Aa

Khi thị trường mất thanh khoản, chứng khoán sẽ về đâu?

Chủ Nhật, 20/05/2018 - 20:20

Trong thời gian gần đây, hiện tượng mất thanh khoản trong các phiên giao dịch liên tục diễn ra, thậm chí có những phiên “trắng cả bên mua”.

g

Nếu mất thanh khoản – nhà đầu tư sẽ chẳng được hưởng lợi thì thị trường chứng khoán sẽ gặp nhiều trở ngại.

Thị trường mất thanh khoản, vì đâu?

Thị trường mất thanh khoản là sự sụt giảm mạnh về khối lượng và giá trị giao dịch cổ phiếu.

Nếu loại trừ những lệnh thỏa thuận, VN-index phiên ngày 17/5 có khối lượng khớp lệnh và giá trị giao dịch thấp nhất trong hơn 7 tháng gần đây (107,39 triệu cổ phiếu, đạt hơn 3.221 tỷ đồng). Kết phiên giao dịch, chỉ số VN-index giảm 23,98 điểm (2,27%) còn 1.030,64 điểm, trong khi đó HNX-index tăng 0,01 (0,01%) lên 121,50 điểm và Upcom-index tăng 0,04 (0,07%) lên 55,97 điểm. Thanh khoản trên cả 3 sàn chỉ đạt gần 185 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị hơn 5.100 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.100 tỷ đồng là giao dịch thỏa thuận.

Có nhiều lí do để lý giải cho việc thị trường mất thanh khoản thời gian gần đây:

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 2018 sẽ dẫn đến “đảo ngược dòng vốn”.

Hiện tại diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã xuống mức thấp nhất và tương đương với lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ. Hiện tượng này không thuyết phục khi mà Việt Nam là thị trường cận biên, vốn được xem là có tính rủi ro cao hơn so với thị trường phát triển như Mỹ. Với khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2018, thị trường tài chính Việt Nam vẫn sẽ biến động trong những tháng tới. 

FED tăng lãi suất 2018 giúp lãi suất trái phiếu Mỹ tạo đáy và tăng mạnh lên mốc kỷ lục. Quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng phải tăng lãi suất sau một thời gian dài nới lỏng chính sách. Thậm chí, xu hướng rút vốn lan tỏa tới Hồng Kông khi chỉ trong vòng một đêm Hồng Kông phải chi ra 1,2 tỷ USD nhằm cứu đồng nội tệ vì nhà đầu tư bán đồng HKD để chuyển vốn về USD.

Việc FED tăng lãi suất 2018 được các chuyên gia tài chính dự đoán là không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng thực tế thị trường sau khi đón nhận thông tin này lại ngay lập tức bị chao đảo. Bằng chứng là thời gian gần đây khối ngoại liên tục bán ròng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ hai, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nâng tỷ lệ ký quỹ lên 60%.

Các nhà quản lý liên quan đã thể hiện sự quan ngại về rủi ro bong bóng đối với các loại tài sản như bất động sản và cổ phiếu… Do đó, cũng đã có các hành động nhằm hạ nhiệt giá những loại tài sản này. Cụ thể như Ngân hàng Nhà nước hút ròng vốn từ thị trường mở (OMO) trong quý I/2018 và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng bày tỏ quan điểm về thắt chặt tỷ lệ cho vay ký quỹ từ đầu tháng 6/2018.

Mặc dù đề xuất mới vẫn chưa được thông qua nhưng sau thông tin này, không ít nhà đầu tư lo ngại dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ bị "siết" chặt lại, từ đó ảnh hưởng tới đà tăng của thị trường chung. Được biết, tính tới cuối năm 2017, tổng vốn vay margin trên toàn thị trường ước đạt 38.000 tỷ đồng, tương đương 1% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ ba, mặt bằng thị trường chứng khoán đang ở mức định giá cao, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có mức PE cao nên đã thỏa mãn lợi nhuận chốt lời của đa số nhà đầu tư.

Về mức định giá thị trường cao không phải yếu tố bất ngờ gây sụt giảm mà nó thể hiện đúng tính chu kì của thị trường. Định giá cổ phiếu ở mức thấp ở cuối năm 2015 - đầu năm 2016 (P/E ~ 9 ); cổ phiếu tăng làm định giá cao từ cuối 2016 đầu 2017 (P/E ~ 18). Đến khi thị trường điều chỉnh và ổn định lại mặt bằng giá mới ở giữa năm 2017 (P/E~16) ở nhóm vốn hóa lớn cho thấy kết quả kinh doanh tốt, triển vọng khiến cho mức định giá thời điểm đó thành rẻ hơn (gọi là ổn định mặt bằng định giá mới) ở quý III/2017 tăng dẫn đến quý I/2018 mức định giá bị đẩy lên cao (P/E ~22).

Thứ tư là hiệu ứng “Sell in May”. 

