năng lượng để không bỏ lỡ cơ hội, không để tụt lại phía sau... Phải tận dụng thời cơ, mượn sức của cơ chế, chính sách để bứt phá. Chính Quảng Trị phải chứng minh được "Phát triển Quảng Trị chính là giảm bớt áp lực ngân sách cho quốc gia", phải coi phát triển Quảng Trị là "nghĩa vụ lịch sử quốc gia".

Có thể thấy, công nghệ, nhu cầu thời đại, tầm nhìn và khát vọng của Quảng Trị cùng định hướng quốc gia, sự hiện diện của các doanh nghiệp, hành động cải cách của chính quyền chính là những điều kiện khả thi để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung vào năm 2030. "Khó nhưng không có gì là không thể. Vượt khó là năng lực tự thân của Quảng Trị. Không có gì để nghi ngờ khi Quảng Trị đột phá trong tương lai và trở thành điểm sáng về phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam", ông Thiên nói.

"Quảng Trị nên xem phát triển năng lượng là động lực phát triển kinh tế, tuy nhiên phải chú trọng đô thị hoá và công nghiệp hoá. Nếu chúng ta kết hợp phát triển năng lượng xanh thì đô thị hoá và công nghiệp hoá phải xanh. Từ đó, Quảng Trị sẽ trở thành địa phương trong nước và trên thế giới về đô thị xanh và người dân tham gia trong quá quá trình đô thị hoá là "hữu sản hoá người dân" chứ không phải đẩy người dân đi".

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Điểm đến về năng lượng xanh

Cùng với những chính sách thiết thực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ thương mại, đô thị, tỉnh Quảng Trị ngày một làm sáng rõ "hình hài" của một trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Để hiện thực hóa "giấc mơ" đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị, tỉnh cần tiếp tục có sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành; sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư và sự đồng hành, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế - năng lượng…

Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết thêm, đến nay trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 149,5MWp (tương đương 127MW); 1 dự án nhà máy nhiệt điện than với công suất 1.320MW, 2 dự án điện khí với tổng công suất 1.840MW và 18 dự án thủy điện (bao gồm cả Dự án Thuỷ lợi - Thủy điện Quảng Trị, công suất 64MW) với tổng công suất 260,5MW. Đến nay, đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714MW, đưa vào vận hành thương mại 671,1MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại. Như vậy, tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5MW (chưa bao gồm khoảng 100MW hệ thống điện mặt trời mái nhà). Với ước tính sơ bộ, mỗi MW sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước trung bình 500 triệu đồng/năm; khả năng đóng góp vào ngân sách của các dự án năng lượng tính đến thời điểm hiện tại khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (trái) tiếp xúc với doanh nhân nước ngoài quan tâm lĩnh vực năng lượng tái tạo. (Ảnh CTV)

Trong giai đoạn 2022 - 2025, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai hoàn thành các dự án năng lượng đã được phê duyệt quy hoạch; trong đó, có 12 dự án điện gió với tổng công suất 454MW và 7 dự án thủy điện với tổng công suất 93MW. Bên cạnh đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư các dự án điện gió trên bờ với tổng quy mô công suất khoảng 900MW trong số 5.600MW đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt quy hoạch. Nếu Chính phủ sớm có cơ chế xác định giá bán điện gió đối với 12 dự án điện gió trên bờ đang triển khai thi công và được phê duyệt quy hoạch khoảng 900MW như đã nêu thì công suất phát điện tăng thêm trên địa bàn tỉnh khoảng 1.447MW, đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách địa phương. Kết thúc giai đoạn đến năm 2025, dự kiến tổng công suất phát điện trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 2.500MW.

Cũng trong giai đoạn này, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa các dự án điện khí, nhiệt điện đã có trong Quy hoạch điện VII vào Quy hoạch điện VIII (quy mô công suất 3.160MW gồm: Nhiệt điện Quảng Trị 1 - 1.320MW, Nhiệt điện khí Gazprom - 340MW và Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW); đưa khoảng 1.000MW các dự án năng lượng tái tạo (điện gió và điện sinh khối), khoảng 1.700 thủy điện tích năng vào Quy hoạch điện VIII để triển khai đầu tư, hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2030. Bên cạnh đó, triển khai quy hoạch, kêu gọi đầu tư khoảng 1.000MW điện gió ngoài khơi và việc sản xuất các loại hydro "sạch" từ quá trình điện phân nước bằng năng lượng tái tạo (các dự án điện gió ngoài khơi) thân thiện với môi trường. Nếu được phê duyệt quy hoạch và triển khai đầu tư đúng tiến độ, trong giai đoạn 2025 - 2030, công suất phát điện tăng thêm trên địa bàn tỉnh khoảng 6.860MW (2.000MW điện gió, điện sinh khối; 1.700MW thủy điện tích năng; 3.160MW nhiệt điện và điện khí). Tổng công suất lũy kế đến năm 2030 ước đạt khoảng 9.360MW. Định hướng sau năm 2030, tỉnh Quảng Trị tiếp tục đề xuất phê duyệt khoảng 4.500MW các dự án điện khí LNG, gần 4.000MW điện gió trên bờ, 3.600MW điện gió ngoài khơi, 1.000MW thủy điện tích năng và 1.500MWp các dự án điện mặt trời.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho rằng, với những kết quả đã đạt được và hướng phấn đấu nêu trên, đây chính là tiền đề để tỉnh đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh uỷ Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước.

