Aa

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp vật liệu xây dựng

Thứ Tư, 01/04/2020 - 16:24

Trước tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn cả về nguồn cung vật liệu cũng như đầu ra.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP EuroHa, một trong những doanh nghiệp sản xuất nhôm thanh dựng cao cấp cho biết, từ sau Tết các đơn hàng doanh nghiệp nhận về đã giảm mạnh, kéo theo doanh thu của đơn vị này cũng giảm tới 50%.

Khó khăn bủa vây

Không chỉ thế, theo bà Dung, đặc thù sản phẩm nhôm cần nhiều nguyên liệu phải nhập ngoại, cụ thể là nguồn nguyên liệu từ nước khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Do dịch bệnh các quốc gia này gần như “đóng cửa” hoàn toàn khiến hoạt động sản xuất cũng trở nên khó khăn do không có nguồn cung.

“Doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm nhân công, giảm tiền lương để đảm bảo duy trì quỹ ứng phó 6 tháng, đề phòng dịch bệnh kéo dài”, bà Dung chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ, theo chia sẻ của đại diện Công ty Cổ phần Viglacera Thăng Long (Phúc Yên), hiện nay doanh nghiệp này chỉ hoạt động được 1/3 số lượng dây chuyền sản xuất. Mặc dù chưa chạy hết công suất, song sản lượng tiêu thụ vẫn khá chậm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhu cầu triển khai công trình xây dựng bị trì hoãn.

Hàng loạt cửa hàng vật liệu xây dựng đóng cửa trước cả lệnh buộc đóng cửa của Chính phủ

Ông Trần Thanh Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Toàn Cầu cho biết, sản lượng của Công ty hiện nay giảm đi trông thấy. Nếu trước đây một ngày doanh nghiệp xuất đi 4 - 5 xe (mỗi xe khoảng 20 triệu viên), thì nay chỉ còn khoảng 2 xe/ngày. Hiện tại, Công ty đang phải bù lỗ hơn 100 triệu đồng/tháng.

Không chỉ thế, chia sẻ với PV, chủ một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại Hà Nội cho biết, từ sau tết, lượng khách hàng tìm mua vật liệu xây dựng giảm đáng kể, nhiều cửa hàng chỉ mở theo kiểu “cầm chừng” chờ hết dịch.

"Một phần tâm lý do dịch nên khách hàng ngại tiếp xúc nhiều người, một phần do quan niệm đầu năm không “đập, phá, xây” của người Việt mình. Nhưng thời điểm đó vẫn có một lượng khách hàng nhất định, đủ để cửa hàng có nguồn thu để trang trải chi phí mặt bằng. Nhưng đến đợt bùng dịch thứ 2 thì mọi hoạt động sửa sang đều dừng hẳn, phần lớn cửa hàng đã phải đóng cửa trước cả lệnh buộc đóng cửa của Chính phủ”, chị Minh, chủ một cửa hàng VLXD trên đường La Thành chia sẻ.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Xi măng, lượng tiêu thụ nội địa từ đầu năm tới nay chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2019, và bằng 48% so với cuối năm 2019; xuất khẩu xi măng, clinker chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 56% so với cuối năm 2019.

Còn theo thống kê của Bộ Xây dựng, lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng trong 2 tháng đầu năm nay giảm mạnh, chỉ đạt 70 - 75% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều ngành thậm chí chỉ đạt mức tiêu thụ xấp xỉ 50% so với thời điểm cuối năm.

Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất sắt, thép đã “tính kế” hướng tới thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Campuchia, Malaysia... Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, cánh cửa xuất khẩu cũng bị đóng sập lại.

Đầu "xuôi" đuôi mới "lọt"

Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cho rằng, cùng với dịch bệnh, thị trường vật liệu xây dựng phụ thuộc rất lớn vào thị trường bất động sản, trong khi thị trường năm nay gặp nhiều khó khăn bởi các chính sách thắt chặt tín dụng, nhiều địa phương hạn chế phê duyệt dự án mới, kéo theo đó các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng gặp nhiều bài toán khó khăn.

Ảnh minh họa.

Chia sẻ với PV, ông Thái Duy Sâm - Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã thông báo với các đơn vị thành viên đề nghị thực hiện đúng công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân lực thì mới có thể đảm bảo duy trì hoạt động doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị sử dụng nguồn nguyên vật liệu từ nước ngoài cần tranh thủ điều kiện, tận dụng tín hiệu tốt từ nguồn nguyên liệu, chỉ cần “mở cửa” thì nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất.

Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam và một số đơn vị thành viên như Hiệp hội xi măng cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan có hành động miễn, giảm thuế, giảm lãi suất vay, giãn nợ; miễn, giảm cước phí cầu đường bộ để giảm chi phí lưu thông; giảm tỷ lệ thu BHXH hoặc dừng thu bảo hiểm xã hội trong ít nhất 6 tháng... để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoại khó khăn này.

“Một điều quan trọng nữa Hội cũng kiến nghị nhà nước có chính sách tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, tạo điều kiện phát triển các dự án mới. Chỉ có thị trường bất động sản “xuôi” thì vật liệu xây dựng mới có thể “lọt” được”, ông Thái Duy Sâm kiến nghị.

Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Dung cho biết, doanh nghiệp đã chủ động giảm giá, đẩy hàng ra nhưng lượng tiêu thụ vẫn chững lại, dòng tiền xoay vòng cũng bị chậm lại đáng kể. Doanh nghiệp cũng đang tính đến nhiều phương án cơ cấu lại sản xuất, giảm các khâu trung gian, ưu tiên giải quyết các đơn hàng cần kíp…

"Tuy nhiên, để có thể sống sót và hoạt động trở lại sau dịch bệnh rất cần Chính phủ sớm có những chính sách “giải cứu” tập trung vào 3 trọng tâm giãn, giảm Bảo hiểm xã hội, thuế và tín dụng ngân hàng", bà Dung kiến nghị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top