Việc thị trường thường "mất hút" thanh khoản nửa cuối tháng 4 và tháng 5 với nhiều cổ phiếu "trắng bên mua" khiến nhiều người lại nghĩ về Sell in May trên thị trường chứng khoán.

Theo lịch sử giao dịch chứng khoán, tháng 5 thị trường chung đa phẩm giảm bởi hiệu ứng Sell in May nên nhà đầu tư cũng dè dặt hơn trong việc giải ngân. Qua đó, phần nào là tác nhân khiến thị trường mất thanh khoản.

Tháng 5 cũng là giai đoạn thị trường phải đối mặt với khoảng trống thông tin, khi mà hầu hết các tin tức kinh tế vĩ mô quan trọng và báo cáo tài chính của doanh nghiệp đều được công bố vào quý I.

Thứ năm, khối ngoại bán ròng mấy phiên gần đây là để rút vốn lấy tiền mặt mua “hàng” của Vinhomes - cổ phiếu VHM với khối lượng kỷ lục nhất trong 20 năm qua là 248,9 triệu cổ phiếu giá trị 28.550 tỷ đồng (gần 1,26 tỷ USD) trong ngày 18/5.

Nếu mất thanh khoản – thị trường chứng khoán sẽ về đâu?

Với nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư thường xác định 2 yếu tố là tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu và nguồn "hàng”. Tiềm năng tăng trưởng, hay kỳ vọng sinh lời của cổ phiếu được thể hiện qua kết quả kinh doanh hiện tại và triển vọng trong tương lai của doanh nghiệp. Trong khi nguồn "hàng" hay thanh khoản của cổ phiếu là điều kiện cần để đảm bảo việc đầu tư và hiện thực hóa lợi nhuận. Vì vậy khi thị trường có nguy cơ mất đi thanh khoản là dấu hiệu xấu báo động cho không riêng nhà đầu tư mà cả thị trường chung.

Từ tuần trước, VN-Index đã nỗ lực phục hồi từ mốc 1.000 điểm nhưng thanh khoản vẫn gần như “mất hút”. VN-Index đạt 1.040,54 điểm chỉ nhờ hiệu ứng của cổ phiếu VHM khi khối ngoại liên tục mua ròng với giá thỏa thuận 2 phiên liên tiếp, bên cạnh đó dòng tiền cũng không lan tỏa sang tất cả các nhóm cổ phiếu khác.

Như vậy, dấu hiệu mất thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã manh nha xuất hiện, nếu tình trạng mất thanh khoản không chịu dừng lại thì cả thị trường sẽ ảnh hưởng gì?

Câu trả lời chính là khi cổ phiếu có thanh khoản thì thị trường sẽ chú ý và từ đó thanh khoản có cơ hội được tăng lên. Khi có thanh khoản, uy tín, thương hiệu của cổ phiếu mới mong được lan tỏa và nhà đầu tư biết đến. Còn nếu mất thanh khoản – nhà đầu tư sẽ chẳng được hưởng lợi thì thị trường chứng khoán sẽ gặp nhiều trở ngại?

Ở tuần vừa qua, thanh khoản và giá trị giao dịch của “khối nội” - điều mà nhà đầu tư kỳ vọng thay đổi nhất đã không xảy ra. Cả 3 sàn, thanh khoản vẫn sụt giảm rất mạnh, từ mức 250 triệu cổ phiếu khớp lệnh/ngày trên HOSE (không tính giao dịch thỏa thuận), nay đã cận kề 110 - 120 triệu đơn vị khớp lệnh/ngày. Tất cả vẫn diễn lại kịch bản như những phiên giao dịch trước.

Bên cạnh đó, dòng tiền lớn từ những “Big boy” hay còn gọi là nhà tạo lập thị trường mang tính dẫn dắt vẫn chưa “kích hoạt” - họ vẫn chọn phương án “an toàn” bằng cách đứng ngoài quan sát chờ cơ hội. Hiện tại, vẫn là cuộc chơi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và dòng tiền ngắn hạn.

Điều này, không chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý mà nặng nề hơn - niềm tin của nhà đầu tư với thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các quỹ cũng không thể giải ngân sẽ khiến thị trường mất đi “lực cầu tiềm năng”.

Chính vì thế, nếu tình trạng thị trường mất thanh khoản kéo dài sẽ khiến thị trường giảm sâu, thậm chí “kịch bản giảm sâu” có thể xảy ra trong những phiên giao dịch kế tiếp trong tháng 5 này.

Nhưng ở chiều ngược lại, phải chăng “kịch bản giảm sâu” cũng có thể giúp thị trường đưa cổ phiếu về đúng giá trị thực của nó vì giá trị cổ phiếu thời gian qua đã từng được thị trường định giá quá cao? Bên cạnh đó “kịch bản giảm sâu” cũng có một khả năng tích cực nữa là kích thích dòng tiền lớn giải ngân trở lại?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top