Cùng với điện gió, nhiều nhà đầu tư cũng đã đầu tư, vận hành hệ thống điện mặt trời tại vùng cao huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. (Ảnh: M.Đ.T)

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, xét về tiềm năng, cơ hội để Quảng Trị hiện thực hóa giấc mơ trung tâm năng lượng tại miền Trung thì tỉnh đã "bắt nhịp" theo xu thế phát triển năng lượng xanh thay năng lượng hóa thạch. Hiện trên thế giới đang gặp phải tình trạng khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu tăng cao do vậy giai đoạn tới việc phát triển khoa học - công nghệ về năng lượng sẽ tăng nhanh hơn. Định hướng phát triển năng lượng tương lai của đất nước sẽ là điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung cũng lưu ý việc phát triển nhanh quá sẽ làm lúng túng trong chính sách. Từ lúng túng đó, việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực này sẽ bị chững lại.

Hiện nay, miền Trung và Tây nguyên đang phát triển rất mạnh về năng lượng điện gió, điện mặt trời. Do vậy, có thời điểm việc giải tỏa công suất gặp khó khăn. Trong tương lai, các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Trị nên có tầm nhìn lâu dài nhưng phải thiết thực về việc phát triển năng lượng. Trong đó, cần tạo nhu cầu cho việc sử dụng năng lượng tại địa phương nhiều hơn, năng lượng tạo ra trước hết phục vụ cho địa phương. Bên cạnh đó, hiện có nhiều tỉnh, thành cũng đang chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, từ đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Quảng Trị cũng như các tỉnh miền Trung cần có tiếng nói chung, không đi riêng lẻ, mà phải đi tập trung, thống nhất để thu hút đầu tư.

TS. Nguyễn Đình Cung (Ảnh: CTV)

"Quảng Trị nên xem phát triển năng lượng là động lực phát triển kinh tế, tuy nhiên phải chú trọng đô thị hoá và công nghiệp hoá. Nếu chúng ta kết hợp phát triển năng lượng xanh thì đô thị hoá và công nghiệp hoá phải xanh. Từ đó, Quảng Trị sẽ trở thành địa phương trong nước và trên thế giới về đô thị xanh và người dân tham gia trong quá quá trình đô thị hoá là “hữu sản hoá người dân” chứ không phải đẩy người dân đi", TS. Cung gợi ý.

Việc tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung là hoàn toàn có cơ sở từ khoa học, thực tiễn, tiềm năng và quyết tâm chính trị; đồng thời là hướng đi đúng, trúng để tạo ra bước đột phá quan trọng trong thời gian tới.

Vincom Shophouse Royal Park và sức cộng hưởng

Đầu tháng 3/2022, thị trường bất động sản Quảng Trị ghi dấu sự xuất hiện của một dự án góp phần thay đổi đô thị Đông Hà là việc khởi công xây dựng tổ hợp dự án Vincom Shophouse Royal Park. Dự án này do Công ty Cổ phần Vincom Retail (thuộc Tập đoàn Vingroup) đầu tư trên diện tích 13,2ha tại trung tâm TP. Đông Hà với 2 mặt tiền là đường chính Hùng Vương xuyên tâm TP. Đông Hà, mặt còn lại nằm trên đường Điện Biên Phủ. Dự án bao gồm hạng mục chính là trung tâm thương mại Vincom cùng 523 căn shophouse.

Dự án Vincom Shophouse Royal Park tại trung tâm TP. Đông Hà đang triển khai xây dựng rầm rộ. (Ảnh: M.Đ.T)

Ngay khi dự án khởi công đã tạo ra một sự cộng hưởng không ngờ đối với thị trường bất động sản Đông Hà, nhất là những khu vực tiếp giáp hoặc ở gần dự án với giá đất "tăng chóng mặt". Đây là dự án được lãnh đạo tỉnh, TP. Đông Hà đánh giá cao về tiến độ, kỳ vọng góp phần lớn làm thay đổi diện mạo thành phố ngày càng văn minh, hiện đại và tiện nghi hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top